Giải bài toán khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ

t mưa lũ lịch sử trong thời gian qua đã gây thiệt hại lớn tới ngành nông nghiệp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Người nông dân gần như mất trắng toàn bộ tài sản, vật nuôi, con giống. Bài toán phục hồi sản xuất nông nghiệp đang trở thành vấn đề bức thiết.

Ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ lịch sử

Đầu năm 2020, anh Nguyễn Duy Điệp (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) dồn hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng để nuôi 13.000 con gà thịt, thả 5.000 con cá chim cùng nhiều cá giống khác. Dự định cuối năm, anh sẽ sửa sang lại căn nhà để mẹ anh không phải tá túc trong trại gà nữa...

Thế nhưng khuya 29/10, lũ ập về. Nước lên nhanh nhấn chìm trại gà. Mặc dù anh Điệp cùng người thân, bà con hàng xóm và chính quyền địa phương đã nỗ lực cứu vớt nhưng cũng chỉ cứu được khoảng 5.000 con, còn lại chết nổi trong nước lũ, số cứu được cũng dần chết vì rét, thiếu ăn.

Ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Nước mênh mông khiến cá trong hồ nuôi cũng thoát hết ra ngoài. Số gà, cá trị giá khoảng 1,3 tỉ đồng cùng toàn bộ vốn liếng vay mượn, công sức đã trôi cùng cơn lũ dữ khiến anh Điệp như đổ gục. Hình ảnh trang trại gà hàng ngàn con chết nổi kín mặt nước khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa.

Ngồi thẫn thờ trước những bì lúa đã lên mầm, vậy là 1,5 tấn lúa của bà Vị (huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) coi như bỏ. Mấy chục con gà cũng bị lũ cuốn trôi, con bò là tài sản lớn nhất của cả gia đình cũng bị cuốn đi mất.

Tại vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Bình, anh Lê Văn Can (huyện Quảng Ninh) bần thần nhớ lại, lũ về nhanh quá chỉ trong chớp mắt đã tới bụng rồi ngập tới cổ, anh cùng những người thân trong gia đình vội vã chạy thoát thân, toàn bộ tài sản bỏ lại, ngập trôi trong dòng lũ dữ.

Hôm nay nước rút dần, trời hửng nắng anh tranh thủ đưa lúa, gạo ra phơi để làm thức ăn cho vật nuôi. Vụ này nhà anh Can thu hoạch được 2 tấn thóc, định bán đi một nửa để có chi phí sinh hoạt và còn lại để dành ăn cho đến năm sau. Giờ ướt hết sạch rồi, không biết tới đây gia đình anh sẽ sống bằng gì...!

Hàng tỷ đồng cả vốn lẫn lãi và công sức lao động của người nông dân trôi theo dòng lũ dữ.

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong tháng 10/2020, mưa lũ và bão số 9 tại khu vực miền Trung đã khiến 237 người chết và mất tích, trên 195 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái. Hơn 2,6 triệu m3 đất, đá sạt lở chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch gây khó khăn lớn cho công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn.

Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là hơn 28 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là khoảng 13 nghìn tỷ đồng.

Huy động mọi nguồn lực khôi phục sản xuất

Theo ghi nhận tại một số vùng chịu thiệt hại nặng nề bởi những trận mưa lũ lịch sử thời gian vừa qua, thứ nông dân đang cần không chỉ là nhu yếu phẩm mà còn là lúa giống để sản xuất vụ mới và trâu, bò giống, lợn giống, gà giống, vịt giống, cá tôm giống,... để tạo sinh kế lâu dài.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã họp với các đơn vị trực thuộc Bộ về tình hình chuẩn bị hỗ trợ phục hồi sản xuất sau mưa lũ. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung phân bổ hóa chất, có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương tiêu độc, khử trùng môi trường.

Ông Nguyễn Như Cường (Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Trước hết tập trung ở những nơi ô nhiễm cao. Những điểm xung yếu về dịch bệnh như: dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… thì phải có sự tham gia chỉ đạo của lãnh đạo Cục chuyên môn.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải triển khai ngay việc tập huấn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất. Các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trồng vùng nuôi nhằm đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh gây thiệt hại cho nông dân.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Như Cường (Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vừa qua đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp khảo sát và đánh giá thiệt hại do mưa lũ gây ra tại 4 địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Qua khảo sát diện tích rau màu, lúa bị ảnh hưởng khoảng vàn nghìn Hecta, ngoài ra còn một lượng lớn hạt giống đã mọc mầm do bị ngâm trong nước lũ thời gian dài. Nhiều hệ thống đồng ruộng, thủy lợi bị hư hỏng, che lấp bởi đất đá, cây cối do lũ lụt và một phần diện tích cây ăn quả, công nông nghiệp bị hư hỏng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ giống rau màu để các địa phương gieo trồng ngay sau khi lũ rút, đảm bảo không có diện tích đất canh tác bị bỏ hoang. Đặc biệt để chuẩn bị cho vụ Đông Xuân sắp tới các địa phương cần huy động tối đa nhân lực, vật lực để khôi phục diện tích đất canh tác, hệ thống thủy lợi và mọi nguồn lực để cung cấp lúa giống phục vụ sản xuất. Cục trồng trọt cũng đã có báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ lúa giống cho bà con các địa phương theo quy định.

Thông tin từ ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tổng cục đã cử đoàn công tác trực tiếp đến một số địa phương để hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai. Ông Hoài nhấn mạnh, để phòng ngừa và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra trong thời tới cần rà soát đánh giá tác động, ảnh hưởng toàn diện của thiên tai nhất là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất để lồng ghép, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Từ đó xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp theo hướng kết hợp đa mục tiêu.

Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác hơn, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó được hiệu quả. Tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.

Ông Trần Quang Hoài (Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai, đồng thời kiểm soát việc quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng, dân sinh (cả hồ thủy lợi và thủy điện); tiếp tục rà soát, điều chỉnh các Quy trình vận hành liên hồ chứa.

Đồng thời nghiên cứu, đánh giá cụ thể và rà soát xây dựng lại các kịch bản biến đổi khí hậu để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở... đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai.

Hoàng Lan

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giai-bai-toan-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-lu-post105150.html