Giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch' lần thứ nhất
Tối nay, 13/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch' lần thứ nhất.
Đến dự lễ trao giải có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng đông đảo các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương, các tác giả đoạt giải cũng như phóng viên báo chí…
Được phát động vào ngày 26/12/2022. Kể từ ngày phát động, BTC đã nhận được 1084 tác phẩm dự giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành tổ chức trong năm đầu tiên.
Theo đánh giá của BTC, các tác phẩm báo chí tham dự đề cập kịp thời, sáng tạo, toàn diện các lĩnh vực văn hóa – thể thao – du lịch. Trong đó, có nhiều vấn đề nổi bật như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; giá trị của Bản đề cương về văn hóa năm 1943; tinh thần lan tỏa của Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021và thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sứ mệnh soi đường của văn hóa; chấn hưng văn hóa Việt Nam; bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; khai mở tiềm năng, hiến kế phát triển du lịch; giải pháp, chính sách đầu tư cho thể thao nước nhà...; văn hóa trong thời kỳ chuyển đổi số, hội nhập quốc tế. Những vấn đề khó cũng được báo chí khai thác, đề cập, phân tích, giúp ích tích cực cho công cuộc thiết kế chính sách ở tầm vĩ mô phục vụ phát triển đất nước…
Nhiều tác phẩm có sự đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, thể hiện được đặc trưng và thế mạnh của các loại hình báo chí. Các tác phẩm không chỉ đặt vấn đề mà còn đề ra giải pháp, đi đến tận cùng của vấn đề.
Đặc biệt, ảnh báo chí có số lượng tác phẩm tham dự ở mức cao. Đề tài của các bộ ảnh khá đa dạng, phản ánh nhiều mặt, nhiều góc gạnh của đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Chất lượng tác phẩm dự giải đạt mức khá.
Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ của 131 tác phẩm do Hội đồng sơ khảo đề xuất vào vòng chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã tiến hành khẩn trương, công tâm, khách quan, bám sát Thể lệ, Quy chế chấm Giải và chọn được 94 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 4 giải Nhất, 15 giải Nhì, 25 giải Ba và 50 giải Khuyến khích cho các cá nhân, đồng thời trao tặng 3 giải tập thể.
Loạt bài 5 kỳ của An ninh Thủ đô: “Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử” của nhóm tác giả Vân Quế, Trần Quân, Tuấn Dũng và Tả Minh đã được trao giải Khuyến khích.
Để tiếp tục lan tỏa những thành tựu của Ngành, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên đã phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ 2, năm 2023.
Phát biểu phát động giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Việc triển khai Nghị quyết của Đảng, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuộc sống; chuyển động của ngành Văn hóa sau chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Thư chúc mừng nhân dịp Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; từng bước cụ thể hóa vai trò của văn hóa - “hệ điều tiết” trong sự vận động mọi mặt của đời sống; Tiếp cận, khai thác giá trị văn hóa trên tinh thần “Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế”; Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở; định vị vị thế và thế mạnh của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa, chính sách nguồn lực và giải pháp phát triển thể dục, thể thao.
Đồng thời, mong muốn báo chí cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình...