Giải ảnh 'Khoảnh khắc Báo chí' tạo động lực lớn để mỗi phóng viên tiếp tục lao động, tìm tòi, sáng tạo
Theo nhà báo Nguyễn Tuấn Huy: 'Được vinh danh tại lễ trao giải tôi nghĩ đó là động lực lớn để các tác giả tiếp tục lao động báo chí, tìm tòi, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí sinh động hơn nữa, chân thực, gắn liền với đời sống xã hội, sự phát triển của đất nước'.
Tác phẩm "Vang mãi bản hùng ca Điện Biên Phủ", nhà báo Nguyễn Tuấn Huy - Báo Quân đội nhân dân
Giải ngày càng có sức lan tỏa lớn và được đông đảo phóng viên ảnh hưởng ứng
Lễ diễu binh diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện lớn, có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Để tác nghiệp tốt trong sự kiện đưa tin trọn vẹn đáp ứng yêu cầu tuyên truyền cao của báo Quân đội nhân dân.
Tôi cũng như các đồng chí khác khi được phân công nhiệm vụ đều có chung quyết tâm cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nghiên cứu vị trí tác nghiệp, phương án di chuyển, phương tiện, cách thức di chuyển, xem ảnh những lần trước, xác định các tuyến đường khi đoàn diễu duyệt đi tại thành phố điện biên.
Được tham gia từ khâu chuẩn bị, các buổi luyện tập, hợp luyện ở Trung tâm huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Miếu Môn, Hà Nội) cho tới các buổi sơ duyệt, tổng duyệt và ngày lễ chính thức. Đây là một lợi thế, cùng với đó, tôi cũng thông thuộc địa bàn tỉnh Điện Biên do đó đã chủ động phương tiện để di chuyển nhanh, tối đa được các nội dung của sự kiện
Ngày diễn ra lễ cấm nhiều trục đường trong thành phố, phóng viên chúng tôi ai cũng đi rất sớm để tới khu vực sân vận động, tôi để xe máy ở phía sau sân vận động cách 2 dãy phố. Sau khi hoàn thành ảnh ở trong sân vận động tôi cơ động nhanh mang theo trang bị ra lấy xe máy để di chuyển về phía vòng xoay dưới chân tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi đó tôi phải qua các con phố nhỏ không bị cấm đường, cự ly khoảng 1,5km để đón đoàn diễu binh diễu hành khi đi qua chân tượng đài.
Sau khi đoàn các khối đi qua đây tôi lại tiếp tục quay lại đường cũ, vòng qua sau sân vận động, đi tiếp xuyên qua thành phố, vòng ra trục đường lớn 7/5 để đón đoàn ở chặng cuối tổng quãng đường di chuyển khoảng 5km.
Người dân đã đứng sẵn ở đây, đứng đông ở hai bên đường, kéo loa, kéo nước ra mời bộ đội, do đó ghi được nhiều hình ảnh đẹp về tình cảm đặc biệt của đồng bào Điện biên đối với các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành.
Theo tôi với mỗi người làm báo, điều quan trọng đó là trách nhiệm thái độ với công việc là một phóng viên ảnh và với cơ hội mình được trao cho khi được tác nghiệp tại các sự kiện lớn.
Phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật chụp ảnh, chụp nhiều và đa dạng thì khi vào tình huống vào sự kiện mới có thể sáng tạo ra các tác phẩm tốt, có sự khác biệt, đặc sắc so với các phóng viên khác cùng tác nghiệp. Và một chút may mắn, khi đúng tại thời điểm ấy, những con người ấy và ghi lại được khoảnh khắc ấy.
Đối với Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” tôi nghĩ đây là 1 giải báo chí chuyên biệt dành cho phóng viên ảnh, một giải báo chí mà ngay cái tên của nó đã nói lên đặc trưng nhất của nhiếp ảnh đó là “Khoảnh khắc”. Đây là sân chơi tổ chức vào dịp cuối năm, tổng kết 1 năm làm nghề do đó quy tụ được rất nhiều tác phẩm có chất lượng cao trong năm… tạo được sức lan tỏa lớn và được đông đảo phóng viên ảnh, các nhiếp ảnh gia, tích cực hưởng ứng tham gia.
Được vinh danh tại lễ trao giải tôi nghĩ đó là động lực lớn để các tác giả tiếp tục lao động, tìm tòi, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí sinh động hơn nữa, chân thực, gắn liền với đời sống xã hội, sự phát triển của đất nước. Cùng với đó, qua các lần tổ chức, Ban tổ chức Giải ảnh Khoảnh khắc báo chí đã có nhiều cố gắng trong tiếp nhận tác phẩm, chấm, lựa chọn các tác phẩm để trao giải.
Tác phẩm “Vườn đào Nhật Tân bị xóa sổ sau mưa lũ”, nhà báo Nguyễn Giang Nam - Báo điện tử Tổ Quốc
Cần có tư duy hình ảnh cũng như tư duy đề tài
Trong quá trình thực hiện những tin bài về bão lũ, đặc biệt là cơn bão số 3 vừa qua. Tôi thường xuyên liên hệ và cập nhật thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Cùng với đó tôi theo dõi các thông tin từ nhiều nguồn kể cả trên mạng xã hội rồi tổng hợp lại và đưa ra những hướng khai thác đề tài riêng, tránh trùng lặp với những thông tin đã có.
Ngoài ra, tôi cũng suy luận khi nước sông Hồng dâng cao thì nơi nào bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Từ đó tôi đi theo hướng bài như vậy.
Về tác phẩm "Vườn đào Nhật Tân bị “xóa sổ” sau mưa lũ", ngay khi nhận định khu vực Nhật Tân bị ảnh hưởng nặng khi nước sông lên cao. Tôi đã tìm cách di chuyển ra sớm nhất. Tuy nhiên, mưa khá lớn và một số tuyến đường bị ngập úng nên di chuyển khá khó khăn. Khi tới nơi thì nước vẫn ngập khá sâu nên tôi phải sử dụng flycam bay lên để có được những hình ảnh chân thực nhất từ trên cao.
Tôi cũng khá liều lĩnh khi sử dụng flycam bay trong mưa, tuy nhiên đổi lại được những bức hình ưng ý. Sau khi đưa tin về ngập thì tôi cũng đã quay lại khi nước rút để ghi nhận những gì còn lại sau cơn lũ lớn và bà con khắc phục thế nào. Nhìn những vườn đào trơ cành không còn khả năng cứu thật buồn khi bà con làng đào có người mất cả tỷ tiền đào…
Với mỗi phóng viên ảnh thì luôn cần một sự bình tĩnh nhìn nhận sự vật sự việc cũng như tư duy nhanh đưa ra những phán đoán chính xác để có thể ghi lại những khoảng khắc chỉ đến một lần. Thiết bị cũng là một phần trong đó.
Như một ai đó đã từng nói muốn có những tác phẩm tốt thì cần có kinh nghiệm và trải nghiệm để tu rèn cho mình một nền tảng vững về tư duy hình ảnh cũng như tư duy đề tài hấp dẫn người xem...