Giải bài toán ùn tắc giao thông cho Thủ đô

Thời gian gần đây, dù đã đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Điều này đòi hỏi thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn từ việc cải thiện hạ tầng đến nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Dù mới được nâng cấp, mở rộng nhưng đường Trường Chinh đã thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc vì đầu tư thiếu đồng bộ.

Dù mới được nâng cấp, mở rộng nhưng đường Trường Chinh đã thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc vì đầu tư thiếu đồng bộ.

Thời gian gần đây, dù đã đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Điều này đòi hỏi thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn từ việc cải thiện hạ tầng đến nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Trong khoảng 10 năm qua, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị. Cùng với đó, Trung ương cũng quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô như: Đường vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài… Những công trình lớn này đã từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, cải thiện tình trạng giao thông. Nếu như năm 2010, thành phố có 124 điểm ùn tắc, thì đến cuối năm 2011 còn 78 điểm; cuối năm 2015 còn 44 điểm và đến thời điểm cuối tháng 5-2020, chỉ còn 34 điểm.

Những kết quả đó là rất đáng ghi nhận, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về giao thông của thành phố. Số điểm dù giảm, nhưng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 23.720 km đường; 462 cây cầu; bảy cầu vượt nhẹ và 33 cầu vượt bộ hành... Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 9,75%, trong khi theo yêu cầu tỷ lệ này phải đạt từ 20% đến 26%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng ô-tô là 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phức tạp hơn.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện chia sẻ, thành phố hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô-tô các loại), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô. Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông với kết cấu hạ tầng dẫn tới quá tải và ùn tắc. “Điển hình như cầu Thanh Trì có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế; cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe/ngày đêm, gấp 6,3 lần... Một số tuyến giao thông chính như đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào các giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,1 đến 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế”, ông Vũ Văn Viện cho biết.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, theo ông Vũ Văn Viện, việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025 là hết sức cần thiết.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là “Huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ bảo đảm giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội thuận lợi, an toàn, chất lượng, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại”. Hướng đến mục tiêu mỗi năm giảm tối thiểu từ 8 điểm đến 10 điểm ùn tắc giao thông; giảm tai nạn giao thông từ 5% đến 10% hằng năm trên cả ba tiêu chí; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30% đến 35%; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12% đến 15% quỹ đất xây dựng đô thị...

Cùng với đó, tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt nhóm giải pháp gồm: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - đây là nhóm giải pháp căn cơ có tính bền vững và lâu dài; tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý.

Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung triển khai và sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giao thông, cùng với tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng, phát triển vận tải công cộng,… thành phố Hà Nội cũng cần quyết liệt thực hiện chủ trương quản lý phương tiện giao thông đường bộ, thúc đẩy nhanh việc thu phí vào các khu vực có nguy cơ ùn tắc, qua đó từng bước kiềm chế sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân. Đó là những “phương thuốc đặc trị” chữa “bệnh ùn tắc” cho các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-quy-hoach-dau-tu/giai-bai-toan-un-tac-giao-thong-cho-thu-do-626995/