Giấc mơ chinh phục vũ trụ của các nước Arab

Các quốc gia Arab sản xuất dầu mỏ đang dần chuyển trọng tâm sang những dự án phát triển ngành hàng không vũ trụ. Đây được coi là một bước ngoặt chiến lược nhằm tạo các ngành nghề mới cho tương lai, cũng như nâng cao vị thế quốc gia.

Các kỹ sư UAE làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Mohammed Bin Rashid ở Dubai

Các kỹ sư UAE làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Mohammed Bin Rashid ở Dubai

Dẫn đầu xu hướng này là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), quốc gia đã bắt tay thực hiện khám phá Sao hỏa và dự kiến phóng một tàu thăm dò Mặt trăng vào năm 2022. Sứ mệnh khám phá Sao hỏa của UAE vừa bước vào giai đoạn thu thập dữ liệu và trong 2 năm tới, tàu thăm dò Hope sẽ thu thập và truyền tải các chi tiết quan trọng về thời tiết khí hậu của hành tinh đỏ. Nếu mọi thứ suôn sẻ, sứ mệnh có thể được gia hạn thêm 2 năm. Chính phủ UAE cũng đã thiết lập một chương trình nhằm hướng tới việc xây dựng một khu định cư có thể sinh sống được trên Sao hỏa vào năm 2117. Cho đến nay, UAE đã đầu tư 6 tỷ USD vào các nhiệm vụ không gian và “động cơ” được cho là nhằm đa dạng hóa nền kinh tế nước này.

UAE đặt ra mục tiêu tự phát triển các vệ tinh mới và một trung tâm mô phỏng không gian ngoài vũ trụ để huấn luyện phi hành gia. Hiện UAE đã có 3 vệ tinh quan sát Trái đất từ năm 2009. Hai thiết bị đầu tiên là sản phẩm hợp tác với Hàn Quốc, vệ tinh còn lại do chính các kỹ sư UAE chế tạo. Từ năm 2017, UAE đã khởi động Chương trình Không gian quốc gia năm 2017 nhằm phát triển trình độ khoa học và kỹ thuật, dần giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Quyết định này đến vào thời điểm UAE nhận định nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm và việc thúc đẩy các ngành khoa học và công nghệ thông qua phát triển không gian sẽ là “nhiên liệu” cho một nền kinh tế bền vững trong tương lai. Đội ngũ chuyên gia của các dự án không gian tại UAE hầu hết ở độ tuổi 30 hoặc trẻ hơn, rất nhiều người là phụ nữ. UAE cũng đã tìm cách hợp tác với các quốc gia Arab khác trong dự án không gian.

Trước khi bắt tay triển khai sứ mệnh khám phá Sao hỏa, UAE là một quốc gia có rất ít kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển không gian. Tuy nhiên, với sự hợp tác từ Mỹ và Nhật Bản, UAE đã có thể phóng tàu thăm dò Sao hỏa chỉ 6 năm sau khi công bố kế hoạch vào năm 2014. UAE đã xây dựng lộ trình hợp tác phát triển ngành hàng không vũ trụ với 10 quốc gia Arab trong đó có Saudi Arabia và Bahrain.

Theo sau UAE là Saudi Arbia, một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Nước này cũng đã thành lập một cơ quan vũ trụ vào năm 2018 và hướng tới chấm dứt phụ thuộc vào dầu mỏ vào năm 2030. Thái tử Mohammed bin Salman xác định, ngành hàng không vũ trụ là một lĩnh vực hứa hẹn đóng góp cho nền kinh tế. Vì thế, ngành này được dành một khoản đầu tư đáng kể trong chiến lược phát triển mà Saudi Arabia đề ra với tầm nhìn đến năm 2030. Để chuẩn bị, Saudi Arabia đã ký hợp đồng trị giá 1 tỷ USD hợp tác phóng vệ tinh và xây dựng trung tâm vũ trụ cho 3 công ty hàng không vũ trụ thuộc Tập đoàn Virgin của tỷ phú Richard Branson gồm: Virgin Galactic, The Spaceship Company và Virgin Orbit.

Bước đi của UAE hay Saudi Arabia đều có điểm chung là chọn phương án tìm kiếm đối tác có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ để hợp tác, học tập kinh nghiệm. Cách này có thể giúp tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc, đồng thời tránh được những rủi ro, trục trặc do lần đầu thử nghiệm không thành công.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giac-mo-chinh-phuc-vu-tru-cua-cac-nuoc-arab-740879.html