'Giấc mơ' của Israel thành hiện thực: Đến lúc Nga và Iran 'đường ai nấy đi' ở Syria?
Khi tình hình Syria ngày càng trở nên rối ren, quan hệ Nga-Iran bắt đầu đặt ra dấu hỏi. Khả năng hai đồng minh chủ chốt của Damascus 'chia tay' đang ngày càng trở thành viễn cảnh hiện thực.
Tình hình Syria hiện tại
Mặc dù còn nhiều bất ổn liên quan đến tương lai của Syria, các bên tham gia tại đây đang có các nỗ lực để củng cố và nâng cao vị thế của mình hoặc ít nhất để bảo vệ những kỳ vọng họ đang đặt cược tại quốc gia Trung Đông, theo Lobe Log.
Các mối quan hệ đối tác thân thiết như Iran và Nga giờ đây đang trở nên lung lay khi mỗi quốc gia muốn theo đuổi lợi ích riêng của mình. Israel và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục can thiệp quân sự vào Syria, nhưng dường như cả hai chấp nhận quan điểm rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ tiếp tục nắm quyền.
Trong khi đó, người Kurd Syria đang cố gắng bảo tồn sự tự trị ở phía đông bắc trong bối cảnh lo ngại rằng vị thế của họ sẽ ngày càng dễ bị tổn thương khi Mỹ rút quân.
Chính sách của Mỹ vào thời điểm này là khó xác định. Một mặt, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một số tuyên bố cứng rắn chống lại cuộc tấn công Syria-Nga ở tỉnh Idlib, thành trì nổi dậy cuối cùng của phe đối lập.
Mặt khác, ông Trump một lần nữa nhấn mạnh mong muốn rời khỏi Syria ngay sau khi tuyên bố đã chiến thắng khủng bố IS.
Nếu không có vai trò ngoại giao tích cực hơn, sẽ khó để thấy Washington trở thành một quốc gia đóng vai trò lớn trong tương lai của Syria như thế nào.
Câu hỏi về Nga và Iran
Mặc dù Nga và Iran là hai quốc gia hỗ trợ cho chính quyền hợp pháp của Tổng thống Assad trong nhiều năm qua, nhưng liên minh cả hai đã xuất hiện những vết nứt. Đã có báo cáo về các cuộc đụng độ giữa các dân quân thân Iran và các nhóm vũ trang được Nga hỗ trợ ở Syria.
Cũng trong thời gian qua, giới quan sát cũng đặt ra những câu hỏi về sự bằng mặt mà không bằng lòng của Moscow và Tehran, khi Nga đã không can thiệp vào các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu quân sự của Iran ở Syria, diễn ra với tần suất ngày càng nhiều hơn.
Về cơ bản, mục tiêu chiến lược của Nga và Iran là không hề giống nhau.
Nga coi Syria là cửa ngõ vào thế giới Trung Đông rộng lớn hơn. Moscow muốn trở thành một thế lực chính trong khu vực một lần nữa và tin rằng cam kết của mình đối với chính phủ Syria sẽ là con đường dẫn đến mục tiêu này.
Ngoài ra, Nga muốn duy trì căn cứ hải quân Địa Trung Hải lâu đời của mình ở Tartous cũng như căn cứ không quân Humaymim ở tỉnh Latakia của Syria, và không muốn một cường quốc khác như Iran trở thành đối thủ của mình.
Hơn nữa, bằng cách khẳng định lại vị thế ở Trung Đông, Nga muốn duy trì mối quan hệ thân thiện với một số quốc gia khác.
Tổng thống Putin đã tổ chức nhiều cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong nhiều năm qua và tiếp đón các quan chức cấp cao của Saudi tại Moscow. Khi các đồng minh Ả Rập của Mỹ, như Ai Cập, coi Washington là không đáng tin cậy, Nga sẽ là quốc gia thay thế.
Trong khi đó, Iran coi liên minh với Syria là một cách để phá vỡ quyền bá chủ của người Saudi trong khu vực, cũng như thể hiện sức mạnh của cộng đồng Shia có thể chống lại những gì được coi là sự can thiệp của người Sunni.
Hơn nữa, Syria từ lâu đã là tuyến đường trung chuyển vũ khí của Iran cho Hezbollah ở Lebanon. Iran đã giúp đỡ chính quyền Syria bằng cách đưa các sĩ quan thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo chiến đấu trong cuộc nội chiến và bằng cách tạo điều kiện cho việc đưa các chiến binh Shia từ Afghanistan và Pakistan đến Syria.
Tuy nhiên, căng thẳng Nga-Iran vẫn chưa đạt đến mức có thể xâm phạm vào giới hạn thực sự giữa hai bên.
Tổng thống Putin vẫn muốn duy trì mối quan hệ thân thiện với Tehran để tận dụng căng thẳng giữa Mỹ và Iran, và ông không có ý định ép buộc Iran rời khỏi Syria như những gì Israel và Mỹ mong muốn.
Sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố tại cuộc họp ba bên ở Israel rằng các lực lượng Iran đang là một vấn đề ở Syria - đối tác người Nga của ông là Nikolai Patrushev đã đáp trả lại: “Bất kỳ nỗ lực nào để khiến Tehran giống như mối đe dọa chính đối với an ninh toàn cầu và coi Iran giống như IS hoặc bất kỳ nhóm khủng bố nào khác đều không được chấp nhận”.
Về phía Israel, Thủ tướng Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ không chấp nhận sự hiện diện quân sự lâu dài của Iran ở Syria và bày tỏ lo ngại về các chiến binh thân Iran hoạt động gần Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Tuy nhiên, hy vọng về mối quan hệ với Tổng thống Putin sẽ khiến Nga buộc Iran rời khỏi Syria dường như là điều quá xa vời với ông Netanyahu.