Giải bài toán lợi ích khi cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở TP.HCM
Đã xuống cấp với mức độ nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp nhưng tại một số chung cư cũ ở TP.HCM, cư dân vẫn phải sống trong điều kiện tồi tàn.
Sống phập phồng trong chung cư cũ
Căn hộ trên tầng 2 chung cư Nguyễn Công Trứ, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM là nơi sinh sống của gia đình bà T.T.M.L. Chung cư này được xây dựng từ trước năm 1975 và là nơi cư ngụ của 28 hộ dân.
Theo bà L, qua kiểm định của Sở Xây dựng, chung cư Nguyễn Công Trứ đã xuống cấp mức độ nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Tuy vậy, ngoài những hộ được bố trí tạm cư vẫn còn một số hộ chưa biết đi đâu.
Phần lớn kết cấu và các hạng mục từ trong ra ngoài của chung cư Nguyễn Công Trứ hiện đã mục nát, nhiều mảng tường bong tróc, nứt nẻ, ẩm mốc… không còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân.
Ông N.H (cư dân sống tại tầng 4) cho biết, một số căn hộ diện tích chỉ 30 – 40m2 nhưng là nơi sinh sống của 2 – 3 hộ dân. Thậm chí ,có nơi trước đây là nhà vệ sinh nhưng cũng được cải tạo thành căn hộ để ở.
“Mỗi khi trời mưa, mùi hôi thối bốc lên rất kinh khủng. Mặc dù sống ngay trung tâm thành phố hiện đại thế nhưng điều kiện sống của các cư dân nơi đây rất tệ”, bà T.T.H, cư dân sống tại tầng 1 chung cư Nguyễn Công Trứ chia sẻ.
Tương tự, được xếp loại nguy hiểm cần di dời khẩn cấp nhưng tại chung cư Trúc Giang nằm trên đường Lê Văn Linh, Q.4 mới chỉ có 1/10 hộ dân được chuyển đến nơi tạm cư.
Cầm quyết định bố trí tạm cư trên tay, bà T. hồ hởi cho biết, cuối cùng gia đình bà cũng được chuyển đến nơi ở mới. Nhiều năm qua, gia đình bà T. phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ, không biết tòa nhà đổ sập lúc nào.
Tại chung cư Trúc Giang, tình trạng thấm mốc, mùi hôi thối do rò rỉ ống thoát nước diễn ra thường ngày, ảnh hưởng đến sức khỏe cư dân.
Theo một số hộ dân, trong thời gian chờ cải tạo chung cư, họ đăng ký tạm cư nhưng chưa được giải quyết. Không có điều kiện thuê nhà nên những hộ dân vẫn phải tiếp tục sống trong chung cư ngày càng xuống cấp này.
Tuy vẫn chưa đạt mục tiêu như đề ra, nhưng theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2020, Thành phố đã hoàn thành di dời toàn bộ 6/15 chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm (cấp D), với 333 hộ dân.
Di dời dở dang 5 chung cư cũ với 206/560 hộ dân. Bên cạnh đó, TP.HCM hoàn thành tháo dỡ toàn bộ 4 chung cư cũ với quy mô hơn 14.000m2 sàn và lựa chọn được chủ đầu tư cho 11 dự án xây dựng lại chung cư cũ. Hiện chỉ còn 4 chung cư cũ cấp D chưa chọn được chủ đầu tư để xây dựng lại.
Hài hòa lợi ích giữa cư dân và chủ đầu tư
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, kết hợp chỉnh trang khu vực lân cận, vẫn còn nhiều vướng mắc. Tại TP.HCM, khối lượng công việc rất lớn, rất cấp bách, nhất là đối với 474 chung cư cũ (15 chung cư cấp D) được xây dựng trước năm 1975.
Chủ tịch HoREA cho rằng, khó khăn lớn nhất trong cải tạo, xây dựng lại những chung cư cũ không phải cấp D đến từ quy định phải có 100% chủ sở hữu đồng ý tháo dỡ. Chưa có cơ chế, chính sách tái định cư đối với chủ sở hữu chung cư và các hộ ở ghép.
Ngoài ra, giá bán phần diện tích chênh lệch của căn hộ tái định cư với diện tích căn hộ cũ và giá bán căn hộ tái định cư cho hộ ở ghép cũng là vướng mắc khó giải quyết.
Theo ông Châu, ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được, trong lúc cần huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các dự án xây dựng lại chung cư cũ nhưng việc bãi bỏ hình thức đầu tư theo Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) cũng ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc kinh doanh Công ty Tecco Miền Nam cho hay, hầu hết chung cư cũ nằm ở khu vực trung tâm Thành phố, diện tích đất nhỏ và thấp tầng. Những hạn chế về quy hoạch chiều cao và chỉ tiêu dân số là nguyên nhân chính khiến cho doanh nghiệp không mặn mà tham gia.
“Khi xây dựng lại chung cư cũ, ngoài đáp ứng suất tái định cư tại chỗ cho các hộ dân, chủ đầu tư phải cân đối giữa chi phí bỏ ra và phần căn hộ thương mại để bán. Tuy vậy, việc khống chế chiều cao và chỉ tiêu dân số của dự án khiến không ít doanh nghiệp nản lòng”, ông Cường nói.
Trong Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, UBND TP.HCM đánh giá, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn vẫn còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan.
Mặc dù đã có các cơ chế, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ như ban hành tiêu chí điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc tại chung cư cũ và ủy quyền triệt để cho UBND quận huyện giải quyết thủ tục đầu tư, tuy vậy vẫn có nhiều vướng mắc.
Cụ thể, các chung cư có kết quả kiểm định không phải cấp D nhưng đã xuống cấp cần tháo dỡ để xây mới, theo quy định có 2 phương án giải quyết, đó là: Phải có 100% chủ sở hữu đồng ý tháo dỡ, xây dựng mới hoặc triển khai như một dự án đầu tư xây dựng thông thường theo phương thức chỉnh trang đô thị.
Trong khi phương án 1 rất khó đạt được thì phương án 2 lại mất nhiều thời gian để nhận được sự đồng thuận của người dân về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngoài bất cập trong việc bố trí quỹ nhà tạm cư tại khu vực có chung cư cũ, UBND TP.HCM không kêu gọi được nhà đầu tư xây lại chung cư cũ. Bởi phần lớn chung cư cấp D có diện tích đất dưới 1.000m2, nếu xây mới thì quy mô công trình mới không đủ để bố trí tái định cư tại chỗ và thu hồi vốn.
UBND TP.HCM đưa ra giải pháp cần phải mở rộng ranh, trong đó nếu kế cận các khu đất công sản thì có thể thực hiện được.