Giải bài toán kinh tế để báo chí phát triển bền vững!

Hiện tình hình kinh tế của đa phần các cơ quan báo chí Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các nền tảng xuyên biên giới. Việc đi tìm nguồn thu mới được xem là yếu tố bắt buộc với nhiều tờ báo.

Vấn đề cấp bách này sẽ được thảo luận rộng rãi tại Hội nghị Báo chí toàn quốc vào ngày 21/12 tới đây bởi chỉ khi nào giải được bài toán kinh tế, báo chí Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và lành mạnh.

Kinh tế báo chí không chỉ là truyền thông, quảng cáo

Hiện nay, cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện quan (Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam). Cơ quan báo: 127 cơ quan, cơ quan tạp chí: 670 cơ quan; trong đó, có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật. Nhân sự: Tổng nhân sự lĩnh vực báo chí: 42.400 người, trong đó báo in và điện tử 24.000 người.

Theo một khảo sát khác của Bộ Thông tin và Truyền thông với 159 cơ quan báo chí, trong vòng 2 năm qua, doanh thu của các cơ quan này đều giảm, với doanh thu của các đài phát thanh và truyền hình giảm 10% so với năm 2020. Mặc dù có nhiều kỳ vọng về thu nhập từ việc thu phí nội dung báo điện tử, nhưng việc này vẫn cần thời gian để đảm bảo nguồn thu này được bền vững.

Báo chí đã phải đối mặt với nhiều khó khăn như sự cạnh tranh từ các nền tảng truyền thông xuyên biên giới và sự suy giảm doanh thu sau đại dịch Covid-19. Các khó khăn này cũng tạo ra cơ hội để báo chí thay đổi cách thức kinh doanh và quảng cáo. Thay vì chờ đợi doanh nghiệp đến quảng cáo, báo chí đã chủ động tìm đến doanh nghiệp và tạo ra những gói quảng cáo và hợp tác kinh doanh linh hoạt. Bên cạnh quảng cáo truyền thống, báo chí đã khai thác tiềm năng của quảng cáo trực tuyến, quảng cáo đa phương tiện và cả quảng cáo chạy trên các nền tảng di động.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ quan báo chí cần duy trì độc lập và không bị chi phối bởi quảng cáo. Mục tiêu chính của mỗi tòa soạn vẫn là cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy cho công chúng. Quảng cáo chỉ là một phương tiện để tài trợ cho các hoạt động mà không ảnh hưởng đến tính khách quan của nội dung.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thọ Bình – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Điện tử Viettimes cho biết: Thời điểm này, báo chí Việt Nam đang ở trong “thách thức kép”. Một mặt, khó khăn kinh tế khiến các báo tiếp tục vật lộn với tìm kiếm “hợp đồng truyền thông” từ doanh nghiệp – nguồn thu đáng kể của nhiều báo, một mặt khác, cũng giống như thế giới, mạng xã hội có ảnh hưởng ở Việt Nam là Facebook đang từng bước “quay lưng” với báo chí.

Lượng truy cập từ Facebook “dẫn link” – tức là đưa độc giả đến báo điện tử - đang giảm xuống, điều này kéo theo doanh thu từ quảng cáo sẽ tiếp tục đi xuống. Với dự báo kinh tế chung còn khó khăn, không chỉ trong năm nay mà cả năm tới, tình hình kinh doanh từ doanh nghiệp chưa được cải thiện, đồng nghĩa nguồn thu từ hợp đồng truyền thông, hợp đồng quảng cáo vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng. Trong khi đó, trong ngắn hạn, nguồn thu quảng cáo từ mạng xã hội cũng vẫn sẽ khó khăn.

Vậy lối ra như thế nào? Trước khi nói đến lối ra, cần nhìn “sâu” hơn về thách thức kinh doanh của báo chí. Khủng hoảng của báo chí đến từ 2 vấn đề chính: mất đi vị thế “độc quyền” tin tức; và “sụp đổ kênh bán báo”. Trước khi có mạng xã hội; báo chí là “nguồn” phát thông tin độc quyền – không có ai cạnh tranh. Khi có mạng xã hội – vị thế độc quyền đó sụp đổ. Một chính trị gia (như ông Donald Trump chẳng hạn), một nghệ sỹ (như Đen Vâu) – không còn cần đến báo chí để tiếp cận độc giả của mình. Mạng xã hội cho họ một con đường khác để làm điều đó.

Lý do chính thứ 2 là sụp đổ “kênh phân phối” – tức kênh bán báo truyền thống của các tờ báo in. Khi người đọc đổi thói quen, chuyển sang đọc trên internet; các báo cũng dần xây dựng báo điện tử. Nếu với kênh phân phối truyền thống – các sạp báo; thì các báo vẫn bán báo và thu tiền phát hành (bên cạnh nguồn thu chính nữa quảng cáo của doanh nghiệp trên báo).

Nhưng với “kênh phát hành số” – tờ báo không thu được tiền trực tiếp từ độc giả; mà thu gián tiếp qua nguồn tiền quảng cáo. Nhưng kênh phân phối này bị phụ thuộc vào mạng xã hội – phụ thuộc vào mô hình kinh doanh của mạng xã hội. Tính rủi ro của một tờ báo mạng thuần túy như BuzzFeed News – phụ thuộc vào Facebook và sụp đổ, kể trên là ví dụ.

Theo ông Lê Thọ Bình: Với hai căn nguyên như vậy, lối thoát chiến lược của báo chí gồm hai yếu tố chính. Thứ nhất, tìm ra lợi thế cạnh tranh. Không còn độc quyền nữa thì cần cạnh tranh bằng lợi thế riêng: tính tin cậy của thông tin, và chiều sâu của góc nhìn là lợi thế. Thứ hai, tìm ra kênh phân phối mới để bán hàng cho “hàng hóa” của mình: “bán hàng” trực tiếp đến từng tài khoản độc giả (thuật ngữ chuyên môn gọi là thu phí từ độc giả). Đó là hai hướng đi căn cốt, tất nhiên, còn những chiến thuật bổ trợ nữa, ví dụ tận dụng nguồn thu quảng cáo từ hợp tác với các nền tảng mạng xã hội; đa dạng hóa kinh doanh sản phẩm …

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế chính sách đặc thù đối với kinh tế báo chí (như: có chính sách miễn giảm nghĩa vụ tài chính nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí…). Thậm chí, khi xây dựng dự thảo Luật Báo chí năm 2016, Bộ TT&TT từng đưa ra phương án coi cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 8/11/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của cơ quan báo chí thay vì dựa vào quảng cáo thì thêm nguồn thu từ cơ chế đặt hàng, của các cơ quan, của xã hội. Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, cho nên cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động.

Kinh tế báo chí: Cần sửa đổi hoàn thiện pháp luật

Báo cáo của Bộ TT&TT trong buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Thông tin & Truyền thông về “Kinh tế báo chí và việc hoàn thiện pháp luật về báo chí” vào tháng 3/2023 cho thấy hiện có hơn 800 cơ quan báo và tạp chí Trung ương và địa phương, tổng hợp và chuyên ngành với nhân sự khoảng 41.000 người.

Về kinh phí, 39% cơ quan báo, tạp chí tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên; 36% tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 25% được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Cơ cấu nguồn kinh phí của cơ quan báo chí: Đối với báo chí in, báo chí điện tử: NSNN cấp chiếm 23%; Nguồn thu từ dịch vụ chiếm 77%. Đối với các cơ quan phát hành và truyền hình: NSNN cấp chiếm 37,7%, nguồn thu từ dịch vụ chiếm 62,3%.

Các cơ quan báo chí có một số nguồn thu như từ NSNN (hỗ trợ, đặt hàng), Quảng cáo (trực tiếp, gián tiếp), Bán báo (báo giấy), Khai thác kinh doanh sản phẩm phụ, Tài trợ (sự kiện, truyền thông), Đóng góp từ người dùng (báo điện tử). Theo một số cơ quan báo chí, nguồn từ NSNN là khó tiếp cận (chỉ một số cơ quan báo chí được hưởng), quảng cáo đang giảm, bán báo (báo giấy) giảm khá nhanh, khai thác kinh doanh sản phẩm phụ không nhiều, tài trợ khó tăng thêm. Một số cơ quan báo chí hướng đến nguồn thu mới từ bạn đọc báo điện tử (thu phí) nhưng chưa nhiều.

Trong điều kiện phải cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ trên mạng, cố gắng thu hút độc giả trước những thay đổi hành vi của độc giả do công nghệ làm báo mới và phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, báo chí nước ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế do doanh thu quảng cáo báo chí sụt giảm mạnh vì kinh phí quảng cáo chảy vào các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, TikTok… đến 80%. Nguồn thu từ bán báo ngày càng teo nhỏ, nguồn thu từ thu phí báo điện tử chưa đáng kể. Khó khăn càng trầm trọng thêm do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân chủ quan từ nhiều cơ quan báo chí…

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc tạo cơ chế và chính sách cho hoạt động kinh tế báo chí. Hiện chi ngân sách thường xuyên cho báo chí từ chiếm khoảng 0,5% chi thường xuyên của ngân sách. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại khá nhiều vấn đề trong cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ.

Ngày 25/11 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi công văn tới Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong thực hiện quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trao đổi với báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam hồi tháng 6/2023, trong đó các vấn đề liên quan đến cơ chế kinh tế, tài chính là những định hướng quan trọng, giúp báo chí Việt Nam phát triển bền vững hơn, lành mạnh hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam và một số cơ quan báo chí cũng đăng ký làm việc với Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Tựu trung là các khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 60).

Bên cạnh đó là vướng mắc về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Nghị định 32); chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cũng được nhiều đơn vị phản ánh. Tôi cho rằng những kiến nghị của các cơ quan báo chí và đơn vị quản lý nhà nước về báo chí nói chung là có cơ sở.

Tuy nhiên, giải quyết những vấn đề này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của các cơ quan báo chí, của Bộ Tài chính mà còn là của các cơ quan liên quan khác. Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giai-bai-toan-kinh-te-de-bao-chi-phat-trien-ben-vung-post277509.html