Giải bài toán chậm trễ đầu tư công trong xây dựng thành phố thông minh

Sáng 16-7, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức khảo sát tình hình triển khai thực hiện đề án 'Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025'.

Theo báo cáo của Sở TT-TT TPHCM, tính đến ngày 30-4, thành phố đã công bố kết quả giai đoạn một của 3 trụ cột đề án. Trong đó, đối với trụ cột Kho dữ liệu dùng chung, hiện một phần đã được chia sẻ qua cổng dữ liệu mở của thành phố, bước đầu chia sẻ tài nguyên với người dân, doanh nghiệp. Trung tâm Điều hành đô thị thông minh giai đoạn 1 và Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội giai đoạn 1 đi vào vận hành, góp phần phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố trong các đợt cao điểm. Còn trụ cột thứ tư là Trung tâm An toàn thông tin chuẩn bị thành lập trên cơ sở liên kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Đại diện quận 1, quận 12 cũng báo cáo các kết quả khả quan trong xây đô thị thông minh và phản ảnh những vướng mắc.

Tại buổi khảo sát, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa cho rằng xây dựng thành phố thông minh phải đạt 3 yêu cầu: Phải phục vụ công dân, con người, làm cho chất lượng sống của người dân tốt hơn; Dịch vụ công tốt hơn; Góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố bền vững hơn. Nếu 5 năm sau chúng ta xem lại chưa thấy đạt 3 yêu cầu trên thì xây dựng thành phố thông minh chưa đạt yêu cầu.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM cho biết, viện được giao xây dựng Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội, một trong bốn trung tâm trụ cột của đề án Đô thị thông minh nhưng vào ngày thành lập trung tâm này (1-8-2019), đơn vị phải đi thuê máy móc, thiết bị để mô phỏng kịp giới thiệu và cho tới nay vẫn chưa có thiết bị nào được mua sắm tại trung tâm. Hiện Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội vẫn phải vận hành trên những thiết bị tự trang bị trong căn phòng vài chục mét vuông…

“Cái khó trong mua sắm hiện nay là phải đấu thầu tập trung. Mà những sản phẩm, thiết bị ngành CNTT lại mang tính đặc thù. Chúng ta tiếp tục kiến nghị để HĐND, Quốc hội có luật riêng trong việc mua sắm tài sản công dành cho công nghệ thông tin như vậy mới giải quyết được bài toán”, ông Trần Hoàng Ngân cho biết.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng kết quả đến nay của việc xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh thể hiện quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị tại TPHCM. Đây là điều đáng mừng nhưng cần tìm ra giải pháp để giải bài toán chậm trễ đầu tư công nhằm tránh chậm tiến độ, tránh lãnh phí.

BÁ TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giai-bai-toan-cham-tre-dau-tu-cong-trong-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-673448.html