Giải ba: Chợ nổi Ngã Năm - 'điểm nhấn' trong phát triển du lịch của TX. Ngã Năm

Theo Chương trình hành động số 14 của Thị ủy và Kế hoạch số 21 của UBND thị xã thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2020 công nhận 2 điểm du lịch địa phương (chợ nổi Ngã Năm, vườn cò Tân Long)...

Ngã Năm là một trong những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, có đường giao thông tương đối đồng bộ bao gồm Quản lộ Phụng Hiệp nối liền Quốc lộ 60 với đường Hồ Chí Minh và tuyến Quốc lộ 61B nối liền tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, còn có đường thủy nối liền các địa phương và các vùng lân cận (Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang) với 5 nhánh sông tụ hội thành chợ nổi, từ lâu được mọi người biết đến là điểm giao thương sầm uất mang đậm nét đặc trưng của vùng quê sông nước.

Chợ nổi Ngã Năm - điểm giao thương mang đậm nét văn hóa sinh hoạt của vùng quê sông nước.

Chợ nổi Ngã Năm - điểm giao thương mang đậm nét văn hóa sinh hoạt của vùng quê sông nước.

Giữ nét độc đáo chợ nổi Ngã Năm

Theo ông Lý Văn Vạn - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TX. Ngã Năm, cùng với các chợ nổi khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)… chợ nổi Ngã Năm có bề dày lịch sử hơn trăm năm, khi 2 con kênh đào (kênh Xáng và kênh Quản lộ Phụng Hiệp) cắt ngang 1 con sông tự nhiên tạo thành nhánh sông đổ về 5 ngã, chợ nổi Ngã Năm nằm ở điểm hội tụ của 5 dòng kênh.

Theo tài liệu lịch sử, vùng đất Ngã Năm mới được chính thức khai phá vào đầu thế kỷ XIX trong chính sách khai hoang vùng châu thổ sông Cửu Long của Triều Nguyễn. Đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Ngã Năm vẫn còn là vùng đất hoang vu, toàn là tràm và lau sậy, dân cư thưa thớt. Thực dân Pháp coi vùng đất này là vùng thám hiểm, nên trong kế hoạch khai thác Đông Dương từ năm 1900 - 1924, chúng cho xáng đào nhiều kênh lớn mang tính chiến lược, nhằm khai thác vùng đất mới và thuận tiện trong việc quản lý, kiểm tra dân tình như: kênh Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, Ngan Dừa - Cầu Sập, Giá Rai - Phó Sinh, Long Mỹ - Phú Lộc. Sông Ngã Năm đổ về 5 ngã: Ngã Năm - Long Mỹ, Ngã Năm - Vĩnh Quới, Ngã Năm - Phụng Hiệp, Ngã Năm - Phước Long, Ngã Năm - Phú Lộc.

Thời điểm họp chợ nhộn nhịp nhất từ 3 đến 4 giờ sáng.

Thời điểm họp chợ nhộn nhịp nhất từ 3 đến 4 giờ sáng.

Chợ nổi Ngã Năm mang đậm nét đơn sơ, bình dị của nơi vùng quê sông nước miền Tây. Người bán, kẻ mua đều dùng xuồng, ghe để di chuyển và thực hiện các giao dịch trên sông. Thời điểm họp chợ nhộn nhịp nhất từ 3 - 4 giờ sáng đến tầm 7 - 8 giờ sáng thì thưa dần. Ghe đi bổ hàng thì đổ về các nẻo kênh, rạch nhỏ, còn ghe lớn thì đậu đâu đó chờ dỡ đủ hàng để đi tiếp về các chợ xa. Cả khúc sông dài gần 1km, ghe nào cũng vậy đều có “cây bẹo” treo lủng lẳng phía trước ghe. Cây bẹo đơn giản là cây sào cắm phía trước ghe, treo tòn ten những loại hàng nông sản mà ghe cần bán. Người muốn mua loại nào cứ việc nhìn “cây bẹo” ghé vào mà lựa. Người bán khỏi cần rao hàng, người mua cũng không lo phải tìm, kiếm tốn công. Chính nét sinh hoạt này đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho chợ nổi.

Trong những năm gần đây, do phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện đi lại dễ dàng hơn, nên xuồng ghe mua bán không còn được đông đúc như xưa, nhưng vì đây là điểm trung chuyển hàng hóa giữa các vùng lân cận như Cần Thơ, Hậu Giang xuống Bạc Liêu, Cà Mau nên chợ nổi Ngã Năm vẫn còn mua bán khá tấp nập, nhất là vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, cảnh chợ càng nhộn nhịp, náo nhiệt hơn. Chị Nguyễn Kim Lanh - tiểu thương ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: “Tôi đã gắn bó ở chợ nổi này mấy chục năm rồi. Tôi lấy hàng nông sản như khoai lang, củ sắn, bắp cải từ chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) đem đến chợ nổi Ngã Năm bán lại kiếm lời. Chợ nổi hiện nay xuồng ghe ít hơn lúc trước nhưng mua bán cũng được”.

Cả khúc sông dài gần 1km, ghe nào cũng vậy đều có “cây bẹo” treo lủng lẳng phía trước ghe.

Cả khúc sông dài gần 1km, ghe nào cũng vậy đều có “cây bẹo” treo lủng lẳng phía trước ghe.

Là khu chợ chính phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời là địa điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch, chợ nổi Ngã Năm buôn bán đủ mọi mặt hàng như: rau củ quả, thực phẩm gạo, muối, thịt cá cho đến quần áo, vải vóc, cả các món ẩm thực như bún nước lèo, bánh tằm, bánh xèo, hàng nước… có thể thưởng thức ngay trên ghe vô cùng thú vị.

Tạo “điểm nhấn” trong phát triển du lịch

Ngoài chợ nổi là điểm thương mại sầm uất với cảnh quan sông nước hữu tình rất độc đáo, Ngã Năm còn có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (đình chùa, miếu mạo và các di tích lịch sử cách mạng) cùng nhiều khu, điểm sinh thái: vườn cò Tân Long, di tích miếu Bà chúa Xứ gắn với Khu căn cứ Thị ủy ở ấp Mỹ Đông, xã Mỹ Quới; chùa Ô Chum; tượng đài chiến thắng Chi khu Ngã Năm. Ngoài ra, Ngã Năm còn có nhiều sản phẩm du lịch khá độc đáo như sinh hoạt chợ nổi, đờn ca tài tử, các lễ hội truyền thống dân tộc... để phát triển du lịch.

Năm 2016, Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được ban hành với một kế hoạch khá toàn diện để khai thác tiềm năng, biến du lịch thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong đó, việc bố trí và phát huy chợ nổi Ngã Năm, kết hợp khai thác gắn với du lịch sông nước là một trong những mục tiêu lớn. Theo Chương trình hành động số 14 của Thị ủy và Kế hoạch số 21 của UBND thị xã thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2020 công nhận 2 điểm du lịch địa phương (chợ nổi Ngã Năm, vườn cò Tân Long). Đến năm 2025, công nhận 2 điểm du lịch địa phương (miếu Bà chúa Xứ gắn với Khu căn cứ Thị ủy tại xã Mỹ Quới và chùa Ô Chum, xã Vĩnh Quới). Duy trì lượng khách du lịch tăng bình quân 15%/năm, doanh thu tăng bình quân 18 - 20%/năm. Đến năm 2020, lượng khách du lịch đến TX. Ngã Năm đạt trên 26.100 lượt người/năm; trong đó, khách lưu trú khoảng 16.000 lượt; khách quốc tế trên 1.000 lượt.

Hàng quán ẩm thực bán trên sông.

Hàng quán ẩm thực bán trên sông.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, UBND TX. Ngã Năm đã cơ bản thực hiện xong các nội dung như: điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TX. Ngã Năm vào quy hoạch chung của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020; lập phương án kêu gọi đầu tư dự án chợ nổi Ngã Năm; vận động chủ vườn cò Tân Long xã hội hóa đầu tư, khai thác; kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch khi đến Ngã Năm…

Ông Lý Văn Vạn cho biết: “Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thị xã làm việc với chủ vườn cò Tân Long nhằm trao đổi, thống nhất phương án duy trì và phát triển vườn cò, trên cơ sở đó hai bên thống nhất phương án xem xét hỗ trợ một phần kinh phí để duy trì phát triển điểm du lịch này. Đồng thời, xây dựng Đề án phát triển du lịch thị xã; lập hồ sơ đề nghị công nhận chợ nổi Ngã Năm trở thành điểm du lịch của tỉnh; hỗ trợ TX. Ngã Năm đóng mới 5 chiếc thuyền bằng gỗ đưa khách tham quan chợ nổi Ngã Năm; phối hợp với các sở, ngành chức năng quy hoạch, bố trí lại chợ nổi và chợ đêm theo tuyến bờ kè sông Quản lộ Phụng Hiệp. Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị chức năng, đơn vị nghiệp vụ kết hợp Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã đẩy mạnh xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư; kết nối tua tuyến du lịch nhằm quảng bá thu hút du khách. Đặc biệt, vào năm 2019, thị xã sẽ đầu tư công trình phục dựng pháo đài chiến thắng Chi khu Ngã Năm, với giá trị dự toán xây dựng công trình khoảng 2,5 tỉ đồng. Khi công trình hoàn thành sẽ trở thành điểm di tích lịch sử có giá trị, góp phần vào định hướng phát triển du lịch của TX. Ngã Năm”.

Chí Bảo

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/tac-pham-dat-giai-bao-chi-tinh-soc-trang-nam-2018/giai-ba-cho-noi-nga-nam-diem-nhan-trong-phat-trien-du-lich-cua-tx-nga-nam-28027.html