'Giấc mơ Greenland' của Tổng thống đắc cử Trump: Bốn kịch bản thay đổi cục diện

Từ những lời đe dọa kinh tế, chính trị của ông Trump, đến khát vọng độc lập của người dân địa phương, tương lai của Greenland được dự báo với nhiều kịch bản đầy kịch tính.

Quang cảnh vịnh Disko ở Ilulissat, thủ phủ thành phố Avannaata thuộc Greenland (Đan Mạch) ngày 15/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Quang cảnh vịnh Disko ở Ilulissat, thủ phủ thành phố Avannaata thuộc Greenland (Đan Mạch) ngày 15/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Trước việc ông Trump bày tỏ ý định nghiêm túc mua đảo Greenland, nhà lãnh đạo hòn đảo tự trị này, ông Mute Egede đã tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống đắc cử Mỹ để đàm phán về tương lai của vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch. Ông Egede khẳng định rằng Greenland không quan tâm đến việc trở thành lãnh thổ của Mỹ, nhưng sẵn sàng thảo luận về những gì có thể giúp đoàn kết hòn đảo và nước Mỹ.

"Chúng tôi sẵn sàng đàm phán. Hợp tác tức là đối thoại. Hợp tác có nghĩa là bạn sẽ làm việc hướng tới các giải pháp", ông Egede phát biểu trong một cuộc họp báo tại Đan Mạch với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen.

"Chúng tôi mong muốn độc lập, mong muốn làm chủ ngôi nhà của chính mình... Đây là điều mà mọi người nên tôn trọng. Greenland là của người dân Greenland. Chúng tôi không muốn là người Đan Mạch, chúng tôi không muốn là người Mỹ. Chúng tôi muốn là người Greenland", ông Egede nhấn mạnh.

Ông Trump muốn gì?

Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông muốn biến Greenland thành một phần của nước Mỹ. Trong một cuộc họp báo ở Florida hôm 7/1, sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông được Quốc hội xác nhận, ông Trump đã tiến thêm một bước nữa, từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực kinh tế hoặc quân sự để kiểm soát hòn đảo này.

"Greenland là một nơi tuyệt vời và người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu và khi nơi này trở thành một phần của đất nước chúng ta", ông Trump viết trên mạng Truth Social.

Ông Trump đã lần đầu tiên bày tỏ ý định mua Greenland - một hòn đảo băng giá chỉ có 57.000 người - vào năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Tuy nhiên, ông đã bị từ chối.

Kể từ đó, các quan chức Đan Mạch và châu Âu đã nhiều lần tuyên bố Greenland không phải để bán và sự toàn vẹn lãnh thổ của hòn đảo này phải được bảo vệ.

Ngày 7/1/2025, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (ảnh) cho biết sẽ áp thuế đối với Đan Mạch nếu nước này từ chối đề nghị mua Greenland. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ngày 7/1/2025, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (ảnh) cho biết sẽ áp thuế đối với Đan Mạch nếu nước này từ chối đề nghị mua Greenland. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tại sao ông Trump muốn mua Greenland?

Greenland, hòn đảo có thủ phủ Nuuk gần với New York hơn thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, tự hào về nguồn tài nguyên giàu có khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, nhưng quá trình phát triển kinh tế tại đây diễn ra chậm. Một cuộc khảo sát năm 2023 cho thấy 25 trong số 34 loại khoáng sản được Ủy ban châu Âu coi là "nguyên liệu thô quan trọng" đã được tìm thấy ở Greenland. Chúng bao gồm một lượng lớn vật liệu được sử dụng trong pin, chẳng hạn như than chì và lithium, cũng như các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong xe điện và tua bin gió.

Hòn đảo cũng là một phần của NATO thông qua tư cách thành viên của Đan Mạch và có ý nghĩa chiến lược đối với quân đội Mỹ và hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của nước này vì tuyến đường ngắn nhất từ châu Âu đến Bắc Mỹ chạy qua đảo Bắc Cực. Quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện thường trực tại căn cứ không quân Pituffik ở phía Tây Bắc Greenland.

Washington đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng sự hiện diện quân sự của mình, bao gồm cả việc đặt radar ở đó để giám sát vùng biển giữa Greenland, Iceland và Anh – vốn là cửa ngõ cho các tàu hải quân và tàu ngầm hạt nhân của Nga.

Bốn kịch bản cho tương lai của Greenland

1. Ông Trump "mất hứng thú" với Greenland

Một số chuyên gia suy đoán rằng những lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Mỹ chỉ là "đòn gió", nhằm thúc đẩy Đan Mạch tăng cường an ninh ở Greenland trong bối cảnh cả Nga và Trung Quốc đều cảnh báo sẽ tìm cách gây ảnh hưởng trong khu vực. Vào tháng 12/2024, Đan Mạch đã công bố một gói quân sự mới trị giá 1,5 tỷ USD cho Bắc Cực.

Bà Elisabet Svane, phóng viên chính trị trưởng của tờ Politiken lưu ý rằng điều quan trọng trong những gì ông Trump nói là Đan Mạch phải hoàn thành nghĩa vụ của mình ở Bắc Cực, nếu không thì phải để Mỹ làm điều đó.

Tuy nhiên, Marc Jacobsen, phó Giáo sư tại trường Đại học Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, nói với đài truyền hình Anh rằng ông Trump đang sử dụng các mối đe dọa để định vị "bản thân trước khi nhậm chức" trong khi Greenland đang sử dụng cơ hội này để giành thêm quyền lực quốc tế, như một bước quan trọng hướng tới độc lập.

Theo báo cáo của đài BBC, ngay cả khi ông Trump mất hứng thú với Greenland, ông chắc chắn đã tạo sự chú ý vào vấn đề này.

2. Greenland giành được độc lập từ Đan Mạch, tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ

Độc lập cho Greenland đã nằm trong chương trình nghị sự trong nhiều năm, với sự đồng thuận chung trong các cư dân đảo rằng Đan Mạch sẽ chấp nhận bất cứ khi nào họ bỏ phiếu về vấn đề này. Tuy nhiên, kịch bản người Greenland muốn tổ chức cuộc bỏ phiếu là không thể xảy ra trừ khi người dân của họ được đảm bảo rằng họ vẫn được duy trì các khoản trợ cấp mà họ hiện đang nhận được từ Đan Mạch để chi trả cho các chương trình phúc lợi như chăm sóc sức khỏe.

Máy bay chở ông Donald Trump Jr., con trai Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, tới thăm Nuuk, thủ phủ Greenland thuộc Đan Mạch, ngày 7/1/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Máy bay chở ông Donald Trump Jr., con trai Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, tới thăm Nuuk, thủ phủ Greenland thuộc Đan Mạch, ngày 7/1/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

BBC trích lời Ulrik Gad, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết nhà lãnh đạo Greenland có thể đang phản đối dữ dội, nhưng trong trường hợp ông thực sự kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý, ông sẽ cần một số câu chuyện thuyết phục về cách cứu nền kinh tế và hệ thống phúc lợi của Greenland.

Trong kịch bản như vậy, một bước đi khả thi là Geenland liên kết tự do với Mỹ, giống như Mỹ hiện đang liên kết với các quốc gia Thái Bình Dương - Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau.

Mặc dù Đan Mạch trước đây đã phản đối tình trạng này đối với Greenland, nhưng Thủ tướng Đan Mạch hiện tại Mette Frederiksen được cho là không hoàn toàn phản đối.

Nhưng ngay cả khi Greenland giành được độc lập từ Đan Mạch, họ sẽ không thể thoát khỏi người Mỹ, những người chưa bao giờ thực sự rời đi sau khi nắm quyền kiểm soát hòn đảo này trong Thế chiến II, và coi đó là điều quan trọng đối với an ninh của họ.

Theo Tiến sĩ Ulrik Gad, các quan chức Greenland đã liên lạc với hai chính quyền Mỹ gần đây nhất về vai trò của Washington vì "bây giờ họ biết rằng người Mỹ sẽ không bao giờ rời đi".

3. Ông Trump thực hiện các mối đe dọa kinh tế

Cũng có một kịch bản mà ông Trump thực hiện các biện pháp kinh tế bằng cách tăng mạnh thuế quan đối với hàng hóa của Đan Mạch hoặc thậm chí là EU, để có thể buộc Đan Mạch phải có một số nhượng bộ về Greenland.

Nhưng Giáo sư Jacobsen lưu ý rằng Đan Mạch đã chuẩn bị cho tình huống như vậy, và không chỉ vì vùng lãnh thổ Bắc Cực này. Giữa lúc ông Trump đe dọa áp thuế toàn cầu 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, một số công ty Đan Mạch và các công ty châu Âu khác được cho là đang cân nhắc việc thành lập các cơ sở sản xuất tại Mỹ.

Một trong những ngành công nghiệp chính của Đan Mạch có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan là dược phẩm. Mỹ nhập khẩu các sản phẩm như máy trợ thính, insulin và thuốc điều trị tiểu đường Ozempic từ Đan Mạch. Các nhà phân tích tin rằng việc giá cả các mặt hàng này tăng mạnh và các biện pháp thuế quan sẽ không được công chúng Mỹ ủng hộ.

4. Chính quyền ông Trump thực sự chiếm Greenland bằng vũ lực

Mặc dù việc Mỹ sử dụng con đường quân sự có vẻ xa vời, nhưng khả năng điều đó xảy ra là không thể phủ nhận. Nếu Washington quyết định đi theo con đường đó, sẽ không khó để họ kiểm soát Greenland, vì họ đã có căn cứ và rất nhiều quân đội trên đảo.

Tuy nhiên, bất kỳ hành động sử dụng vũ lực quân sự nào của Washington cũng sẽ tạo ra một sự cố quốc tế.

"Nếu họ xâm lược Greenland, tức là họ xâm lược NATO", chuyên gia Svane nói, "Vì vậy, đó là nơi mọi chuyện dừng lại. Điều 5 sẽ phải được kích hoạt. Và nếu một quốc gia NATO xâm lược NATO thì sẽ không còn NATO nữa".

Tiến sĩ Gad lưu ý rằng: "Ông Trump nói rằng chúng ta có quyền hợp pháp để chiếm mảnh đất này... Nếu chúng ta thực sự coi trọng lời nói của ông thì đây là điềm xấu cho toàn bộ liên minh phương Tây".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NDTV)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/giac-mo-greenland-cua-tong-thong-dac-cu-trump-bon-kich-ban-thay-doi-cuc-dien-20250115214838426.htm