Giải bài toán an dân và chống lũ

Nhiều ngày qua, người dân ở một số thôn, xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất (Hà Nội) phải đối mặt với trận lụt sâu kéo dài. Đợt mưa lớn dai dẳng do hoàn lưu bão số 2 đã gây ra mức lũ lịch sử trên sông Tích, sông Bùi, khiến nước lũ tràn qua nhiều đoạn đê, gây ngập lụt cục bộ ở một số nơi.

Chẳng riêng Hà Nội, những trận lũ lớn vừa qua cũng gây ra ngập lụt, thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh phía Bắc nước ta. Nhiều nước trong khu vực cũng đang phải đối mặt với những trận lũ lụt kinh hoàng. Thời tiết cực đoan đang ngày càng gây ra những mối đe dọa lớn về an toàn cho cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Điều đó đặt ra yêu cầu chúng ta cần phải có những hành động nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn nhằm sẵn sàng ứng phó với thiên tai nói chung, lũ lụt nói riêng, trong đó có vấn đề giải bài toán an dân và chống lũ ở các khu vực hành lang thoát lũ.

Ngập lụt ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Ngập lụt ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Thực tế, không ít gia đình thuộc diện phải di dời do nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, nhưng không muốn rời xa nơi "chôn nhau cắt rốn", không muốn thay đổi thói quen sống, làm việc hằng ngày, hoặc vì nhiều lý do khác nhau nên vẫn quyết tâm bám lại, dù chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng do không được xây mới, sửa chữa lớn nhà cửa, công trình. Chính quyền vì muốn an dân nên cũng chưa quyết liệt di dời.

Trận lũ lụt đang diễn ra một lần nữa cho thấy phải thực hiện nghiêm quy hoạch hành lang thoát lũ. Điều đó không chỉ giúp tạo ra hành lang thoát lũ thông thoáng, giảm áp lực lên các tuyến đê, bảo đảm an toàn cho các khu dân cư phía trong các tuyến đê, mà còn là giải pháp để bảo đảm an toàn cho chính những gia đình đang nằm trên các khu vực hành lang thoát lũ. Những ngôi nhà, công trình xuống cấp theo thời gian sẽ ngày càng khó chống chịu lại những đợt tấn công của lũ lụt. Rồi nguy cơ rất lớn từ việc sạt lở các bãi sông có thể kéo theo toàn bộ nhà cửa, công trình, cây trồng, vật nuôi và con người trôi theo dòng lũ.

Không chỉ phải đối mặt với lũ lụt tự nhiên, chúng ta cũng phải tính đến rủi ro mất an toàn hồ, đập thủy điện ở vùng thượng du cả trong nước và ở nước ngoài có chung dòng chảy sông, suối với nước ta. Rủi ro mất an toàn hồ, đập có thể đến từ sai lầm chủ quan của con người trong quá trình vận hành hồ, đập, có thể do thiên tai như động đất, sạt lở... Rủi ro ấy có xác suất rất nhỏ nhưng cũng không thể không đề phòng, bởi nếu chẳng may xảy ra, lũ sầm sập đổ về mà bà con sinh sống trên vùng hành lang thoát lũ không kịp trở tay thì hậu quả sẽ khó tưởng tượng nổi...

Như vậy, phương pháp tốt nhất giải bài toán an dân và chống lũ là thực hiện nghiêm quy hoạch hành lang thoát lũ, song song với việc thường xuyên tu bổ, gia cố các tuyến đê và nâng cao cốt mặt đê ở những đoạn hay bị nước lũ tràn qua.

Vẫn biết, thiên tai rất khó đoán định, nhưng nếu chúng ta chủ động đề phòng, ứng phó thì hậu quả, thiệt hại sẽ được giảm đến mức thấp nhất!

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giai-bai-toan-an-dan-va-chong-lu-788094