Giấc mơ lên bờ của làng chài miền Tây xa xứ
Đã hơn chục năm rồi, hàng chục hộ dân từ miền Tây lên Tây Nguyên sinh sống trên lòng hồ thủy điện buôn Tua Sarh vẫn không thôi da diết nỗi nhớ quê và mong một ngày được lên bờ.
Cầu Đắk Hil ngày thường không có quá nhiều người. Ven đường, chị Liên đon đả mời khách mua cá lóc khô. Chị kể, vợ chồng chị quê ở An Giang nhưng đã dắt díu nhau lên đây sống được gần chục năm trời với hai mặt con. Mỗi ngày chị dậy sớm mở hàng cá ven đường, chồng chị bán nước.
Mong Nhà nước hỗ trợ chút vốn
Chiếc xe du lịch chở khách đổ kịch xuống trước nhà chị Liên. Chị khẽ cười một nụ cười hiền. Và rồi lại tiếp tục tay cân, tay bán. Gian hàng cá của chị có đủ loại, nào là cá lóc, cá lăng, cá rô… được xẻ thịt và phơi khô. “Ráng buôn bán kiếm tiền cho tụi nhỏ đi học” - chị nói với chúng tôi.
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi tiếng gọi của người đàn ông đưa đò dưới mép sông. Trên chiếc ghe máy nhỏ, người đàn ông đưa chúng tôi dạo một vòng quanh những ngôi nhà bè trên dòng thủy điện dưới chân cầu Đắk Hil. Chiếc ghe máy chông chênh giữa dòng hòa với câu chuyện của ông Vũ kể từ lúc ông ở miền Tây lên đây mưu sinh.
“Tui là Lâm Hoàng Vũ, quê tỉnh Đồng Tháp, lên đây được mười năm rồi. Hồi trước dưới quê cũng sống bằng nghề sông nước. Nhưng cuộc sống bấp bênh nên tôi nghe bạn bè cùng lên đây để sống. Nhà có bè cá lóc, sáng vợ mang cá lên bờ bán, còn tôi đi quăng chài, thả lưới. Vợ chồng tui có hai đứa con. Gái lớn làm công ty ở Sài Gòn, còn đứa ở đây chở mẹ đi bán cá. Hai đứa học lớp 9 rồi nghỉ. Lên đây cuộc sống có vẻ khá hơn, ở đây nước hồ quanh năm, thu nhập cũng ổn định hơn, tháng vài ba triệu sống qua ngày” - ông Vũ nói.
Cũng theo người đàn ông này, trước hơn 40 hộ dân dắt díu nhau lên sinh sống ở lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sarh (vùng tiếp giáp 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) đã hơn chục năm trời. Giờ một số hộ đã chuyển đi rồi, còn tầm hơn 30 hộ thôi. Chủ yếu các hộ dân sống ở đây đều là người miền Tây lên. Rồi lập nhà bè, bám víu nhau qua ngày. Không có đất đai, không có vốn, họ cứ lấy ngắn nuôi dài, dần dà cho con có cái chữ.
Chiếc ghe máy cập bến trước nhà ông Vũ, đứa bé gái chừng 12 tuổi chạy ra chào chúng tôi. Trong ngôi nhà chừng hai chục mét vuông, không có gì là giá trị ngoài một bè cá ở bên hông trái. Phía bên trên chính diện là bàn thờ tổ tiên được bày trí đơn giản với một bình hoa. Chiếc tivi cũ không được sử dụng vì không có điện.
“Chục năm rồi, rết cũng vậy, chúng tôi vẫn ăn tết dưới bè, chòm xóm qua lại chung vui với nhau. Mỗi nhà mua vài ký thịt, ít hoa quả cúng ông bà thôi. Giờ chỉ mong chính quyền tạo điều kiện để các hộ ở đây được vốn mà nuôi cá, còn tốt hơn nữa là cho miếng đất để được lên bờ sống cho con cái đi học” - ông Vũ vừa nói vừa pha cà phê gói mời khách.
Anh Quốc cạnh nhà ghé sang chơi. Quốc cũng dân miền Tây, người gốc An Giang lên đây sống cũng gần chục năm trời. Hỏi anh có hay về thăm quê không? Anh bảo: "Muốn về quê lắm, nhưng tiền đâu mà về. Con cũng sắp đi học nhưng không biết phải thế nào. Mong một ngày, gia đình tui được chính quyền tạo điều kiện cho vay vốn, cho đất đai để được lên bờ sinh sống".
Trước đây, anh Quốc theo người chị bỏ cuộc sống cơ cực ở quê để lên đây mưu sinh với hy vọng một cuộc sống sẽ khác hơn. Rồi 10 năm trôi qua, tuy có đôi phần khá hơn nhưng anh vẫn chưa thoát cái nghèo. Đứa con gái sáu tuổi của anh sắp được đến trường nhưng nỗi lo về học phí lại đè lên vai vợ chồng anh. Vừa rồi, hai vợ chồng định đưa con về quê học, nhưng bé bị đau ốm nên phải ở lại cùng vợ chồng anh trên sông nước.
“Nuôi cá thì không mấy đồng cả, đi bắt cá nhỏ cho cá lồng ăn rồi đem bán chứ cũng không mua thức ăn cho cá. Cuộc sống vợ chồng chủ yếu ở đó. Mong Nhà nước cho tụi tui vay vốn để phát triển kinh tế, nhưng ngặt vì tui chỉ có giấy tạm trú tạm vắng nên cũng không được cho vay” - anh Quốc than thở.
Nỗi nhớ quê nhà và giấc mơ được lên bờ
Rời nhà anh Quốc, trên chiếc ghe máy ông Vũ đưa chúng tôi đến một gia đình có đến ba thế hệ cùng sinh sống trên sông. Khách đến nhà, ông Võ Văn Bích cùng vợ và con cháu đang quây quần trên ghe. Đã 12 năm trôi qua từ thời họ rời quê lên đây sinh sống.
Niềm vui lớn nhất với người đàn ông quê Đồng Tháp này có lẽ là được quây quần với nhiều con cháu khi tết về. Ông Bích kể cho những đứa cháu nghe về những chuyện ngày tết, về những người thân ở quê. “Nhất là mấy đứa nhỏ, chỉ thiệt thòi trên những nhà bè chật hẹp. Rồi chúng sẽ ra sao, tui chỉ mong sao cháu tui thoát được cảnh sống lênh đênh như cha mẹ chúng. Tết rồi, mà cha mẹ chúng vẫn phải đi làm. Tội chúng nó lắm” - ông Bích tâm sự.
Ry, là tên của bé gái lớn. Ry kéo tay tôi ra một căn nhà ở cạnh đó không xa và khoe với tôi về những bộ quần áo mới vừa được mẹ mua. “Chú chụp đồ đẹp cho con đi, chụp cho Ry với em Ry nữa nghe. Để Ry lấy đồ của em Ry cho chú chụp ảnh nữa nghe” - bé gái hồ hởi khoe với chúng tôi về những bộ đồ mới. Nhà của Ry cũng nhỏ gọn trong khoảng hơn chục mét vuông với chiếc võng cũ, chiếc bình ắc quy để thắp điện và một mẻ cá khô.
Ẵm đứa cháu trai nhỏ nhất nhà trong lòng, bà Thúy (vợ ông Bích) nói đã mười mấy năm xa quê, bà nhớ quê nhà lắm, nhớ người thân nữa nhưng biết làm sao được. “Chỉ cần tụi nhỏ vui là được, chứ người lớn như mình thì cũng quen rồi, quen với cảnh sống này mười mấy năm rồi. Đợi một ngày nào đó, Nhà nước tạo điều kiện biết đâu kinh tế khấm khá hơn. Rồi mình lên bờ, con cháu đi học, rồi tương lai chúng sẽ tươi sáng hơn" - bà Thúy trải lòng.
Chúng tôi rời làng chài khi nắng lên. Những đứa trẻ dõi theo chúng tôi cho đến tận bia kia bờ.
Trao đổi với PLO, một lãnh đạo UBND xã Krông Nô (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết trước đây các hộ dân đến ở trên lòng hồ thủy điện nhiều, nhưng đến nay còn khoảng 30 hộ. Cơ quan chức năng cũng phối hợp để huấn luyện kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Trong các dịp tết, chính quyền đều cử người đến thăm hỏi, chúc tết các hộ dân trong buôn.
“Về việc người dân muốn lên bờ sinh sống thì rất khó. Bởi họ ở xa tới sinh sống và chỉ có đăng ký tạm trú tạm vắng nên việc chính quyền giải quyết cho vay vốn cũng rất khó. Trong khi đó việc cấp đất cho những hộ dân này cũng không dễ dàng” - vị này nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giac-mo-len-bo-cua-lang-chai-mien-tay-xa-xu-886320.html