Giải 'bài toán' giáo viên cho năm học mới

Năm học 2021 - 2022 đã bắt đầu. Cùng với những thuận lợi, một trong những khó khăn khiến ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đang phải tìm cách tháo gỡ là tình trạng thiếu giáo viên.

Trong năm học mới, nhiều trường cần bổ sung giáo viên. (ảnh minh họa)

Trong năm học mới, nhiều trường cần bổ sung giáo viên. (ảnh minh họa)

Nhiều địa phương thiếu giáo viên

Chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học và THCS A Lù, huyện Bát Xát khi năm học 2021 - 2022 chuẩn bị bắt đầu. Năm học này, trường có 492 học sinh với 39 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Thầy giáo Vũ Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến thời điểm này, trường đã chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đón học sinh. Tuy nhiên, về đội ngũ giáo viên, theo định mức, nhà trường vẫn thiếu 2 giáo viên tiểu học và cần tăng cường 1 giáo viên dạy tiếng Anh, vì cô giáo dạy môn này đang nghỉ chế độ thai sản. Trường rất mong được huyện bổ sung giáo viên kịp thời.

Cũng như Trường Tiểu học và THCS A Lù, dù đã bắt đầu bước đầu vào năm học 2021 - 2022, nhưng nhiều trường trên địa bàn huyện Bát Xát vẫn thiếu giáo viên. Theo ông Đỗ Đức Chiến, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát, năm học 2021 - 2022, huyện cần tuyển dụng 70 giáo viên, trong đó 20 giáo viên mầm non, 24 giáo viên tiểu học, 26 giáo viên THCS. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tuyển dụng chưa thực hiện được, UBND tỉnh cho lùi thời gian tuyển dụng và cho phép tuyển giáo viên hợp đồng. Nhìn lại năm học trước, huyện Bát Xát có nhu cầu tuyển dụng 38 giáo viên, nhưng chỉ có 17 hồ sơ thi tuyển và chỉ tuyển dụng được 11 giáo viên. Một số môn chuyên biệt như tiếng Anh, Tin học rất ít hồ sơ đăng ký tuyển dụng do quy định điều kiện dự tuyển phải có trình độ đại học trở lên.

Khó khăn càng tăng vì trong năm học mới này, đội ngũ cán bộ, giáo viên của 8 xã đã “về đích” nông thôn mới, đặc biệt là 4 xã vùng cao: Mường Hum, Dền Sáng, A Mú Sung, Bản Xèo không còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước khiến tiền lương, phụ cấp giáo viên giảm, ảnh hưởng tới thu nhập. Thêm vào đó, trước năm học mới, toàn huyện có khoảng 50 giáo viên nộp hồ sơ xin chuyển vùng ra thành phố Lào Cai hoặc sang các huyện khác.

Đối với thành phố Lào Cai, năm học 2021 - 2022 có gần 35.800 học sinh, tăng 22 lớp với khoảng 1.500 học sinh so với năm học trước, do đó, nhu cầu về giáo viên tăng lên. Hiện nay, các trường học của thành phố còn thiếu 126 giáo viên các cấp, trong đó mầm non 48 giáo viên, tiểu học 52 giáo viên, THCS 26 giáo viên.

Theo tổng hợp của Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo), năm học 2021 - 2022, theo định mức quy định thì toàn tỉnh vẫn thiếu 792 giáo viên (414 giáo viên mầm non, 95 giáo viên tiểu học, 185 giáo viên THCS, 98 giáo viên THPT).

Còn tính riêng giáo viên chuyên biệt, để đáp ứng số lượng theo quy định tại chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh thiếu hơn 500 giáo viên Ngoại ngữ, 121 giáo viên Tin học. Năm học 2021 - 2022, theo kế hoạch, tỉnh sẽ tuyển dụng 79 giáo viên tiếng Anh và 45 giáo viên tin học, tuy nhiên, nguồn tuyển số giáo viên này rất khó khăn.

Giáo viên mầm non xã Cốc Mỳ chuẩn bị cho năm học mới.

Giáo viên mầm non xã Cốc Mỳ chuẩn bị cho năm học mới.

Giải pháp cho “bài toán” khó

Trước “bài toán” thiếu giáo viên đặt ra cho năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo cùng các địa phương đang tìm nhiều giải pháp tháo gỡ. Ông Đỗ Đức Chiến, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát cho biết, giải pháp của ngành giáo dục huyện là tuyển dụng hợp đồng 55 giáo viên, trong đó 24 giáo viên mầm non, 15 giáo viên tiểu học và 16 giáo viên THCS. Trong thời gian tới, với những trường còn thiếu giáo viên, phòng sẽ căn cứ nhu cầu thực tế để cử giáo viên tăng cường, đặc biệt là với các môn tin học, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật.

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng tham mưu cho UBND thành phố thẩm định tiếp nhận 34 giáo viên từ các huyện xin chuyển về thành phố công tác. Trong năm học trước, thành phố cử 36 giáo viên các trường dạy tăng cường cho các trường còn thiếu giáo viên với 267 tiết/tuần. Trong năm học mới, thành phố tiếp tục thực hiện giải pháp này và đề nghị được bổ sung biên chế giáo viên đảm bảo định mức.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngay từ tháng 3/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung số lượng nhân lực làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Ngày 12/5/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 225 về tuyển dụng 569 chỉ tiêu giáo viên các cấp học, nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên chưa tổ chức tuyển dụng được. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố được hợp đồng giáo viên ngay từ đầu năm học mới trong khi chờ tuyển dụng.

Ngành giáo dục và đào tạo còn chỉ đạo các cơ sở giáo dục sử dụng hợp lý, cân đối đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện có; tiếp tục tăng cường, biệt phái và thực hiện hiệu quả phong trào “Trường giúp trường”, “Phòng giúp phòng”, “Giáo viên giúp đỡ giáo viên” để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nói chung, đặc biệt là giáo viên bộ môn tiếng Anh, tin học nói riêng. Các cơ sở giáo dục cần phân công đội ngũ giáo viên tiếng Anh, tin học dạy tối đa số tiết thực dạy, không phân công nhiệm vụ kiêm nhiệm; tăng cường phối hợp dạy học trực tuyến giữa các trường; thực hiện chế độ hợp đồng đối với giáo viên tiếng Anh người nước ngoài.

Về lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tham mưu cho UBND tỉnh đào tạo giáo viên học văn bằng 2 (ngoại ngữ, tin học) và đặt hàng đào tạo giáo viên tiếng Anh, tin học để tuyển dụng giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới; khảo sát nguyện vọng tham gia các chương trình đào tạo đại học đối với các chuyên ngành tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật theo diện được UBND tỉnh đặt hàng và cam kết sử dụng lao động sau đào tạo.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346767-giai-bai-toan-giao-vien-cho-nam-hoc-moi