Giải bài toán thiếu giáo viên từ đột phá chính sách
Giải quyết cơ bản bài toán thiếu giáo viên nhìn từ tỉnh Hậu Giang...

Thầy Huỳnh Thăng - giáo viên Tin học Trường Tiểu học Vĩnh Trung 2, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) được tuyển dụng theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Ảnh: Q.A
Sau 3 năm triển khai chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, tỉnh Hậu Giang cơ bản giải quyết được bài toán thiếu giáo viên.
Niềm vui của giáo viên
Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài nhiều năm tại Trường THCS Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp), đặc biệt ở bộ môn Tiếng Anh. Dù nhà trường liên tục tổ chức tuyển dụng, nhưng vẫn không tìm được ứng viên phù hợp. Để đảm bảo chương trình giảng dạy, giáo viên phải dạy tăng tiết, vừa tạo áp lực công việc vừa làm tăng chi phí cho trường.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 12/2022/NQ-HĐND (Nghị quyết 12), tình hình có chuyển biến tích cực khi nhà trường tuyển được 1 giáo viên tiếng Anh mới. Thầy Trình Hữu Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trước đây, toàn trường có 14 lớp với hơn 540 học sinh nhưng chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, khiến việc phân công giảng dạy nhiều khó khăn. Nhờ chính sách hỗ trợ, chúng tôi đã tuyển thêm được giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và giúp giáo viên yên tâm công tác lâu dài”.
Không chỉ Trường THCS Hiệp Hưng, chính sách thu hút giáo viên còn phát huy hiệu quả tại Trường Tiểu học Vĩnh Trung 2 (huyện Vị Thủy). Thầy Huỳnh Thăng - giáo viên môn Tin học, nhận định, Nghị quyết số 12 trở thành động lực lớn giúp nhiều giáo viên trẻ quay về quê hương công tác. “Nhiều người đam mê nghề sư phạm nhưng lo ngại về cơ hội việc làm, đặc biệt các bộ môn ít được tuyển dụng. Chính sách thu hút của tỉnh thể hiện sự quan tâm đến giáo dục, mở ra cơ hội để các giáo viên trẻ như tôi được cống hiến tại quê nhà”, thầy Thăng chia sẻ.
Không chỉ hỗ trợ giáo viên trẻ, chính sách này còn giúp những giáo viên giàu kinh nghiệm có cơ hội tiếp tục sự nghiệp giảng dạy. Cô Trần Thị Thu Tâm - giáo viên môn Âm nhạc tại Trường THCS Nguyễn Du (TP Ngã Bảy) từng phải nghỉ dạy do hoàn cảnh gia đình. Nhờ chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng khi cam kết giảng dạy tại Hậu Giang trong 5 năm, cô đã có thể trở lại với nghề.
“Ban đầu, tôi lo lắng khi phải bắt đầu lại sự nghiệp ở một nơi mới. Nhưng nhờ chính sách hỗ trợ, tôi có thêm động lực và điều kiện để tiếp tục giảng dạy. Thậm chí, tôi đã mua được một chiếc xe máy mới để thuận tiện di chuyển giữa nhà và trường học”, cô Tâm bộc bạch.

Chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng/giáo viên được tuyển dụng giúp đội ngũ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nhà trường.
Hiệu quả rõ rệt
Sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết 12 đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Nhiều địa phương trước đây khó khăn trong tuyển dụng giáo viên các môn đặc thù thì nay đã có giải pháp khắc phục. Ngành Giáo dục Hậu Giang đã thu hút được 75 giáo viên theo chính sách này, gồm 31 giáo viên môn Tiếng Anh, 28 giáo viên Tin học, 6 giáo viên Mỹ thuật và 10 giáo viên Âm nhạc.
Ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ, huyện tuyển được 13 giáo viên, bao gồm 3 giáo viên âm nhạc, 4 giáo viên Tin học và 6 giáo viên tiếng Anh. “Dù chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu, nhưng đây là kết quả đáng mừng, bởi trước khi có nghị quyết, giáo viên các môn học này luôn trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và không có nguồn tuyển dụng”, ông Dũng nói.
Nghị quyết số 12 đã tạo điều kiện thu hút đội ngũ giáo viên các bộ môn đang thiếu. Nhiều giáo viên mới trúng tuyển phấn khởi và mong muốn gắn bó lâu dài với ngành Giáo dục của tỉnh. Bà Trần Thị Huyền - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang thông tin và đưa ra nhận định, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 12 đã góp phần quan trọng trong giải quyết bài toán thiếu giáo viên tại Hậu Giang.
Chính sách này không chỉ giúp các trường học bổ sung nguồn nhân lực cần thiết mà còn tạo điều kiện để giáo viên an tâm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy. Đây cũng là mô hình mà các địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể áp dụng để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Còn những thách thức
Dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng việc thực hiện Nghị quyết 12 tại Hậu Giang còn khó khăn. Một số giáo viên sau khi trúng tuyển lại quyết định bỏ việc vì mức hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn để giữ chân họ trong thời gian dài. Ngoài ra, chênh lệch giữa giáo viên mới trúng tuyển được hưởng chế độ hỗ trợ và giáo viên khác không thuộc diện này cũng tạo ra vấn đề trong môi trường làm việc.
Những khó khăn này cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu Hậu Giang có Nghị quyết 12 nhằm khuyến khích, động viên và thu hút giáo viên, thì nhiều địa phương khác trong khu vực lại gặp khó trong việc triển khai chính sách tương tự.
Cụ thể, đại diện Sở GD&ĐT An Giang cho biết, hiện tỉnh chưa thể triển khai chính sách hỗ trợ giáo viên theo chế độ đặc thù do chưa có ngân sách. Vì vậy, các bộ môn đặc thù như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất vẫn rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.
Tương tự, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ dù mong muốn áp dụng những chính sách thu hút giáo viên, nhưng tỉnh chưa thể triển khai do thiếu nguồn ngân sách. Để giáo viên các môn đặc thù có thể gắn bó lâu dài với trường học, cần có chế độ đãi ngộ tốt hơn đi kèm với nguồn kinh phí ổn định.
Để giải bài toán thiếu giáo viên từ chính sách hiệu quả hơn nữa, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang đề xuất trong thời gian tới, cần mở rộng chính sách thu hút đối với giáo viên nhiều cấp học hơn, không chỉ giới hạn ở các môn đặc thù.
Bên cạnh đó, chính quyền cùng ngành Giáo dục các địa phương cần chung tay, xem xét, bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ dài hạn, như trợ cấp nhà ở, phụ cấp đi lại hoặc tăng cường cơ hội đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên.
Tháng 7/2022, HĐND tỉnh Hậu Giang ban hành Nghị quyết 12/2022/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.
Chính sách này quy định mức hỗ trợ 50 triệu đồng cho mỗi giáo viên được tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ địa phương khác về giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Điều kiện để nhận hỗ trợ là giáo viên phải cam kết công tác trong thời gian tối thiểu 5 năm kể từ ngày tuyển dụng hoặc chuyển công tác.