Giải bài toán thiếu kịch bản phim truyện điện ảnh
Cục Điện ảnh mới đây vừa phát động cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020, nhằm gỡ thế bí cho công việc của nhiều đơn vị làm phim đang có xu hướng sử dụng kịch bản nước ngoài nhiều hơn là kịch bản trong nước. Thiếu kịch bản phim đang là một vấn đề nan giải dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực trong ngành điện ảnh.
Cục Điện ảnh mới đây vừa phát động cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020, nhằm gỡ thế bí cho công việc của nhiều đơn vị làm phim đang có xu hướng sử dụng kịch bản nước ngoài nhiều hơn là kịch bản trong nước. Thiếu kịch bản phim đang là một vấn đề nan giải dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực trong ngành điện ảnh.
Kịch bản là yếu tố then chốt đầu tiên để tạo nên một bộ phim, dù là phim điện ảnh hay phim truyền hình. Công tác tìm kiếm kịch bản hay, phù hợp luôn được các nhà sản xuất quan tâm kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư làm một bộ phim. Tuy nhiên vài ba năm trở lại đây, điện ảnh trong nước chứng kiến sự khan hiếm kịch bản chưa từng thấy. Trung bình mỗi năm ngành điện ảnh sản xuất từ 30 đến 40 phim truyện. Nhưng nếu nhìn vào danh sách phim sản xuất gần đây, có thể thấy phần nhiều trong số đó là những phim sử dụng lại kịch bản của nước ngoài, Việt hóa cho phù hợp với khán giả Việt Nam. Số lượng phim được làm từ kịch bản của các nhà biên kịch trong nước, lấy bối cảnh gốc là văn hóa và con người Việt Nam rất ít, lép vế hoàn toàn so với phim có kịch bản nước ngoài. Lĩnh vực phim truyền hình, càng thấy rõ điều này. Những phim hiện đang làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ phần lớn được sử dụng kịch bản nước ngoài được Việt hóa.
Muốn có kịch bản hay phải có đội ngũ các nhà biên kịch giỏi. Nhưng hiện nay đội ngũ biên kịch rất thưa vắng, ít về số lượng, yếu về chất lượng chuyên môn. Công tác đào tạo đội ngũ biên kịch còn nhiều bất cập. Chỉ một số trường sân khấu điện ảnh có tuyển sinh các khóa đào tạo biên kịch nhưng số lượng học viên không nhiều, đào tạo vẫn là theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” với giáo trình cũ, ít tính thực tiễn, không gắn kết công việc của người biên kịch với công việc làm phim hiện đại. Vì vậy, những người học xong ngành biên kịch ra trường thường loay hoay, không biết bắt đầu làm nghề như thế nào trong một nền điện ảnh thị trường đòi hỏi phải có khả năng thích ứng nhanh nhạy. Một số tác giả biên kịch lâu năm đã quen tên quen mặt nhưng do không được đào tạo bài bản, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới nên đang dần lạc hậu, cả trong cách phản ánh, nắm bắt hiện thực cuộc sống lẫn cách viết, cách đặt vấn đề cho phù hợp lối tư duy làm phim chuyên nghiệp, hiện đại. Kịch bản của họ viết ra khó vượt được thẩm định của các đơn vị sản xuất, các đạo diễn.
Việc thiếu kịch bản làm phim còn có một nguyên nhân khác xuất phát từ tâm lý của người biên kịch do công tác kiểm duyệt vẫn còn bất cập, thường hay gây ra những tranh luận trái chiều khiến cho không ít nhà biên kịch thấy nản. Đây cũng là lý do mà ngày càng ít tác giả gắn bó lâu dài với việc viết kịch bản phim. Một số người theo nghề thì lại tự bó hẹp mình vì lo sợ kịch bản không được kiểm duyệt dẫn đến chất lượng kịch bản không hay.
Ngành điện ảnh đang thiếu một chiến lược đầu tư bài bản cho quá trình sáng tác kịch bản, vốn là công việc đầu tiên, có ảnh hưởng quan trọng đến nền công nghiệp sản xuất phim. Một cuộc thi sáng tác chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, cần thiết nhưng chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề thiếu kịch bản phim hiện nay. Muốn đồng bộ hóa công việc làm phim, phù hợp với xu hướng chung của điện ảnh quốc tế, không thể bỏ qua công tác đào tạo nhân lực, cụ thể là đào tạo đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp. Ngày nay, một người biên kịch không chỉ là viết nội dung kịch bản đơn thuần, mà họ phải có kiến thức sâu sắc về điện ảnh, về các công nghệ, kỹ thuật làm phim hiện đại. Có như vậy, kịch bản họ viết ra mới có tiếng nói chung với đạo diễn cũng như nhà sản xuất. Vấn đề kiểm duyệt kịch bản cần thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người làm nghề được phát huy khả năng của mình. Khó có thể xây dựng một nền điện ảnh “tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” nếu chỉ chăm chăm làm phim bằng kịch bản nước ngoài mà thiếu đi những câu chuyện cảm động xuất phát từ căn cốt đời sống, văn hóa của người Việt, dưới ngòi bút của những nhà biên kịch Việt.