Giấc mơ con chữ của người Cơ Tu nơi cao ngút Trường Sơn

Nhắc đến thôn A Râng (xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), người ta thường nghĩ đến truyền thống hiếu học đáng kinh ngạc của người Cơ Tu nơi đây. Người A Râng có thể trường kì ăn sắn, ăn bắp chấm muối trắng, nhưng rất hiếm ai từ bỏ con đường tới trường. Câu chuyện những đứa trẻ gùi sắn vượt rừng về xuôi đi học năm nào vẫn chưa bao giờ cũ, bởi nó đã trở thành động lực để các bạn trẻ ngày hôm nay có thêm nghị lực hoàn thành giấc mơ con chữ.

Bài 1: Ăn sắn, ngủ rừng, vượt Trường Sơn để tới trường

Cho đến tận năm 2010 mới có đường xe lên xã A Xan, điều đó có nghĩa là suốt nhiều năm liền, trẻ em ở A Xan và các xã lân cận muốn học lên cấp 2 chỉ có một cách là đi bộ vượt núi xuống trung tâm huyện. Thế nhưng, người A Râng gần như không có ai bỏ cuộc. Có thể thấy rõ điều đó khi nhìn vào tỉ lệ tốt nghiệp cấp 3, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp và rất nhiều người đã và đang công tác ở các cơ quan, đoàn thể.

Trung úy Pơloong Nhé và những phần thưởng anh nhận được trong thời gian công tác. Ảnh: Trúc Hà

Trung úy Pơloong Nhé và những phần thưởng anh nhận được trong thời gian công tác. Ảnh: Trúc Hà

Điểm sáng về tinh thần học tập

Có lẽ, A Râng là thôn đẹp nhất ở A Xan với những ngôi nhà gỗ truyền thống, dọc theo con đường được người dân trồng hoa, cây cảnh. Mỗi buổi chiều, các cụ già ngồi nói chuyện ngoài hiên, trẻ em thì nô đùa vui vẻ. Cảnh thanh bình của bản làng chiều biên giới khiến mọi người dễ trải lòng hơn. Trong những câu chuyện của người A Râng nói với khách đến thăm, luôn có niềm tự hào về sự học của người trong thôn. Ông Zrâm Tê (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng Công an xã A Xan) đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng, khi nói về A Râng, ánh mắt ông ánh lên niềm tự hào. Ông là một trong số ít người ở A Xan được giác ngộ cách mạng từ sớm, được tiếp xúc với cán bộ miền xuôi nên ông hiểu rằng, sự học vô cùng quan trọng. Tri thức sẽ giúp con người mở mang tầm nhìn, tư duy, từ đó, giúp người Cơ Tu ở vùng cao biên giới này có cuộc sống no ấm. Bởi vậy, dù nhà nghèo, đường đến trường cách mấy ngày đường núi, nhưng ông đã động viên các con đi học. Đến nay, 5 người con của ông đều lần lượt tốt nghiệp Đại học Nông lâm, Đại học Luật, Học viện An ninh nhân dân và Học viện Biên phòng.

Nhiều năm liền, hầu hết các học sinh của thôn A Râng sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học đều thi đỗ vào các trường đại học. Thấu hiểu nguyện vọng được học tập, trải nghiệm của các bạn trẻ, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất cho những học sinh này. Có một thực tế là, càng nhiều học sinh đỗ đại học thì việc gọi thanh niên nhập ngũ ở A Râng lại càng gặp... khó. Câu chuyện của Trung úy Pơloong Nhé (nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tr’Hy) là một điển hình. Sinh ra và lớn lên ở A Râng, 8 tuổi, Pơloong Nhé mới được mẹ đưa tới lớp. Hết cấp 1, Pơloong Nhé theo các anh vượt núi mất 2 ngày đi bộ, 1 đêm ngủ rừng để xuống trung tâm huyện Tây Giang học cấp 2. Cũng như nhiều học sinh ở các bản xa về, Pơloong Nhé dựng một chiếc lều ngoài bìa rừng làm chỗ ở. Cứ mỗi lần về nhà, cậu học sinh lại gùi theo ngô và sắn. Thỉnh thoảng, mẹ cho cậu ít tiền để “đổi món” từ sắn chấm muối sang chấm nước mắm.

Vượt qua khó khăn, Pơloong Nhé tốt nghiệp cấp 3 và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật-Kinh tế Quảng Nam. Năm 24 tuổi, Chỉ huy trưởng Quân sự xã A Xan động viên Pơloong Nhé: “Học sinh trong bản tốt nghiệp cấp 3 đều đã đỗ đại học rồi. Em nhập ngũ để các em ấy đi học lên cao nhé”. Khi ấy, Pơloong Nhé dù muốn đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng lại nghĩ bản thân đang là đảng viên thì không thể từ chối. Với trình độ văn hóa và phẩm chất đạo đức tốt, Pơloong Nhé đã được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam lựa chọn học cử tuyển tại Học viện Biên phòng. Tuy nhiên, thấy mình tuổi đã nhiều, Pơloong Nhé trình bày nguyện vọng học Trung cấp Biên phòng 2 để sớm ra công tác, có thể phụ giúp gia đình. Điều đáng nể là, kể từ khi đi học cho tới khi ra công tác, năm nào Pơloong Nhé cũng được nhận bằng khen, giấy khen của các cấp.

Những người con ưu tú

Cho đến nay, thôn A Râng đã “đóng góp” cho BĐBP Quảng Nam 5 cán bộ, trong đó có tới 4 sĩ quan. Đó là: Trung tá Alăng Tâm (Đội trưởng Tham mưu Hành chính, Đồn Biên phòng A Nông), Thiếu tá Coor Nhíp (Phòng Trinh sát), Thiếu tá Pơloong Cưu (Đội trưởng Vũ trang, Đồn Biên phòng Ga Ry) và Thiếu tá Zrâm Bên (hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan). Trò chuyện với Thiếu tá Zrâm Bên, chúng tôi thấy mình là người thành phố mà “thua” người miền núi. Người lính Biên phòng này đã phải đi bộ 3 ngày 2 đêm, ngủ rừng để có thể xuống trung tâm huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang) để học cấp 2 và cấp 3. Giờ đây, khi đã trưởng thành, anh thấy mình may mắn, hạnh phúc khi được trực tiếp đóng góp sức mình để xây dựng quê hương.

Thiếu tá Zrâm Bên cùng cán bộ Đảng ủy xã A Xan kiểm tra chất lượng lúa nước ở thôn A Râng. Ảnh: Trúc Hà

Thiếu tá Zrâm Bên cùng cán bộ Đảng ủy xã A Xan kiểm tra chất lượng lúa nước ở thôn A Râng. Ảnh: Trúc Hà

Thiếu tá Phan Minh Xuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tr’Hy cho biết: “Thiếu tá Zrâm Bên có trình độ, năng lực và sự nhiệt huyết trong công tác. Đồng chí Bên thực sự là "cánh tay nối dài" của đơn vị với chính quyền địa phương khi phát huy tốt được vai trò người cán bộ tăng cường xã. Là người địa phương, lối sống gương mẫu, trách nhiệm, đồng chí Bên như một người có uy tín không chỉ với người dân mà cả đối với chính quyền xã A Xan”.

Trong suốt thời gian ở A Râng, chúng tôi cảm nhận, người nào ở A Râng cũng đều ưu tú. Anh Alăng Tèo tuy mới 33 tuổi, nhưng đã được bầu là người có uy tín của xã A Xan. Điều đó khiến chúng tôi khá ngạc nhiên vì luôn nghĩ rằng “người có uy tín” sao lại có thể trẻ đến thế. Thế nhưng, khi biết về sự nỗ lực, trưởng thành của người đàn ông Cơ Tu này, chúng tôi thấy rằng anh thật xứng đáng. Thực ra, ngay từ khi còn là thanh niên, anh Alăng Tèo luôn thể hiện mình là người có trách nhiệm với công việc chung của thôn.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Alăng Tèo thi đỗ vào Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. Cuộc sống của thành phố có biết bao điều mới mẻ, nhưng anh Tèo vẫn gắn bó mật thiết với quê hương. Năm cuối đại học, anh Tèo “kiêm” Bí thư Chi đoàn thôn A Râng. Năm 2018, anh Tèo được bầu làm Trưởng thôn A Râng. Đầu năm 2024, anh Alăng Tèo được tuyển dụng làm cán bộ kiểm tra Đảng ủy xã A Xan. Để làm việc tốt hơn, anh Alăng Tèo đăng kí theo học Đại học Đà Nẵng, ngành quản lý Nhà nước (hệ vừa học vừa làm). Có nghĩa là, từ thứ 2 tới thứ 6, anh Alăng Tèo đi làm ở xã; thứ 7, chủ nhật lại miệt mài đèn sách. “Học để phục vụ công việc nên dù tới năm 2028 mới xong, nhưng tôi không thấy nản. Người A Râng chúng tôi lúc nào cũng mong được đi học” - Anh Alăng Tèo chia sẻ.

Những năm trở lại đây, thôn A Râng chỉ có học sinh đỗ vào các trường đại học. Năm học 2023-2024, thôn A Râng có 3 trường hợp trúng tuyển vào Đại học Sư phạm và 1 trường hợp thi đỗ vào Học viện An ninh nhân dân. Với truyền thống hiếu học có từ xa xưa, các bạn trẻ ở A Râng luôn nghĩ rằng, học lên cao là mở ra cho mình cơ hội mới và cũng là bước thử thách trước khi bước vào đời.

Bài 2: Nghèo khó không cản được người A Râng đến trường

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giac-mo-con-chu-cua-nguoi-co-tu-noi-cao-ngut-truong-son-post478190.html