Giải bài toán xử lý chất thải y tế tại Hà Nội

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày một tăng cao.

Điều này dẫn đến lượng rác thải phát sinh từ các hoạt động khám chữa bệnh trong cơ sở bệnh viện, phòng khám ngày càng nhiều… Từ đây, việc giải bài toán xử lý lượng rác thải y tế đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trở nên rất cấp thiết.Nhu cầu cấp báchTheo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 3.670 cơ sở y tế. Trong đó, tuyến T.Ư có 46 cơ sở gồm 25 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa do Bộ Y tế quản lý, 21 bệnh viện và trung tâm khám chữa bệnh do các bộ, ngành khác quản lý. Tuyến TP có 41 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; 30 trung tâm y tế quận/huyện/thị xã; 584 trạm y tế xã/phường/thị trấn. Các cơ sở y tế tư nhân có hơn 2.950 cơ sở gồm 35 bệnh viện, 155 phòng khám đa khoa, hơn 2.760 phòng khám chuyên khoa.

 Hệ thống xử lý chất thải y tế tại Urenco 13.

Hệ thống xử lý chất thải y tế tại Urenco 13.

Với số lượng các cơ sở y tế lớn như vậy, tổng lượng chất thải y tế (CTYT) phát sinh trên địa bàn TP khoảng 27.500kg/ngày. Trong đó, CTYT nguy hại khoảng 8.440kg/ngày (chiếm khoảng 30%), chất thải rắn thông thường khoảng 19.070kg/ngày. Dự báo, đến năm 2020 khối lượng chất thải của các cơ sở y tế trên địa bàn phát sinh trung bình mỗi năm khoảng 90 tấn/ngày; đến năm 2030 sẽ phát sinh khoảng 150 tấn/ngày (theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Hơn nữa, từ đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng rác thải y tế từ các hoạt động cách ly, khám chữa bệnh… phát sinh đáng kể. Sớm tự chủ công nghệ xử lýHiện nay, có rất nhiều phương pháp xử lý CTYT như: Công nghệ đốt; khử trùng bằng hóa chất; chiếu xạ vi sóng; công nghệ hấp nhiệt khô; hấp nhiệt ướt… Theo giới chuyên môn, với công nghệ đốt, quá trình đốt cháy các hợp chất hữu cơ nếu điều kiện không được kiểm soát thích hợp, carbon monoxide độc hại sẽ được sản xuất. Đối với công nghệ khử trùng bằng hóa chất cần có chất khử trùng mạnh để xử lý CTYT. Điều này có thể gây nguy hiểm và chỉ nên sử dụng bởi những người được đào tạo và trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Trong khi đó, đối với công nghệ chiếu xạ vi sóng, do chi phí tương đối cao cùng với các vấn đề vận hành và bảo trì tiềm ẩn nên chưa được khuyến khích sử dụng ở các nước đang phát triển.Nhằm tiến đến công nghệ sạch, không phát sinh khí ô nhiễm, đặc biệt là dioxin và thủy ngân, năm 2013, thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Quỹ Bảo vệ môi trường toàn cầu (GEF) đã triển khai tại Việt Nam “Dự án trình diễn và thúc đẩy kỹ thuật phương thức tốt nhất giảm CTYT nhằm tránh phát thải những chất có chứa thủy ngân hay dioxin ra môi trường”. Đây là dự án xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt, được trình diễn và bàn giao vận hành thương mại tại Công ty CP Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13). Tính đến thời điểm hiện tại, đây là dây chuyền xử lý rác thải y tế rắn tập trung bằng công nghệ hấp nhiệt ướt duy nhất tại Việt Nam.Để đánh giá chất lượng khử trùng, chất lượng rác thải, các chuyên gia đã lấy 3 mẫu chỉ thị vi sinh vật đặt tại những vị trí được xác định là khó khử trùng nhất của lò hấp. Sau quá trình hấp, mẫu được đưa về để kiểm định tiệt trùng tại phòng thí nghiệm. Kết quả kiểm tra tại Công ty Urenco 13 cho thấy, tất cả mẫu đều cho kết quả đạt. Điều này chứng tỏ chất thải sau quá trình hấp nhiệt ướt không còn khả năng sống sót của vi sinh vật. Chất thải trở thành chất thải thông thường được đem đi chôn lấp theo quy định.Mặt khác, so với các công nghệ khác, biện pháp xử lý rác thải y tế theo công hấp ướt đang được thực hiện ở Urenco 13 có chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn công nghệ đốt; không làm phát sinh khí thải dioxin và furan… Một số loại chất thải lây nhiễm bằng vật liệu nhựa sau khi khử khuẩn an toàn có thể tái chế đem lại các lợi ích kinh tế cho xã hội. Ngoài ra, biện pháp này phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Stockholm về giảm phát thải không chủ định các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ công nghệ đốt.Song, ở bất cứ công nghệ nào cũng có những ưu, nhược điểm khác nhau phù hợp với từng loại chất thải, đặc biệt là vấn đề kinh tế. Biện pháp xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt cũng không là ngoại lệ. Biện pháp này dù được đánh giá là tối ưu nhất ở Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, nước ta chưa thể sản xuất hệ thống thiết bị này. Do đó, trong thời gian tới chúng ta cần có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, thông qua hợp tác liên doanh với các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ nhằm tiến tới tự chủ sản xuất công nghệ xử lý CTYT thân thiện với môi trường.

Tháng 8/2004, trong tài liệu "Chính sách quản lý an toàn chất thải y tế", Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra những chính sách nhằm khuyến cáo các quốc gia quan tâm đến quản lý CTYT. Theo đó khuyến khích sử dụng các thiết bị bằng công nghệ không đốt để xử lý chất thải rắn y tế thay thế cho công nghệ đốt.

Nguyễn Thị Cẩm Vân - Công ty CP Vật tư thiết bị môi trường 13

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giai-bai-toan-xu-ly-chat-thai-y-te-tai-ha-noi-400221.html