Giải bài toán thiếu năng lượng

Nhiều nước đang tìm biện pháp đối phó nguy cơ thiếu hụt năng lượng, trong bối cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu sau khi hứng chịu hàng loạt lệnh cấm vận khắc nghiệt.

Người dân Mỹ tích trữ xăng dầu do lo ngại giá nhiên liệu còn tăng cao. Ảnh: USA TODAY

Người dân Mỹ tích trữ xăng dầu do lo ngại giá nhiên liệu còn tăng cao. Ảnh: USA TODAY

Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh, việc áp đặt cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho thị trường toàn cầu. Ông Novak đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh phương Tây dồn dập áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó có việc ngừng nhập khẩu dầu khí của Moscow. Theo Phó Thủ tướng Nga, việc cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga có thể dẫn tới những hậu quả khủng khiếp đối với thị trường toàn cầu, theo đó giá dầu sẽ phi mã không thể dự đoán, có thể lên đến 300 USD/thùng. Ông Novak cho rằng, thị trường châu Âu không thể nhanh chóng tìm được nguồn cung thay thế dầu khí của Nga. Việc các nước phương Tây cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga khiến thị trường toàn cầu bất ổn và gây tổn hại lớn cho người tiêu dùng.

Giá xăng dầu trên thị trường thế giới thời gian qua tăng vọt. Sau khi tăng lên mốc gần 140 USD/thùng vào tuần trước (mức cao nhất trong gần 14 năm) do những quan ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, giá dầu đã có nhịp giảm mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 15/3, lần đầu tiên trong ba tuần qua, giá dầu xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng. Nhà phân tích năng lượng thuộc Comerzbank Research, ông Carsten Fritsch cho biết, triển vọng về một lệnh ngừng bắn tại Ukraine là yếu tố tác động khiến dầu mỏ và khí đốt giảm giá ở thời điểm này.

Đối phó giá năng lượng phi mã

Các Bộ trưởng Năng lượng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí nỗ lực giảm phụ thuộc nguồn cung năng lượng của Nga. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết, các bộ trưởng G7 cũng chung quan điểm cần đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Trong khi đó, các công ty dầu mỏ và khí đốt Engie, TotalEnergies và Gaz de France của Pháp họp tìm kiếm lời giải cho bài toán không còn nguồn cung khí đốt từ Nga. Theo đó, “đất nước hình lục lăng” đang nỗ lực dự trữ khí đốt bằng việc đa dạng hóa nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nhật Bản, Ai Cập, Qatar, Mỹ, Australia và các nước châu Á. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cảnh báo các nguồn cung bổ sung nói trên là không đủ, do đó các doanh nghiệp và người dân cần sử dụng khí đốt một cách tiết kiệm.

Tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với giá năng lượng đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU nhất trí cần loại bỏ phụ thuộc nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào Nga sẽ chưa thể trong một sớm một chiều, do đó các nước thành viên EU đang triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu khả năng gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh Grant Shapps cho biết, London sẽ đẩy mạnh sản xuất dầu mỏ và khí đốt nhằm giảm tác động tiêu cực của lệnh cấm nhập khẩu dầu khí từ Nga. Bộ trưởng Shapps nhấn mạnh, Anh không mua quá nhiều dầu mỏ và khí đốt từ Nga, nên London có thể tăng cường tự sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước.

Để đối phó nguy cơ thiếu khí đốt vào mùa đông cũng như phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Đức chi 1,5 tỷ euro (1,67 tỷ USD) để mua khí đốt dự trữ. Việc thanh toán mua lượng khí đốt dự trữ này được tiến hành nhanh chóng và không cần thông qua Ủy ban Ngân sách Quốc hội theo thông lệ. Ngoài ra, Đức cũng đặt mục tiêu sản xuất điện hoàn toàn từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2035.

Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến thế giới hứng chịu giá năng lượng “phi mã”, đẩy nhiều quốc gia vào tình thế thiếu nguồn cung xăng, dầu và khí đốt. Vì thế, giải bài toán giá xăng dầu tăng cao là điều không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.

MINH KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-quocte/giai-bai-toan-thieu-nang-luong-689537/