Giải bài toán thiếu giáo viên chuyên biệt

Nhiều địa phương cho rằng tình trạng thiếu giáo viên chuyên biệt một phần do lương và các chế độ ưu đãi chưa tương xứng.

Học sinh Trường Tiểu học Tát Ngà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Nguyễn Lâm

Học sinh Trường Tiểu học Tát Ngà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Nguyễn Lâm

Năm học 2024 - 2025 cận kề nhưng tình trạng thiếu giáo viên ở một số bộ môn chuyên biệt như: Tin học, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc vẫn chưa được cải thiện. Nhiều địa phương cho rằng, thực trạng này một phần do lương và các chế độ ưu đãi chưa tương xứng.

Huy động giáo viên “tay ngang”

Kể từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) luôn trong tình trạng thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc. Trưởng phòng GD&ĐT Bùi Văn Thư cho biết, mấy năm nay, huyện thông báo tuyển dụng và kêu gọi những người đã tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm hoặc chuyên ngành phù hợp ký kết hợp đồng giảng dạy nhưng không có người ứng tuyển.

Nằm trong tình cảnh trên, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, Hà Giang) chưa tuyển được giáo viên Tin học. Thầy Hiệu trưởng Cao Duy Chương phân trần, thiếu giáo viên nên ban giám hiệu phải luân phiên đứng lớp. “Tôi đảm nhiệm dạy môn Tin học cho học sinh lớp 3, lớp 4. Nhà trường cũng điều động một giáo viên khác dạy bộ môn này”, thầy Cao Duy Chương chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Máng cho hay, trừ Tiếng Anh, các bộ môn chuyên biệt khác phải huy động, cắt cử giáo viên “tay ngang”. Môn Tiếng Anh vẫn được hệ thống Trường Marie Curi (Hà Nội) hỗ trợ dạy trực tuyến.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, năm học 2024 - 2025, toàn ngành Giáo dục thiếu hơn 2.000 giáo viên; tập trung nhiều ở một số môn học như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân trần, mỗi khi kết thúc năm học, số lượng giáo viên có biến động khá lớn. Một phần do giáo viên chuyển về xuôi công tác.

“Thiếu giáo viên gây áp lực lớn đối với thầy cô do phải dạy tăng giờ, liên cấp, liên trường”, ông Vừ A Bằng nhìn nhận và cho biết, địa phương còn thiếu khá nhiều, nhất là nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, một số phòng học đã xuống cấp cần được thay thế. Chế độ chính sách dành cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên còn nhiều bất cập. Đời sống của đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn khó khăn.

 Thầy Cao Duy Chương hướng dẫn học sinh thực hành Tin học. Ảnh: Facebook nhân vật

Thầy Cao Duy Chương hướng dẫn học sinh thực hành Tin học. Ảnh: Facebook nhân vật

Chính sách chưa hấp dẫn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, đây là vấn đề chung của các tỉnh vùng cao khi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Trong bối cảnh thiếu thốn nguồn tuyển, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như: Đưa con em tại địa phương đi học cử tuyển các ngành đào tạo sư phạm. Tuy vậy, số lượng cử tuyển còn hạn chế. Một phần vì chính sách cử tuyển chưa hấp dẫn, thiếu cơ chế đặc thù cho việc tuyển dụng giáo viên hệ cử tuyển vào làm việc tại các cơ sở giáo dục. Hiện, tỉnh có khoảng 45 sinh viên cử tuyển ngành Sư phạm Ngoại ngữ.

Dù điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nguồn tuyển không ít nhưng bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay, địa phương vẫn thiếu giáo viên, nhất là ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Vấn đề nằm ở lương nhà giáo.

Với điều kiện mặt bằng lương trung bình của thành phố như hiện nay thì mức lương chi trả cho giáo viên tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc còn thấp nên khó thu hút học sinh vào ngành Sư phạm. Trong khi thành phố không thể đề xuất HĐND có cơ chế đặc thù tương tự như áp dụng với giáo viên mầm non.

Để tháo gỡ khó khăn, bà Trần Thị Diệu Thúy kiến nghị, cần có cơ chế về tài chính để các địa phương có thể tuyển dụng được giáo viên tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc. Ngoài ra, cho phép các địa phương xây dựng chính sách đặc thù tuyển dụng giáo viên một số môn học chuyên biệt nêu trên. “Với mặt bằng lương hiện nay, không thể tuyển được giáo viên các bộ môn này”, bà Thúy nhận định.

Tương tự, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, quy mô giáo dục tăng mỗi năm. So với yêu cầu nhiệm vụ và định mức thì số biên chế còn thiếu. Vì thế, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, đánh giá lại định mức biên chế giáo dục, đặc biệt ở một số môn học như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học. Ngoài ra, Chính phủ cùng các bộ ngành chỉ đạo rõ hơn về trách nhiệm từng đơn vị, địa phương trong công tác quản lý Nhà nước đối với cơ sở giáo dục này để phù hợp thực tiễn.

Từ thực trạng trên, ông Vừ A Bằng kiến nghị không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như Điện Biên. Đặc biệt, cần bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này.

Bên cạnh đó, cần giao tăng chỉ tiêu cho trường sư phạm đào tạo giáo viên một số môn chuyên biệt như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương. Mặt khác, cho phép kéo dài thời gian hưởng các chính sách hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn khi các xã này được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng đề xuất áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Có cơ chế hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên. Hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, như: Tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa. Đặc biệt, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo.

Trên phương diện đào tạo, cung cấp nguồn tuyển, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thông tin, các trường đại học sư phạm đã mở ngành đào tạo và thực hiện bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018. Qua đó, góp phần cung cấp giáo viên cho các địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn về thừa thiếu giáo viên cục bộ. Tuy nhiên, quá trình đào tạo cần có thời gian mới có thể cung cấp đủ nguồn tuyển cho các tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, tập trung nhiều ở các môn học như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là sức hút vào ngành hạn chế, tình trạng giáo viên nghỉ việc cao, nguồn tuyển các môn đặc thù thiếu, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm và số học sinh tăng trong khi công tác quy hoạch, dự báo chưa theo kịp thực tế.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-bai-toan-thieu-giao-vien-chuyen-biet-post698440.html