Giấc mơ 'xuất khẩu' cầu thủ của bóng đá Việt Nam
Trần Danh Trung (ảnh lớn, trái) và Cao Văn Triền (ảnh nhỏ), hai “sứ giả” sẽ sang Nhật Bản vào tháng 7/2021.
Sau Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội, đến lượt Sài Gòn FC xung phong mở rộng con đường xuất ngoại cầu thủ sang Nhật Bản.
Chủ tịch Sài Gòn FC Trần Hòa Bình hướng đến sau Cao Văn Triền và Trần Danh Trung, có thể sẽ có thêm 2 cầu thủ nữa được “xuất khẩu” sang Nhật Bản năm 2021 và thêm 6 người vào năm tiếp theo. Dự kiến từ giờ đến tháng 7, Cao Văn Triền và Trần Danh Trung sẽ được tạo điều kiện học ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, cải thiện dinh dưỡng... Đặc biệt, sẽ có một phiên dịch chuyên trách cho các cầu thủ Việt Nam tại FC Ryukyu để nhanh chóng giúp họ hòa nhập. Đây là điểm hoàn toàn mới và khác biệt so với những người tiên phong mở đường trước đó.
Theo bình luận viên Quang Huy, nền tảng Việt Nam vẫn kém hơn các nước, không thể so Son Heung-min được cả gia đình sang châu Âu để hậu thuẫn cho con. Mô hình tốt nhất vẫn là trao cơ hội cho những cầu thủ đạt độ chín, chơi ở vị trí CLB nước bạn đang thật sự cần. Chúng ta sẽ ít phiêu lưu và mọi chọn lọc đưa ra phải thật lý tính. Nói cách khác, Việt Nam được mở kênh để lên “sàn giao dịch cầu thủ”.
Còn theo ông Đỗ Mạnh Dũng, Giám đốc Trung tâm Thể thao Viettel, việc đưa cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu là xu hướng đúng đắn của bóng đá Việt Nam. Viettel sẽ tạo điều kiện hết sức để các cầu thủ của mình có cơ hội xuất ngoại. Khi được tập luyện, thi đấu trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, nhất là ở những CLB thuộc nền bóng đá tiên tiến của thế giới và châu lục, cầu thủ sẽ trưởng thành và tiến bộ vượt bậc về trình độ. Sau thời gian được xuất ngoại, cầu thủ đó quay về và với những kiến thức đã được truyền thụ cũng như với kinh nghiệm thực tiễn có được ở CLB nước ngoài, họ sẽ tiếp tục cống hiến cho bóng đá Việt Nam.
N.CHƯƠNG (tổng hợp)