Giải ảnh báo chí Thế giới đình chỉ tư cách tác giả của Nick Út đối với bức ảnh 'Em bé Napalm'

Hôm 16/5, giải ảnh báo chính Thế giới (World Press Photo) đã ra quyết định đình chỉ quyền tác giả của nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt làm việc cho hãng tin AP - Huỳnh Công Út (Nick Út) đối với bức ảnh nổi tiếng thế giới 'The Terror of War' (còn được gọi là Em bé Napalm) để điều tra nghi vấn về tác giả thực sự của bức ảnh này.

Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, là một người Mỹ gốc Việt. Ông nổi tiếng với bức ảnh Em bé Napalm chụp cảnh cô bé Phan Thị Kim Phúc bị phỏng bom napalm (một loại bom nhồi xăng đông đặc, dễ cháy, do đế quốc Mỹ đưa vào Việt Nam trong chiến tranh) vào ngày 8-6-1972 ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Bức ảnh đã gây chấn động dư luận toàn cầu khi lột tả sự khốc liệt của Chiến tranh Việt Nam.

Hình ảnh cô bé Kim Phúc chạy trên đường, đau đớn vì lưng bị phỏng bom đã đem về cho Nick Út giải Pulitzer Ảnh báo chí Thế giới năm 1972 và giải ảnh báo chí thế giới của tổ chức World Press Photo vào năm 1973.

Thông báo của World Press Photo đình chỉ tư cách tác giả của nhiếp ảnh gia Nick Út đối với bức ảnh Em bé Napalm - Ảnh: WPP

Thông báo của World Press Photo đình chỉ tư cách tác giả của nhiếp ảnh gia Nick Út đối với bức ảnh Em bé Napalm - Ảnh: WPP

Tuy nhiên tranh cãi về tác giả thực sự của bức ảnh này đã nổi lên gần đây khi The Stringer, một bộ phim tài liệu do tổ chức The VII Foundation sản xuất được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Sundance đã nêu nghi vấn về tác giả thực sự của bức ảnh này.

Trong bộ phim, được hỗ trợ bởi phân tích hình ảnh từ nhóm nghiên cứu INDEX có trụ sở tại Paris, đã đặt ra nghi vấn về tác giả thực sự của bức ảnh, đồng thời đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng bức ảnh có thể được chụp bởi Nguyễn Thành Nghệ, một phóng viên người Việt Nam của hãng tin AP khi đó.

Tổng hợp cả ba cuộc điều tra của World Press Photo, AP và bộ phim tài liệu đã nêu, giải ảnh Báo chí Thế giới đưa đến nhận định mặc dù bức ảnh này theo truyền thống được ghi nhận là của Nick Út, nhưng bằng chứng có sẵn mới đây chỉ ra khả năng lớn rằng tác giả của bức ảnh là Nguyễn Thành Nghệ đã chụp nó thay vì Nick Út.

Theo bộ phim tài liệu The Stringer thì Nguyễn Thành Nghệ là tác giả. Trong khi cuộc điều tra của AP đã kết luận rằng vì không có bằng chứng xác đáng nào chứng minh rằng Nick Út không chụp bức ảnh này, nên việc ghi nhận quyền tác giả là của Nick Út vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, World Press Photo thông qua các thủ tục đánh giá của mình đã kết luận rằng mức độ nghi ngờ là quá lớn để duy trì quyền tác giả hiện tại. Đồng thời, do thiếu bằng chứng kết luận chỉ ra chắc chắn ảnh này là của một nhiếp ảnh gia khác, nên Giải ảnh báo chí Thế giới vào tối 16/5 đã quyết định đình chỉ tư cách tác giả của Nick Út đối với bức ảnh Em bé Napalm.

Nhiếp ảnh gia Nick Út

Nhiếp ảnh gia Nick Út

Tuyên bố của Giải ảnh báo chí Thế giới theo đó nêu rõ các quyết định:

1. Tạm dừng quyền tác giả

Giải ảnh báo chí Thế giới (World Press Photo) đã chính thức đình chỉ quyền tác giả của Nick Út đối với bức ảnh The Terror of War (Em bé Napalm). Việc tạm dừng này sẽ vẫn có hiệu lực trừ khi có thêm bằng chứng có thể xác nhận hoặc bác bỏ quyền tác giả ban đầu một cách rõ ràng.

2. Sửa đổi chú thích của bức ảnh

Giải ảnh báo chí Thế giới (World Press Photo) đã quyết định sửa lại chú thích của bức ảnh nổi tiếng này như sau: “Do mối nghi ngờ hiện tại này, World Press Photo đã đình chỉ việc ghi nhận tác giả ảnh là Nick Út. Bằng chứng hình ảnh có sẵn và máy ảnh có thể được sử dụng vào ngày hôm đó cho thấy các nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ hoặc Huỳnh Công Phúc (Nick Út) có thể đã có vị trí tốt hơn để chụp bức ảnh.

Điều quan trọng là bản thân bức ảnh vẫn không bị tranh chấp và giải thưởng cho bức ảnh vẫn được giữ nguyên. Chỉ có quyền tác giả đang được xem xét. Đây vẫn là bức ảnh lịch sử gây tranh cãi và có khả năng quyền tác giả của bức ảnh sẽ không bao giờ được xác nhận đầy đủ. Việc đình chỉ quyền tác giả vẫn được giữ nguyên trừ khi có bằng chứng chứng minh khác”.

Bà Phúc - nhân vật chính của bức ảnh Em bé Napalm với vết phỏng trên lưng - Ảnh: Nick Út/ AP

Bà Phúc - nhân vật chính của bức ảnh Em bé Napalm với vết phỏng trên lưng - Ảnh: Nick Út/ AP

Giải ảnh Báo chí thế giới cũng giải thích tại sao họ lại xem xét lại quyền tác giả của một bức ảnh được chụp cách đây hơn 50 năm. Theo đó World Press Photo nhấn mạnh họ có bước đi này vì trách nhiệm của giải với tư cách là một tổ chức 70 năm tuổi với di sản thiết lập các tiêu chuẩn trong báo ảnh. Trong một kỷ nguyên được định nghĩa bởi thông tin sai lệch, phân cực, thao túng truyền thông làm xói mòn lòng tin của công chúng, việc xem xét lại cách tổ chức tiếp cận quyền tác giả, bằng chứng và trách nhiệm đạo đức không chỉ có liên quan mà còn là điều cần thiết.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/giai-anh-bao-chi-the-gioi-dinh-chi-tu-cach-tac-gia-cua-nick-ut-doi-voi-buc-anh-em-be-napalm_178101.html