Giải bài toán hạ tầng phục vụ du lịch
Mùa du lịch hè 2025 đang là giai đoạn cao điểm với lượng khách đổ về Đà Nẵng ngày càng tăng mạnh. Bên cạnh sức hút từ du lịch biển, thành phố còn tổ chức Lễ hội Pháo hoa Quốc tế (DIFF), các chương trình nghệ thuật đường phố, ẩm thực và thể thao suốt tháng 6 – 8.
Trong bối cảnh đó, áp lực đối với hạ tầng giao thông, đặc biệt là khu vực trung tâm và ven biển, đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý và hiệu quả.
Áp lực giao thông tại các điểm nóng du lịch
Theo ghi nhận trong tháng 6, lưu lượng phương tiện tại các tuyến đường Võ Nguyên Giáp – Trường Sa (dọc bãi biển), đường 2/9, Bạch Đằng, Trần Phú, Lý Thường Kiệt… đã tăng 40 – 60% so với ngày thường.
Vào các khung giờ chiều tối và cuối tuần, hiện tượng ùn ứ kéo dài xuất hiện tại các nút giao lớn gần cầu Rồng, cầu Sông Hàn và khu vực Công viên APEC...

Tuyến đường từ trung tâm thành phố lên chùa Linh Ứng (Bán đảo Sơn Trà) thường xuyên tắc nghẽn mùa cao điểm
Ngoài ra, tuyến đường Nguyễn Văn Thoại – Hồ Xuân Hương – Võ Nguyên Giáp, vốn là trục kết nối chính từ trung tâm ra biển Mỹ Khê và các khu resort, cũng ghi nhận mật độ phương tiện cao đột biến trong các ngày diễn ra pháo hoa (thứ bảy hằng tuần).
Ông Lê Thành Hưng (trú quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Tôi mất gần 45 phút để đi quãng đường 5km từ cầu Rồng về khu vực biển Non Nước vào đêm diễn ra Lễ hội pháo hoa. Xe máy và ô tô ken đặc, nhiều điểm tắc nghẽn cục bộ kéo dài”.
Để ứng phó với tình trạng trên, ngay từ đầu tháng 5.2025, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch phân luồng, tổ chức giao thông phục vụ mùa cao điểm du lịch và Lễ hội pháo hoa.
Trong đó, Sở Giao thông Vận tải phối hợp cùng Công an thành phố, các địa phương trọng điểm như Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, thành phố thiết lập các tuyến đường một chiều tạm thời vào khung giờ cao điểm quanh khu vực tổ chức sự kiện; giới hạn đỗ xe trên một số tuyến phố hẹp; đồng thời bố trí các bãi đỗ xe tạm thời tại sân vận động Chi Lăng, bãi đất trống dọc đường Trần Hưng Đạo, công viên biển Đông... để giảm áp lực cho nội đô.

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm
Ngoài ra, từ ngày 1.6, thành phố triển khai tuyến xe buýt phục vụ pháo hoa, hoạt động vào buổi tối thứ 7, kết nối các điểm lưu trú lớn tại Mỹ An, An Thượng, Nam Mỹ Đa với trung tâm thành phố. Đây được xem là giải pháp hỗ trợ du khách giảm sử dụng phương tiện cá nhân.
Ý thức người dân và du khách là yếu tố then chốt
Về lâu dài, thành phố cũng xác định cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông chiến lược. Trong năm 2025, Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Nguyễn Văn Trỗi mới, mở rộng các tuyến đường ven biển phía Nam và kết nối với Quốc lộ 14B – cao tốc La Sơn – Túy Loan để giảm áp lực cho trung tâm.
Đồng thời, Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện bến xe trung chuyển du lịch tại cửa ngõ phía Nam và Bắc, nhằm điều tiết dòng xe khách từ Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Pleiku vào nội thành. Dự kiến, hệ thống này sẽ chính thức đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2026.
Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, việc điều tiết giao thông hiệu quả trong mùa cao điểm còn phụ thuộc lớn vào ý thức tham gia giao thông của người dân và du khách.

Vị trí dừng đỗ xe được sắp xếp dọc tuyến đường Bạch Đằng
Theo lực lượng Cảnh sát Giao thông TP Đà Nẵng, tình trạng dừng đỗ sai quy định, lấn chiếm lòng lề đường, phóng nhanh vượt ẩu… vẫn còn xảy ra, nhất là với khách du lịch sử dụng xe máy tự lái.
Thành phố đã phát động chiến dịch truyền thông “Du lịch văn minh – Giao thông an toàn”, kêu gọi người dân nhường đường, tuân thủ hướng dẫn, ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng và đỗ xe đúng nơi quy định. Hệ thống màn hình LED, pano, tờ rơi du lịch cũng được tích hợp nội dung tuyên truyền giao thông.
Đà Nẵng đang khẳng định vị thế là “thành phố sự kiện” của Việt Nam và Đông Nam Á. Mỗi mùa lễ hội, pháo hoa hay các giải thể thao quốc tế đều thu hút hàng trăm nghìn lượt khách. Tuy nhiên, để thành công bền vững, yếu tố giao thông thuận tiện, an toàn, thân thiện phải được đặt lên hàng đầu.
Việc phân luồng giao thông mùa cao điểm không chỉ mang tính tình huống mà còn là cơ hội để Đà Nẵng rà soát, hoàn thiện mô hình “giao thông du lịch thông minh”, phục vụ chiến lược phát triển đô thị và du lịch chất lượng cao trong những năm tới.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/giai-bai-toan-ha-tang-phuc-vu-du-lich-149762.html