'Giặc lửa' - hiểm họa khôn lường

Chưa bao giờ tình trạng hỏa hoạn, cháy nổ trong cả nước lại xảy ra nhiều và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như những năm gần đây. Những con số đau lòng về số người thiệt mạng, bị thương do 'bà hỏa' gây ra khiến không ai không khỏi chạnh lòng, xót xa. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra sau mỗi vụ việc, nhưng chỉ thời gian sau đâu lại hoàn đó, vẫn là lối mòn suy nghĩ: 'Chắc nhà mình không sao, không cháy được đâu!…'.

Vụ cháy mới nhất vừa xảy ra tại một nhà trọ ở phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội khiến 14 người tử vong và 3 người bị thương. Đây tiếp tục là bài học đau xót, gây rúng động toàn xã hội và một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng, chống cháy nổ tại các khu nhà ở tập thể cao tầng, nhà ống, nhà ở kết hợp với kinh doanh trong các khu dân cư đô thị.

Từ vụ việc khiến chúng ta nhớ lại vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội vào tháng 9-2023, khiến 56 người thiệt mạng. Điểm chung của 2 vụ cháy này đều xảy ra vào ban đêm, với con số thương vong lớn và vị trí cháy nằm sâu trong con hẻm nhỏ, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng. Thế nhưng, không riêng Hà Nội, mà tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn gây chết nhiều người, là nỗi kinh hoàng, ám ảnh với người dân cả nước. Nguyên nhân ban đầu luôn được xác định là do sự chủ quan, lơ là, không tuân thủ nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy khiến các vụ hỏa hoạn xảy ra ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ thiệt hại.

Theo báo cáo từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an, trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản ước tính 878 tỷ đồng và 236 ha rừng. Trong đó, khu vực thành thị xảy ra 2.105 vụ, chiếm 61,2%; khu vực nông thôn xảy ra 1.335 vụ, chiếm 38,8% và số vụ cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 1.000 vụ. Đặc biệt, chỉ trong tháng 4-2024, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 372 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương 2 người, thiệt hại khoảng 18,69 tỷ đồng và 43,94 ha rừng. Và cháy vẫn chủ yếu xảy ra ở địa bàn thành thị với 218/372 vụ.

Tại tỉnh Bình Phước, do dân cư thưa, đất đai rộng lớn nên chưa có nhiều công trình nhà ở cao tầng cho thuê, chung cư mini như ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, lơ là. Công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được tỉnh quan tâm triển khai kiểm soát, tập huấn, diễn tập. Ngành chức năng của tỉnh đã triển khai thành lập nhiều tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; điểm chữa cháy công cộng, mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”... Theo báo cáo của Công an tỉnh, 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 98 vụ cháy, làm 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 1,8 tỷ đồng, cùng hàng chục hécta vườn cây.

Đau thương, mất mát và những hệ lụy do “giặc lửa” gây ra vô cùng lớn và là điều không ai mong muốn. Thế nhưng, thực tế vẫn còn tâm lý chủ quan, xem công tác phòng, chống cháy nổ là của các cấp chính quyền, ngành chức năng. Khi cháy xảy ra thì rút kinh nghiệm, vào cuộc kiểm tra đôn đốc nhưng bẵng đi thời gian thì đâu lại hoàn đó, như “ném đá ao bèo” và hệ quả để lại là khôn lường.

Rõ ràng, cháy không trừ một ai, bất luận ở đâu, địa bàn nông thôn hay thành thị, mùa mưa hay nắng. Bởi vậy, công tác phòng, chống cháy nổ phải luôn được đề cao cảnh giác. Từ các vụ việc cho thấy, ý thức phòng, chống cháy nổ từ mỗi người, mỗi nhà dân là quan trọng nhất, không chỉ trong phòng ngừa mà cả trong ứng cứu và xử lý thoát nạn khi có cháy xảy ra, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, bởi “giặc lửa” không từ một ai.

Minh Luận

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/158074/giac-lua-hiem-hoa-khon-luong