Giải 'bài toán' thu kinh phí công đoàn

Thu kinh phí công đoàn để tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động. Trong ảnh: Người lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Concept (KCN Hòa Hiệp). Ảnh: PV

Tài chính công đoàn là điều kiện, là công cụ phục vụ đắc lực cho các hoạt động của tổ chức công đoàn. Chính vì vậy, thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp công đoàn.

Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác thu KPCĐ của nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tích cực và chủ động

Theo quy định, tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) đều thuộc đối tượng bắt buộc nộp KPCĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.000 DN khu vực kinh tế ngoài nhà nước đủ điều kiện thành lập CĐCS (có từ 15 lao động trở lên), nhưng chỉ mới có khoảng 10% doanh nghiệp trích nộp KPCĐ, số còn lại không nộp hoặc chậm nộp, nộp không đầy đủ KPCĐ theo quy định.

Bà Trình Thị Tuyết Trinh, Phó Trưởng Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Hiện nay, trong khi nhiều DN nghiêm túc trích nộp KPCĐ thì vẫn còn một số DN né tránh, chây ỳ trách nhiệm này. Trước thực trạng đó, để thực hiện có hiệu quả và chủ động trong việc thu KPCĐ, LĐLĐ tỉnh đã phân cấp thu KPCĐ cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trên cơ sở thông tin của cơ quan thuế, BHXH cung cấp, công đoàn cấp trên cơ sở chủ động rà soát, xác định số kinh phí phải thu và ra văn bản gửi thông báo cho DN”. Theo bà Trinh, vấn đề thu KPCĐ đối với DN ngoài nhà nước chưa có tổ chức công đoàn vẫn là một bài toán khó. Vì nhiều DN cố tình chây ì không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nghĩa vụ trích nộp.

Để tháo gỡ những khó khăn trong việc thu KPCĐ, góp phần chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho NLĐ, ông Tô Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, cho hay: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với CĐCS để làm tốt công tác tuyên truyền tới DN thực hiện việc trích nộp 2% KPCĐ theo Nghị định 191 của Chính phủ; quy định xử phạt vi phạm về đóng KPCĐ. Để sự phối hợp có hiệu quả thì cơ quan thuế và công đoàn thường xuyên trao đổi thông tin, trong đó có đánh giá, phân loại các DN đã chấp hành, số DN chậm trích nộp, số DN chưa trích nộp để có căn cứ nhắc nhở, đôn đốc. Hơn nữa chúng tôi đã tập trung tuyên truyền đến chủ DN bằng nhiều hình thức, để họ hiểu luật, từ đó chấp hành việc đóng KPCĐ đầy đủ.

Bà Lê Thị Kim Tuyền, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Harry& cho hay: “Xác định trích nộp KPCĐ là trách nhiệm và nghĩa vụ cần thiết, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ nên công ty luôn nghiêm túc thực hiện. Nhân các dịp lễ, Tết, công ty đều tổ chức liên hoan, tặng quà, thưởng... cho công nhân, lao động. Nhờ biết quan tâm, chăm lo đời sống NLĐ nên họ gắn bó lâu dài với công ty, năng suất, hiệu quả công việc nâng lên, đồng nghĩa với hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận DN tăng”.

Cần có giải pháp căn cơ

Theo LĐLĐ tỉnh, một số DN mặc dù đã được các cấp công đoàn tuyên truyền, vận động, đôn đốc nhiều lần nhưng trốn tránh trách nhiệm, nộp chậm hoặc nộp không đủ theo quy định. Nguyên nhân mấu chốt được xác định là do các DN quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình, sản xuất, kinh doanh không ổn định; thậm chí có DN chỉ có tên, còn địa điểm và hoạt động sản xuất, kinh doanh không rõ ràng nên tổ chức công đoàn, cán bộ thuế gặp khó khăn trong việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động, đôn đốc trích nộp KPCĐ gắn với phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, đóng BHXH cho NLĐ.

“Nhiều DN ý thức chấp hành Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn chưa tốt. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách ở các huyện, thành phố mỏng (chỉ có 2-3 cán bộ), công tác phối hợp với cán bộ thuế, cán bộ cơ quan BHXH tại đơn vị có nơi chưa chặt chẽ, thường xuyên. Công tác tuyên truyền, vận động, đôn đốc của các cấp công đoàn có mặt hạn chế, chưa sâu sát DN”, Chủ tịch LĐLĐ TP Tuy Hòa Nguyễn Thành Đông cho hay.

Trao đổi về giải pháp khắc phục những hạn chế trong việc thu KPCĐ trong các DN ngoài nhà nước, góp phần tập hợp NLĐ tham gia vào tổ chức công đoàn, chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho NLĐ, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Quốc Thắng nhấn mạnh: “Với phương châm “Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp”, các cấp công đoàn cần tăng cường tuyên truyền, vận động để DN hiểu, chấp hành tốt hơn quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn; gắn tuyên truyền công tác thu KPCĐ với đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, việc đóng BHXH cho NLĐ. Từ đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN; quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ”.

Để giải quyết những khó khăn trong việc thu KPCĐ, thời gian đến, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan mở các hội nghị tuyên truyền nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho DN, nhất là chủ DN; tăng cường kiểm tra, đôn đốc DN trong thực hiện pháp luật thuế, Luật BHXH, Luật Lao động; trích nộp KPCĐ theo quy định; phát hiện, xử lý nghiêm các DN vi phạm. Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, DN thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan đến chế độ chính sách cho NLĐ. Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn cần bám sát DN, phải hết sức mềm dẻo nhưng cũng phải cương quyết trong việc thực hiện thu KPCĐ.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Quốc Thắng

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/248208/giai--bai-toan--thu-kinh-phi-cong-doan.html