Giấc mơ của Enrique khi Tây Ban Nha đối đầu Italy

Tây Ban Nha được dự đoán gặp nhiều khó khăn khi đối đầu với Italy ở bán kết Euro 2020 diễn ra rạng sáng 7/7 (giờ Hà Nội).

Ngày 22/6/2008, đội tuyển Tây Ban Nha của Luis Aragones bước vào vòng tứ kết Euro gặp Italy với gánh nặng lịch sử. Cho đến trước trận đấu ấy, Tây Ban Nha chưa từng thắng Italy một lần nào tại các trận đấu chính thức.

Trong 5 lần gặp nhau trước đó, 3 ở World Cup và 2 ở Euro, Tây Ban Nha hòa 2 và thua 3. Italy trở thành đội bóng gây ám ảnh với La Roja suốt thời gian dài, cho đến khi thầy trò Aragones thay đổi định mệnh bằng loạt sút luân lưu.

Sau khi vượt qua Italy vào hôm đó, số phận của Tây Ban Nha đã khác hoàn toàn so với trước. Từ đội bóng được mệnh danh là “Vua vòng loại”, họ liên tiếp giành 2 chức vô địch Euro 2008 và 2012, xen giữa là danh hiệu vô địch thế giới 2010. Tây Ban Nha trở thành đội bóng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử bảo vệ thành công ngôi vương tại châu Âu.

 Enrique giúp Tây Ban Nha vào bán kết Euro. Ảnh: Reuters.

Enrique giúp Tây Ban Nha vào bán kết Euro. Ảnh: Reuters.

Sự trở lại của Enrique

Khi Mikel Oyarzabal lạnh lùng sút tung lưới Yann Sommer ở loạt đá luân lưu, Luis Enrique sung sướng đến tột cùng. Ông chạy ra sân ôm lấy các cầu thủ trước khi hướng về phía khán đài để vỗ tay cảm ơn cổ động viên. Giây phút đó, Enrique cảm thấy ông như vừa trút bỏ được gánh nặng lớn lao, gánh nặng của quá khứ với Tây Ban Nha.

Trong sự nghiệp cầu thủ đầy vinh quang, Enrique từng tham dự 3 kỳ World Cup 1994, 1998, 2002 và 1 kỳ Euro năm 1996, nhưng ông chưa từng được nếm trải cảm giác của một trận đấu vòng bán kết. Tất cả giải đấu ấy, ông chỉ đặt chân xa nhất là vòng tứ kết trước khi phải cay đắng trở về nước sau những thất bại mong manh.

Nhà báo Ruben Jimenez đã ví sự trở lại Wembley của Enrique giống như người anh hùng Odysseus trở lại Ithaca trong thần thoại Hy Lạp sau những nỗi đau mà ông phải chịu đựng suốt 25 năm qua.

Mùa hè 1996, Enrique nằm trong thành phần tuyển Tây Ban Nha dự Euro trên đất Anh. La Roja đối mặt với đội chủ nhà tại Wembley và sau 120 phút, cả hai đã phải phân định bằng loạt sút luân lưu. Tây Ban Nha sút hỏng 2 quả và bị loại.

Hôm ấy, Enrique không được ra sân một phút nào và phải buồn bã nhìn các đồng đội thất bại một cách đau đớn. Bây giờ, ông sẽ trở lại Wembley một lần nữa và chắc chắn cũng không thể ra sân phút nào như 25 năm trước nhưng, bởi vì ông đang nắm trong tay vị trí khác, thuyền trưởng của con tàu Tây Ban Nha.

Thành công bước đầu của Enrique cho thấy quyết định loại bỏ Sergio Ramos không phải là sai lầm lớn như giới truyền thông chỉ trích. Tây Ban Nha đã vượt qua vòng đấu bảng khá nhọc nhằn song ở 2 trận đấu thuộc vòng knock-out, họ cho thấy không cần có một “mãnh hổ” như Ramos, vẫn có thể đánh bại đối thủ bằng bản lĩnh và ý chí chiến đấu cao độ. Enrique và các học trò đã mạnh mẽ như thế nào trong những giờ phút quyết định.

Khởi đầu giải đấu bằng kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 của đội trưởng Sergio Busquets, các cầu thủ Tây Ban Nha phải đối mặt với lịch tập luyện không giống ai. Họ bị tách thành từng nhóm nhỏ mỗi khi đi ăn. Các cầu thủ phải tự tập trong phòng riêng và những buổi họp chiến thuật diễn ra trên Internet. Đó là còn chưa kể Enrique mang 24 cầu thủ thay vì 26 như các đội khác.

Kế đến là vòng bảng không được như ý muốn để rồi những tiếng huýt sáo vang lên trên khán đài sân La Cartuja và những nghi ngờ tràn ngập khắp các mặt báo. Nhưng Tây Ban Nha vẫn lầm lũi tiến lên. Họ đánh bại đương kim á quân thế giới Croatia trong thế trận mà lẽ ra đã có thể kết thúc sau 90 phút.

Tuy nhiên, nhờ trận đấu ấy kéo dài tới hiệp phụ, Enrique mới hiểu ông đang nắm trong tay đội bóng có tinh thần chiến đấu cao độ. Tây Ban Nha của ông còn xa mới có thể vươn tới đẳng cấp của Tây Ban Nha giai đoạn 2008-2012 song về khía cạnh tinh thần, họ thực sự không hề thua kém những bậc đàn anh.

Ngay cả khi Tây Ban Nha đang bị giới truyền thông đánh giá thấp trước trận bán kết, Enrique và các học trò của ông vẫn tin tưởng mạnh mẽ rằng mình sẽ giành phần thắng dù 2 trận chiến đã qua đã bào mòn khá nhiều thể lực của La Roja.

 Italy mạnh mẽ. Ảnh: Reuters.

Italy mạnh mẽ. Ảnh: Reuters.

Italy đang rất mạnh

Chắc chắn, trước vòng bán kết, Enrique có cơn “đau đầu” không hề nhẹ. Đối thủ của ông, HLV Roberto Mancini, đang sở hữu đội hình đồng đều và mạnh mẽ. Trong khung gỗ, Gianluigi Donnarumma đang chơi tỉnh táo và gần như chưa có sai lầm lớn nào kể từ đầu giải. Phía trước anh, bộ đôi trung vệ dày dạn Chiellini và Bonucci vẫn đảm bảo được sự an toàn.

Nếu ai đó nói cặp trung vệ này đã quá già và chậm chạp, thực sự sai lầm. Ở trận tứ kết với Bỉ, họ cho thấy khả năng phòng thủ tuyệt vời như thế nào khi bít gần như kín mọi con đường vào khung thành của Donnarumma.

Sức mạnh lớn nhất của Azzurri đến từ hàng tiền vệ, nơi mà bộ ba Verratti - Barella - Jorginho đang chơi gắn kết. Trong 3 cầu thủ này, Jorginho có xu hướng hơi lùi xuống phía sau để đảm bảo an toàn cho hàng thủ. Marco Verratti, ông chủ của tuyến giữa, làm nhiệm vụ giống như bộ não của đội bóng. Anh điều khiển lối chơi và chiến thuật của toàn đội trong khi không ngừng tạo ra các cơ hội cho hàng tiền đạo.

Cần có 3 trận đấu, tiền vệ của PSG đã tạo ra 12 cơ hội ghi bàn cho đồng đội, trong khi người hiện đứng đầu giải về chỉ số này với 13 cơ hội, Kevin De Bruyne, cần 5 trận để đạt được. Song khó có phát hiện nào gây bất ngờ như Nicola Barella. Chàng trai này mới 2 năm trước vẫn còn chơi cho đội bóng tỉnh lẻ Cagliari thì giờ đây, đã là trụ cột của Italy.

Không chỉ có thế, bàn thắng mở tỷ số vào lưới đội tuyển Bỉ ở tứ kết cho thấy anh có đầy đủ những tố chất để trở thành một ngôi sao: Kỹ thuật, khả năng chớp thời cơ và cả sự tinh quái đậm chất Italy.

Những thống kê cho thấy Italy là đội bóng có khả năng pressing với cường độ cao thuộc loại tốt nhất Euro lần này. Họ thường tấn công rát trong khoảng 70-75 phút của trận đấu và sau đó, tùy thuộc vào tình hình để quyết định chiến thuật trong thời gian còn lại.

Hàng tấn công của Italy với bộ ba Berardi - Immobile - Insigne đều sở hữu nền tảng thể lực dồi dào và có khả năng dứt điểm rất tốt. HLV Mancini không tập trung vai trò ghi bàn vào bất kỳ ai và vì thế, rất khó để đoán định xem cầu thủ nào mới là mũi nhọn chủ lực của đội bóng.

Tuy nhiên, điểm đáng sợ nhất của Italy đến từ đội ngũ dự bị. Matteo Pessina hay Federico Chiesa đều ghi những bàn thắng có tính chất quyết định khi được tung vào sân thay người. Đó là chưa kể trong tay Mancini còn có cả Belotti hay Locatelli, những người cũng có khả năng đảo ngược cục diện trận đấu bằng những khoảnh khắc xuất thần.

 Tây Ban Nha vẫn có cơ hội. Ảnh: Reuters.

Tây Ban Nha vẫn có cơ hội. Ảnh: Reuters.

Cơ hội nào cho Tây Ban Nha?

Trên lý thuyết, Tây Ban Nha kém đôi chút so với đối thủ của mình, đặc biệt là hàng thủ, nơi họ thủng lưới khá nhiều kể từ đầu giải. Nhưng Enrique hiểu Italy cũng có những điểm yếu mà ông có thể khai thác.

Trước hết, chấn thương của Leonardo Spinazzola đã lấy đi của HLV Mancini một phương án tấn công lợi hại. Cầu thủ cánh trái của Roma thường xuyên dâng cao, sử dụng tốc độ và khả năng đột phá của anh để khuấy đảo hàng phòng ngự đối phương.

Tất nhiên, Mancini có thể sử dụng Emerson như sự thay thế, nhưng ai cũng biết cầu thủ của Chelsea không quá mạnh về khả năng phòng ngự và chắc chắn, khi cần thay đổi trạng thái giữa công và thủ, anh không thể so sánh với Spinazzola. Đó sẽ là nhược điểm để Enrique và đội tuyển của ông khai thác. Nếu Ferran Torres chưa đủ để khoan vào cánh trái của Italy, Marcos Llorente có thể được trao cơ hội thể hiện mình.

Xu hướng của hàng thủ Italy ở những trận vừa qua là Bonucci dâng cao chơi như một cầu thủ số 6. Khi ấy, anh cùng với Chiellini, Di Lorenzo và Donnarumma tạo thành một hình kim cương. Để tạo ra cơ hội ghi bàn trước hàng phòng ngự chắc chắn này, Enrique sẽ phải đẩy Morata chơi áp sát hơn trong khi Koke và Pedri sẽ dồn ép từ phía sau và tạo ra những đường chuyền để kéo dãn các hậu vệ Italy.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt chính là khả năng cơ động mà các học trò của Enrique. Tây Ban Nha đang trình diễn 2 bộ mặt trái ngược ở Euro lần này. Họ có thể chơi bế tắc như trước Thụy Điển hay Ba Lan, nhưng cũng có thể bùng nổ như khi đối đầu Croatia hay Thụy Sĩ. Trong tay Enrique có 2 hậu vệ cánh tấn công xuất sắc, Jordi Alba và Azpilicueta, đó sẽ là những vũ khí hiệu quả để đánh thẳng vào điểm yếu nhất của bộ đôi trung vệ Italy: Tốc độ.

Song tất cả mọi tính toán có thể sẽ không được như ý trong ngày Morata không có sự sắc bén của riêng anh. Bàn thắng tuyệt đẹp mà tiền đạo 29 tuổi này thể hiện ở hiệp phụ vòng tứ kết vẫn chưa thể làm dịu đi những nghi ngờ mà các cổ động viên dành cho anh. Morata sẽ cần tiếp tục chứng tỏ anh xứng đáng là tiền đạo chủ lực của La Roja vào thời điểm đội bóng và cả HLV Enrique cần anh nhất.

Sẽ là một trận đấu khó dự đoán bởi rất có thể, kết quả phụ thuộc vào cách tiếp cận mà 2 HLV mang đến. Nếu tính từ đầu giải, Italy đem lại niềm tin lớn hơn cho các cổ động viên. Nhưng Enrique không nghĩ như thế.

Sau trận tứ kết với Thụy Sĩ, ông đã đăng dòng trạng thái trên trang cá nhân của mình: “Hãy nhắm mắt và mơ mộng”. Vị HLV của Tây Ban Nha đang bình thản đối mặt với thử thách tiếp theo, để tiếp tục giấc mơ dang dở từ 25 năm trước.

Video Bỉ - Italy: Insigne đột phá ghi bàn từ giữa sân Lorenzo Insigne tỏa sáng với tình huống đột phá và cứa lòng nâng tỷ số lên 2-0 cho tuyển Italy trong chiến thắng 2-1 trước Bỉ ở tứ kết Euro 2020 rạng sáng 3/7 (giờ Hà Nội).

Vũ Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giac-mo-cua-enrique-khi-tay-ban-nha-doi-dau-italy-post1235235.html