Giấc mơ chưa thành của 'triệu phú bán giày' Tony Hsieh

Tony Hsieh, qua đời ở tuổi 46, nổi tiếng với công ty bán giày trực tuyến Zappos. Tuy nhiên, di sản lớn nhất của ông có lẽ đã nằm lại ở góc phố phía bắc Dải Las Vegas.

Las Vegas từ lâu nổi danh là khu đô thị sầm uất với những sàn đánh bạc và tổ hợp khách sạn xa hoa, cùng nhiều địa điểm biểu diễn âm nhạc, hài kịch và xiếc thu hút đông đảo người xem.

Nhưng cách Dải Las Vegas nhộn nhịp không xa về phía bắc, có một góc phố dường như đã chìm vào quên lãng, nơi cả người bản địa lẫn khách thập phương đều hầu như không hề lui tới.

Trên thực tế, Dải Las Vegas và nhiều tổ hợp giải trí lớn khác không thuộc địa phận thành phố Las Vegas.

Góc phố lặng lẽ nói trên thực chất chính là trung tâm thành phố Las Vegas.

Tony Hsieh, doanh nhân được biết đến với biệt danh “triệu phú bán giày” nhờ công việc kinh doanh phát đạt của công ty Zappos, đã quyết tâm hồi sinh góc phố nói trên bằng số tiền bán toàn bộ cổ phiếu của Zappos cho Amazon vào năm 2009, theo New York Times.

 Dải Las Vegas sầm uất và lộng lẫy với tổ hợp giải trí xa xỉ. Ảnh: iStock.

Dải Las Vegas sầm uất và lộng lẫy với tổ hợp giải trí xa xỉ. Ảnh: iStock.

Dự án Downtown

“Bao nhiêu lần trong đời bạn có cơ hội để tham gia vào quá trình định hình tương lai của một thành phố lớn?”, ông Hsieh hỏi trong một bài phát biểu hồi 2013, ông cũng cam kết sẽ biến trung tâm thành phố Las Vegas thành “đô thị có cộng đồng dân cư gắn kết nhất thế giới”.

Cùng năm, “triệu phú bán giày” chuyển đại bản doanh của Zappos về Tòa thị chính cũ để thể hiện quyết tâm kết nối người dân thành phố thành một khối thống nhất.

Ông cũng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật ở nơi công cộng và mở rộng vỉa hè để thu hút người đi trên phố xích lại gần nhau hơn.

Bên cạnh đó, ông Hsieh kêu gọi bạn bè trong giới kinh doanh triển khai ý tưởng khởi nghiệp của họ ở trung tâm thành phố Las Vegas để nơi đây trở nên xôm tụ hơn.

Không chỉ hứa suông, ông Hsieh đã đầu tư số tiền 350 triệu USD để tiến hành các hoạt động cải tạo khu phố bị lãng quên.

 "Triệu phú bán giày" Tony Hsieh. Ảnh: New York Times.

"Triệu phú bán giày" Tony Hsieh. Ảnh: New York Times.

Những nỗ lực nói trên được doanh nhân 46 tuổi mô tả là “dự án Downtown”. Dù ban đầu nhận được nhiều sự tán dương và đồng tình, dự án Downtown nhanh chóng trở thành tâm điểm ngờ vực của một bộ phận cư dân Las Vegas.

Nhiều người chỉ trích dự án của ông Hsieh đã khiến thành phố trở nên đắt đỏ hơn. Trước đó, Nevada vốn nổi tiếng là bang có chi phí nhà ở cao ngất ngưởng.

Nhiều nhân viên chủ chốt của dự án Downtown đã xin nghỉ chỉ sau một thời gian ngắn tham gia. Một số người không ngần ngại chỉ trích đơn vị chủ đầu tư là “một tổ hợp của sự mục ruỗng, tham lam và thiếu khả năng lãnh đạo” trong bức thư ngỏ gửi đi vào tháng 9/2014.

Cũng trong tháng đó, ông Hsieh đột ngột từ chức sau khi ban quản lý dự án sa thải hàng chục nhân viên. Ông dọn khỏi căn hộ sang trọng của mình và chuyển đến sống trong chiếc xe kéo bán tải thùng (trailer) hiệu Airstream tại công viên xe kéo mà ông xây dựng ở trung tâm Las Vegas.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào năm 2016, “triệu phú bán giày” cho biết điều tiếc nuối duy nhất của ông với dự án Downtown là chưa tiến hành xây dựng các công trình dân sinh đủ nhanh: “Hiện chúng tôi chỉ mới bắt đầu định hình một tòa nhà chung cư”.

Di sản và cảm hứng mang tên Tony Hsieh

Khi những nỗ lực hồi sinh góc phố phía bắc Las Vegas vẫn chưa thực sự thành hình, cựu giám đốc của Zappos đột ngột qua đời vào ngày 27/11 do bị thương nặng trong vụ cháy nhà tại Connecticut, Mỹ.

Tuy vậy, khoản đầu tư và các kế hoạch của ông Hsieh đã góp phần thúc đẩy một số cá nhân tạo ra tác động đáng kể lên cộng đồng dân cư nơi đây.

 Dù ước mơ thay đổi bộ mặt trung tâm thành phố Las Vegas chưa thành, ông Hsieh đã để lại nhiều di sản cho cư dân nơi đây. Ảnh: Reuters.

Dù ước mơ thay đổi bộ mặt trung tâm thành phố Las Vegas chưa thành, ông Hsieh đã để lại nhiều di sản cho cư dân nơi đây. Ảnh: Reuters.

Natalie Young đã từ bỏ công việc đầu bếp ở Dải Las Vegas vài tháng trước khi được một người bạn giới thiệu với ông Hsieh.

Theo lời kể của bà Young, “triệu phú bán giày” từng hỏi: “Cô muốn xây nhà hàng cỡ nào?” rồi cho bà vay 225.000 USD để tiến hành.

Bà Young đã mở nhà hàng đầu tiên của mình vào năm 2012 bằng số tiền nói trên, đặt tên là Eat. Chỉ ít lâu sau khi Eat được thành lập, bà Young nhanh chóng nhận thấy công việc kinh doanh trở nên phát đạt, song song với sự đổi thay của khu phố nơi bà sống.

“Tôi nhớ lúc đứng ở góc đường dự kiến xây dựng nhà hàng và nhìn sang hai bên, tôi chẳng thấy gì cả, đúng nghĩa là đồng không mông quạnh ”, bà Young kể lại khoảng thời gian trước khi mở nhà hàng Eat.

Nhưng sau khi Eat mở cửa với khoản tiền tài trợ từ ông Hsieh, đồng thời nhiều doanh nghiệp và cư dân đổ về trung tâm thành phố Las Vegas, khu vực này xôm tụ và náo nhiệt hơn hẳn. Bà Young đã rất ngạc nhiên khi thấy nhiều phụ huynh và trẻ em dạo chơi trước nhà hàng của mình.

 Sự đổi thay của khu trung tâm Las Vegas được so sánh với quá trình biến đổi của Thung lũng Silicon. Ảnh: Eater Vegas.

Sự đổi thay của khu trung tâm Las Vegas được so sánh với quá trình biến đổi của Thung lũng Silicon. Ảnh: Eater Vegas.

Dù phấn khởi với diện mạo mới của khu phố, bà Young thừa nhận vẫn tồn tại những sự đánh đổi nhất định.

Một người bạn của bà đã phải đóng cửa quán café để nhường chỗ cho nhà hàng thuộc chuỗi doanh nghiệp có quy mô trải khắp đất nước. Theo bà Young, đây là mô hình kinh doanh mà ông Hsieh từng cố tránh để tập trung phát triển các cửa hàng độc đáo và ít khoảng cách, có khả năng kết nối cư dân thành phố.

“Dù không vui vẻ gì khi thấy những sự thay thế đó, nhưng phải chấp nhận vì đây là một phần của sự phát triển”, bà Young nói.

Theo tác giả Aimee Groth, người viết sách về ông Hsieh, sau khi “triệu phú bán giày” từ chức, dự án Downtown “ngày càng giống một kế hoạch quy hoạch đô thị truyền thống” khi trọng tâm dồn vào bất động sản và các mảng sinh lợi khác.

Phó giáo sư đô thị học Leah Meisterlin tại Đại học Columbia nhận định rằng dự án của ông Hsieh có nhiều nét tương đồng với lối quy hoạch “thần tốc” của Thung lũng Silicon.

Theo bà Meisterlin, dù được đầu tư mạnh về tài chính, dự án có thể phải giảm tốc kế hoạch vì thông thường các thành phố sẽ hưởng lợi nhiều hơn khi sự thay đổi không diễn ra quá nhanh.

“Dù không có kinh nghiệm quy hoạch đô thị, nhưng ông Hsieh có hơn 300 triệu USD và sẵn sàng mạnh tay đầu tư”, phó giáo sư Meisterlin nói. “Mục tiêu xây dựng một thành phố gắn kết đã khiến tiến trình của dự án buộc phải chậm lại. Sau tất cả, đó vẫn là điều tốt nhất”.

Giờ đây, dù giấc mơ cải tạo trung tâm thành phố Las Vegas bị bỏ lại dở dang sau cái chết đột ngột của ông Hsieh, những ảnh hưởng của “triệu phú bán giày” đã truyền cảm hứng cho những người gắn bó với khu phố kế thừa các di sản của dự án Downtown.

Bãi đậu xe Las Vegas thành nơi trú ẩn cho người vô gia cư gây phẫn nộ Las Vegas bị chỉ trích sau khi biến bãi đỗ xe thành nơi cách ly và giữ khoảng cách xã hội cho người vô gia cư để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giac-mo-chua-thanh-cua-trieu-phu-ban-giay-tony-hsieh-post1158204.html