Giải 'bài toán' thiếu lao động biển - Bài 3: Tìm hướng đào tạo nghề cho lao động biển

Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, hỗ trợ nhiên liệu, đào tạo tập huấn thuyền trưởng, máy trưởng… Tuy nhiên, cùng với những hạn chế do đánh bắt theo kinh nghiệm, tình trạng thiếu hụt lao động biển, đặc biệt là lao động có trình độ kỹ thuật, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác thủy, hải sản trên biển.

Khi nói về tầm quan trọng của việc đào tạo nghề cho lao động biển, ngư dân Nguyễn Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ BKS QT 96969TS ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết, mặc dù đã gắn bó gần 20 năm với nghề biển nhưng chủ yếu là từ kinh nghiệm đúc rút, chứ không được đào tạo bài bản.

Được đào tạo nghề giúp ngư dân tự tin vươn khơi - Ảnh: L.A

Được đào tạo nghề giúp ngư dân tự tin vươn khơi - Ảnh: L.A

Do vậy, năm 2016, sau khi đóng xong con tàu vỏ thép công suất hơn 820 CV làm nghề lưới vây, anh Tuấn đã quyết tâm theo học lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng II do Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Thủy sản Nha Trang) tổ chức. Anh Tuấn cho hay, tham gia khóa đào tạo anh và các học viên của lớp đã được học hỏi, mở mang nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích; nắm vững kỹ năng điều khiển tàu vỏ thép cũng như sử dụng các trang thiết bị hiện đại trên tàu, giúp đánh bắt hiệu quả hơn.

“Hiện nay tàu cá nào cũng được trang bị máy dò đứng, máy dò ngang, dò chụp, ra đa hàng hải… Nếu thuyền trưởng không nắm vững cách sử dụng thì sản lượng đánh bắt sẽ không cao, thậm chí không đủ chi phí cho chuyến biển”, anh Tuấn nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt, huyện Gio Linh Trần Thanh Hải thì để chủ động nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được các yêu cầu làm việc trên biển thì về lâu dài, các ngành, địa phương cần chú trọng đào tạo những người trong độ tuổi lao động có nhu cầu tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện các kỹ năng.

Bởi những người làm nghề biển cần có kỹ năng tồn tại trên biển, khả năng chịu sóng gió khi gặp thời tiết xấu, kỹ năng tay nghề đối với từng loại nghề biển như lưới vây rút chì, rê bùng nhùng, chụp mực… Các khóa đào tạo này cần có sự tham gia của các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên có kinh nghiệm để phổ biến kinh nghiệm cho lao động biển.

Người lao động phải được ký hợp đồng lao động với chủ phương tiện để được đảm bảo các quyền lợi theo quy định. Phải xem lao động trên biển là một nghề đặc thù, cần tuyển đúng người đủ sức khỏe, được đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Thặng cho biết, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có trên 2.300 tàu, thuyền với tổng số lao động trên tàu, thuyền là hơn 7.000 lao động, cùng hàng nghìn lao động ven biển làm việc theo thời vụ.

Nhằm đảm bảo các quy định của Luật Thủy sản 2017 cũng như nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy, hải sản, hằng năm Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị như Trung tâm Đăng kiểm và Tư vấn nghề cá (Trường Trung học kỹ thuật thủy sản I Hải Phòng), Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Thủy sản Nha Trang), Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa mời giảng viên về tại địa phương để đào tạo cho ngư dân trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là thuyền trưởng, máy trưởng và thợ máy tàu cá.

Theo giáo trình giảng dạy, ngư dân được trang bị kiến thức về kỹ năng lái tàu, nhất là tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; tìm kiếm ngư trường khai thác; cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố; phương pháp cứu hộ, cứu nạn trên biển; bảo quản hải sản an toàn. Đặc biệt, ngư dân còn được cung cấp những kiến thức cơ bản về Luật Biển, Luật Thủy sản 2017, các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đến nay, toàn bộ 476 thuyền trưởng trên khối tàu có chiều dài từ 12 m trở lên đã cấp chứng chỉ thuyền trưởng; 420 người/476 tàu có chứng chỉ máy trưởng (đạt tỉ lệ 88%).

Điều đáng mừng là sau khóa học, hầu hết ngư dân được đào tạo đã vận dụng kiến thức vào đánh bắt thủy, hải sản, vận hành tàu cá đạt hiệu quả cao. Không còn lệ thuộc nhiều vào đất liền khi tàu cá gặp sự cố máy móc. Sử dụng thành thạo các trang thiết bị trên tàu cá để tìm kiếm ngư trường, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, bảo quản hải sản đúng kỹ thuật… nên hiệu quả kinh tế chuyến biển được nâng lên…

Lực lượng chức năng kiểm tra chứng chỉ thuyền viên trên tàu cá trước khi ra khơi - Ảnh: L.A

Lực lượng chức năng kiểm tra chứng chỉ thuyền viên trên tàu cá trước khi ra khơi - Ảnh: L.A

“Khi tay nghề của lực lượng lao động biển được nâng lên, ngư dân sẽ sử dụng và vận hành hiệu quả tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại, chấp hành tốt các chủ trương của Nhà nước.

Không những thế, sự hiện diện của tàu đánh bắt xa bờ trên các vùng biển xa còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. ”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh khẳng định.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng cần tận dụng “cơ hội vàng” để huy động nguồn lực đầu tư đào tạo nghề cho lao động biển trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển đạt 65 – 70% GDP cả nước.

Trong đó, hoạt động khai thác thủy, hải sản được tổ chức lại theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Một nguồn đào tạo khác là Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” cũng là cơ hội nữa cho ngư dân được tham gia học nghề…

Nghề biển là ngành nghề đặc thù vừa tham gia phát triển kinh tế vừa góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển, nên các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư nguồn lực đào tạo lao động biển.

Để từng bước cải thiện việc đánh bắt thủy, hải sản phụ vào kinh nghiệm, kỹ năng, truyền thống của từng địa phương dẫn đến trình độ của ngư dân bị hạn chế; phương tiện, công nghệ khai thác và bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu trong khai thác đánh bắt hiện đại, hiệu quả đạt thấp.

Về lâu dài, cần có chính sách giảm bớt số lượng tàu thuyền, đặc biệt là nghề cá ven bờ; đào tạo chuyên môn hóa, ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại… giảm bớt sức người để giải quyết tình trạng thiếu lao động biển như hiện nay.

Lê An - Hải An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giai-bai-toan-thieu-lao-dong-bien-nbsp-bai-3-tim-huong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-bien-173022.htm