Giai cấp công nhân tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/2023, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh về sự phát triển của giai cấp công nhân tỉnh ta, vai trò của giai cấp công nhân trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH BanDai TPHB

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH BanDai TPHB

P.V: Xin đồng chí đánh giá về tầm quan trọng của xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay. Quy mô và sự trưởng thành của giai cấp công nhân tỉnh ta?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương: Toàn tỉnh hiện có 80.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); tổng số đoàn viên công đoàn 64.404 người. Tổng số công đoàn cơ sở 1.065 đơn vị (khu vực hành chính Nhà nước 825 đơn vị; khu vực sản xuất kinh doanh (SX-KD) 240 đơn vị).

Giai cấp công nhân là lực lượng đặc biệt quan trọng duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm công nghiệp, đóng góp chủ yếu vào ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng tạo nên thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong hơn 35 năm đổi mới. Giai cấp công nhân đã, đang phát huy hiệu quả vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng; đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; luôn tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giai cấp công nhân là cơ sở chính trị - xã hội rộng lớn, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng.

Quy mô và sự trưởng thành của giai cấp công nhân tỉnh ta những năm gần đây có nhiều sự phát triển, tăng lên cả về số lượng, chất lượng. Hiện, toàn tỉnh có trên 30 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Đội ngũ công nhân trẻ- dồi dào, có tác phong công nghiệp, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, năng suất lao động, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước; là lực lượng sản xuất cơ bản, trực tiếp tham gia vào việc tổ chức, quản lý SX-KD, vận hành, sử dụng các công cụ, phương tiện sản xuất tiên tiến, hiện đại, có vai trò quan trọng, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với các giai cấp, giai tầng khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân đã có đóng góp to lớn vào quá trình phát triển KT-XH của địa phương.

Công nhân lao động Công ty dệt kim (khu công nghiệp bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) trong dây chuyền sản xuất.

Công nhân lao động Công ty dệt kim (khu công nghiệp bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) trong dây chuyền sản xuất.

P.V: Sau những ảnh hưởng của dịch Covid -19, đến nay, tình hình đời sống, việc làm của CNVCLĐ tỉnh có sự hồi phục và phát triển như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương: Những năm gần đây, sự tác động lớn của dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm của CNVCLĐ cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Năm 2022, mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KT-XH, nhưng giá cả lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, viện phí, học phí, xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải… tăng liên tục, trong khi lương tối thiểu vùng đến nay chưa tăng. Lương tối thiểu vùng của người lao động sẽ chỉ tăng khoảng 6%, thấp hơn so với chỉ số trượt giá và tốc độ tăng GDP ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, hoạt động SX-KD và đời sống Nhân dân nói chung, CNVCLĐ nói riêng. Đặc biệt là công nhân, lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, đồng thời ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, tình hình KT-XH của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện. Văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm được chú trọng. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 380 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 190 doanh nghiệp đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện; 175 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh; 35 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 90 doanh nghiệp quay trở lại thị trường. Thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) khu vực hành chính sự nghiệp đạt 5,693 triệu đồng/người/tháng, khu vực SX-KD 5,15 triệu đồng/người/tháng.

P.V: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, xin đồng chí cho biết các phong trào thi đua trong CNVCLĐ được các cấp Công đoàn thực hiện như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương: Ngay từ đầu năm, LĐLĐ tỉnh đã phát động phong trào thi đua năm 2023 trong đoàn viên, CNVCLĐ và các cấp Công đoàn tỉnh, gắn với chủ đề hoạt động của năm "Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”, chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028. Phong trào thi đua được phát động tại khu vực SX-KD tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các phong trào: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, "Năng suất cao, chất lượng tốt”, "Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”; Chương trình "1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”... góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp tiếp tục vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 23/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa công sở; đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động như: "Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, "Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”…

Các phong trào thi đua được CNVCLĐ hưởng ứng sôi nổi tại các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh, qua phong trào động viên, khích lệ đoàn viên, người lao động không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, lao động cần cù, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho bản thân, gia đình, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế của đia phương.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Minh Tuấn (Thực hiện)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/177435/giai-cap-cong-nhantien-ph111ng-tr111ng-su-nghiep-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoadat-nuoc.htm