Giải bài toán đưa chữ ký số cá nhân đến với từng người dân Việt

Mỗi người dân một chữ ký số cá nhân. Đó là bài toán mục tiêu mà nhiều nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số Việt Nam đang đi tìm lời giải.

Lời tòa soạn: Để thúc đẩy chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, phát triển kinh tế số và hình thành các công dân số, việc phổ cập chữ ký số cá nhân là một nhiệm vụ quan trọng. Với mong muốn giúp độc giả biết đến những lợi ích để từ đó chọn dùng chữ ký số khi chuyển hoạt động lên mạng, VietNamNet thực hiện tuyến bài “Làm gì để mỗi người dân có 1 chữ ký số?”

Chữ ký số cá nhân giúp người dùng chứng thực điện tử từ xa nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp.

Chữ ký số cá nhân giúp người dùng chứng thực điện tử từ xa nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp.

Những năm qua, thị trường dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Chữ ký số đã và đang được nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng nhằm đơn giản, hiện đại hóa thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đấu thầu và đặc biệt là hóa đơn điện tử.

Nhằm phát triển một thế hệ công dân số, tiến tới xây dựng xã hội số, Bộ TT&TT đang chỉ đạo đẩy nhanh việc phổ cập chữ ký số nói chung, chữ ký số cá nhân nói riêng và tập trung vào mô hình ký số từ xa.

Nhiều ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng chữ ký số

Dưới sự kêu gọi của Bộ TT&TT, các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA công cộng) đã triển khai nhiều chính sách miễn, giảm giá dịch vụ chữ ký số từ xa cho các khách hàng cá nhân.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Khơ Din, Tổng Giám đốc Công ty Nền tảng chuyển đổi số Bkav SME cho biết, thời gian qua, Bkav-CA đã triển khai cấp miễn phí chữ ký số cho người dân tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) vào thứ 7 hàng tuần. Bkav-CA cũng đã phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... để cấp chữ ký số tận nơi cho người dân.

Với MISA, ngoài cấp tặng miễn phí chữ ký số cho người dân trên phố đi bộ, doanh nghiệp này còn tổ chức cấp phát cho giảng viên, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng. MISA hiện có chính sách miễn phí 1 năm sử dụng chữ ký số cá nhân MISA eSign với đầy đủ các tiện ích, không hạn chế số lượt nhằm giúp người dân thay đổi dần thói quen.

"Thông qua các hoạt động này, MISA kỳ vọng sẽ khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số từ xa để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số”, đại diện MISA cho hay.

Là nhà mạng đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, theo đại diện MobiFone, khi triển khai dịch vụ chữ ký số MobiCA, doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như khuyến mại dùng thử, tặng kèm, giảm giá trong các dịp đặc biệt… MobiFone còn chủ động tham gia và hỗ trợ xây dựng Luật Giao dịch điện tử, phối hợp tuyên truyền, phổ biến về chữ ký số cho cơ quan, doanh nghiệp, người dân.

Tìm lời giải kế phổ cập chữ ký số cá nhân

Theo ông Phùng Huy Tâm, Giám đốc Nacencomm, từ năm 2018, đơn vị này đã đầu tư nghiên cứu các giải pháp và ứng dụng ký số trên di động. Hiện Nacencomm có nhiều gói dịch vụ linh hoạt cho mọi đối tượng sử dụng theo cách cần là có bút ký số ngay. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với doanh nghiệp vẫn là việc làm sao để tạo ra được trào lưu sử dụng chữ ký số hàng ngày.

Trong nội bộ doanh nghiệp, từ nhiều năm nay, sử dụng chữ ký số cá nhân đã là việc thường xuyên mỗi ngày. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bế tắc, chưa lan tỏa được thói quen ký số ra bên ngoài môi trường doanh nghiệp, dù đã thử cách này cách kia”, ông Tâm trăn trở.

Có quan điểm tương tự, ông Nguyễn Khơ Din cho rằng, chữ ký số cho doanh nghiệp hiện nay đã phổ biến và là một khái niệm rất quen thuộc. Tuy nhiên nhiều người dân chưa biết đến chữ ký số cá nhân, do vậy việc triển khai dịch vụ này gặp không ít khó khăn.

Người dân đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số từ xa. Ảnh: Trọng Đạt

Người dân đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số từ xa. Ảnh: Trọng Đạt

Đại diện MISA cho biết, có một số nguyên nhân khiến người dân ngại chuyển sang ký số. Đó là bởi nhận thức về tính pháp lý và bảo mật của chữ ký số còn hạn chế, truyền thông chưa thực sự bùng nổ, thủ tục đăng ký và sử dụng chữ ký số phức tạp, trong khi phạm vi các quy định cần sử dụng vẫn còn hẹp…

Theo MISA, để đẩy nhanh việc phổ cập chữ ký số cá nhân, các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ trong giai đoạn đầu sử dụng, giảm bớt các rào cản về mặt tài chính, khuyến khích người dân chuyển đổi sang ký số. Khi người dân đã định hình thói quen sử dụng, các CA có thể tính toán thu một phần kinh phí để bù đắp cho các chi phí mà đơn vị phải bỏ ra.

Chia sẻ một góc nhìn khác, đại diện Trung tâm dịch vụ chữ ký số FPT (FPT CA) cho hay, khi phổ biến chữ ký số, lượng người dùng cá nhân rất lớn và dàn trải, nếu tiến hành thu thập hồ sơ theo cách thức truyền thống sẽ rất bất tiện, tốn nhiều chi phí, công sức bỏ ra. FPT CA mong muốn được tạo điều kiện tối đa về mặt hồ sơ thủ tục, giấy tờ để doanh nghiệp có thể cung cấp chứng thư số cho người dân một cách đơn giản nhất. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về lợi ích của chữ ký số đến người dân.

Theo đại diện FPT CA, các hoạt động tuyên truyền chính là điểm mấu chốt, quan trọng nhất để Việt Nam sớm phổ cập chữ ký số cá nhân.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giai-bai-toan-phu-kin-thi-truong-chu-ky-so-ca-nhan-2146876.html