Giải 'bài toán thế kỷ' bằng Hiệp định hòa bình
Ngày 21.7.1954, Hội nghị Genève kết thúc, thông qua Tuyên bố chung bao gồm những nội dung quan trọng như đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình; tổng tuyển cử thống nhất đất nước và các vấn đề thi hành hiệp định cho toàn Đông Dương.
Kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, song theo Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm, với sự nhạy bén, sáng suốt trong xử lý, Việt Nam đã kiên định nguyên tắc trong Hiệp định Genève là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; quân đội nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam; công việc của Việt Nam phải do chính Nhân dân Việt Nam tự quyết định.
Ta đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong quá trình đàm phán, kiên trì mục tiêu chiến lược, biết nhân nhượng có nguyên tắc để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Về thời điểm đàm phán, ngày 1.5.1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quán triệt: “Ta không đánh giá quá cao Hội nghị Genève nhưng không bỏ lỡ cơ hội, phải tranh thủ làm cho Hội nghị bắt đầu để đi đến những cuộc gặp khác".
Tại Hội nghị, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Phạm Văn Đồng đã trình bày lập trường 8 điểm đòi Pháp phải công nhận chủ quyền, độc lập của Việt Nam trên khắp lãnh thổ Việt Nam và chủ quyền, độc lập của hai nước Lào và Campuchia. Hiệp định Genève đã giải quyết vấn đề Đông Dương theo đúng lập trường của Việt Nam là: kiến lập hòa bình trên cơ sở tôn trọng quyền thống nhất, độc lập, dân chủ của ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trên cơ sở nắm bắt lập trường, ý đồ chiến lược của các nước lớn, Việt Nam đã xử lý mềm dẻo thông qua tiếp xúc, trao đổi thương lượng song phương hoặc đa phương trong quá trình đàm phán tại Hội nghị.
Từ ngày 20.6.1954 trở đi đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, tác động lớn đến chiều hướng vận động của Hội nghị Genève. Trong các cuộc tiếp xúc, Việt Nam đã kiên trì lập trường về vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia, định giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam là vĩ tuyến 13, tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn 6 tháng để thống nhất nước nhà.
Trong 10 ngày cuối của quá trình đàm phán tại Hội nghị, từ ngày 10 - 20.7.1954, hàng loạt vấn đề đặt ra phải thương lượng để đi đến các giải pháp cụ thể. Việt Nam đã tiến hành đàm phán song phương và đa phương với các đoàn Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Anh và đại diện Thủ tướng Ấn Độ.
"Nhìn chung, mỗi bên tham gia đều có cái tối thiểu cần đạt được. Kết quả cuối cùng được thể hiện trong Hiệp định so với giải pháp tám điểm mà ban đầu Việt Nam đưa ra có khoảng cách đáng kể nhưng đây là những khoảng cách và hạn chế không thể tránh khỏi trong thời điểm lịch sử cụ thể. Mỗi lần nhân nhượng, thỏa hiệp Đảng ta đều cân nhắc kỹ, luôn thực hiện phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, luôn giữ đúng mục tiêu...", ông Nguyễn Minh Tâm khẳng định.
"4 điều khoản rất quan trọng"
Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương, đa phương, Hiệp định Genève đã được ký kết. Bên cạnh các nội dung về thỏa thuận chung cho ba nước Đông Dương, có thỏa thuận đối với riêng Việt Nam. Đó là, những điều khoản về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình (ngừng bắn, tập kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ…), những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam (lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự, cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam), những điều khoản chính trị (tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, hiệp thương hai miền…) và những điều khoản quy định việc tổ chức thi hành Hiệp định (Ủy ban kiểm soát liên hợp, Ủy ban giám sát quốc tế trung lập).
GS.TS. Hà Minh Hồng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đánh giá: "Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương gồm 6 chương, 47 điều, trong đó có 4 điều khoản rất quan trọng, được coi như những bài toán khó của thế kỷ, chưa có tiền lệ, buộc Việt Nam phải giải quyết".
Cụ thể, Điều 1 tập trung trước hết vào việc đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, quy định: “Một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định rõ, để lực lượng của hai bên, sau khi rút lui, sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy”. "Là một trong 4 trường hợp bị chia cắt lãnh thổ lúc bấy giờ, Việt Nam nêu cao ý chí thống nhất nước nhà là con đường sống của Nhân dân ta và thực hiện đường lối hòa bình thống nhất nước nhà. Để sau đó, thắng lợi mùa Xuân 1975 gạt bỏ hết những cản trở trên con đường hòa bình, hai miền Nam Bắc tiến hành Hội nghị Hiệp thương tại Sài Gòn, mở đường cho hòa bình, thống nhất nước nhà về mặt nhà nước", GS.TS. Hà Minh Hồng nhận định.
Điều 4 ghi rõ: “Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển".
Điều 19: “Cấm không được lập một căn cứ quân sự ngoại quốc nào trong vùng tập hợp của đôi bên; hai bên cam đoan rằng vùng thuộc về họ không gia nhập một liên minh quân sự nào và không bị sử dụng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược”.
Điều 27 quy định: “Những người ký hiệp định này và những người kế tiếp nhiệm vụ của họ sẽ có nhiệm vụ bảo đảm sự tôn trọng việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định này”.
Ngay khi Hiệp định Genève được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi ngày 22.7.1954 đã thông tin: “Hội nghị Genève đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to” và xác định: “Từ nay, chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng tư lệnh vừa đánh thắng trận Điện Biên Phủ, trong báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 4 ngày 20.3.1955 đã phân tích rõ nội dung Hiệp định Genève. Hiệp định quy định “những điều khoản cần thiết để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình”, “những điều khoản cần thiết để củng cố hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh trở lại, ngăn ngừa một cuộc chuẩn bị chiến tranh mới”, “những điều khoản cần thiết để giải quyết các vấn đề chính trị căn bản” về thực hiện độc lập và thống nhất của ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào.