Giải 'cơn khát' nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh
Sau 10 năm, điện ảnh Việt Nam mới có một cuộc thi tìm kiếm nguồn kịch bản cho phim truyện điện ảnh do Cục Điện ảnh tổ chức. Đặc biệt, với việc cuộc thi sẽ định kỳ tổ chức 2 năm/1 lần, hứa hẹn sẽ khắc phục được tình trạng thiếu hụt đến mức báo động của nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh.
Kịch bản- cái khó đầu tiên giữa muôn vàn cái khó
Kịch bản là bước đầu tiên trong quá trình sáng tạo của một tác phẩm điện ảnh, một bộ phim hay phải bắt đầu từ một kịch bản có ý tưởng, nội dung hay.
Tuy nhiên, việc khan hiếm kịch bản phim truyện điện ảnh đã đến mức đáng báo động. Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, trong rất nhiều cái khó của Điện ảnh Việt Nam hiện nay thì có một khó khăn đó là thiếu kịch bản phim truyện hay, độc đáo. Thực tế gần đây, một số đơn vị sản xuất phải đi lấy cốt truyện, kịch bản phim của nước ngoài rồi Việt hóa thành kịch bản phim của Việt Nam.
Và các nhà quản lý và làm phim cho rằng đây thực sự là vấn đề đáng ngại.
Có phải là chúng ta thiếu về lực lượng nhà biên kịch điện ảnh, hay chúng ta thiếu những nhà biên kịch giỏi, thiếu những nhà sản xuất có "con mắt xanh" để phát hiện ra những kịch bản hay, hấp dẫn, là tiền đề để có được những bộ phim hay, sâu sắc về nội dung tư tưởng, hấp dẫn khán giả?
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, để có một bộ phim hay thì yếu tố đầu tiên là phải có kịch bản hay. "Kịch bản không hay thì đạo diễn và diễn viên có tài đến mấy cũng khó lòng làm phim hay. Mà nguồn kịch bản hay, có tính hấp dẫn, khai thác đề tài mới lạ hiện nay thì lại rất ít. Nhìn những phim Việt hóa, phim mua kịch bản từ nước ngoài ăn khách là một nỗi buồn cho phim Việt".
Ông cũng chỉ ra khâu yếu nhất của các phim điện ảnh hiện nay chính là kịch bản phim. "Rất thiếu và hiếm kịch bản phim thu hút, hấp dẫn. Điều này được "minh họa" bằng việc nhiều nhà sản xuất phải bỏ tiền mua kịch bản nước ngoài về Việt hóa"- đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ.
Mỗi năm, có khoảng 40 phim truyện điện ảnh Việt ra rạp, nhưng phim thu hút khán giả và được đánh giá cao thì chưa quá đầu ngón tay. Cách khai thác đề tài, nhân vật trong các phim cũng không theo bất kỳ một dòng-thể loại nào rõ nét, các nhà sản xuất thường chạy theo nhiều thị hiếu của nhiều đối tượng khác nhau, nhưng không có phim nào thật sự đậm chất, để lại được dấu ấn trong chính đối tượng mà bộ phim hướng tới.
Người trong giới khẳng định nhiều phim "hỏng" ngay từ khâu kịch bản. Đó là lý do phim Việt đang thiếu vắng phim hay.
Kịch bản hay, cần gì?
Sau 10 năm Cục Điện ảnh mới tổ chức một cuộc thi điện ảnh, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc đánh giá đây là nỗ lực đáng khích lệ. Bởi theo Lãnh đạo Cục Điện ảnh, sau 10 năm mới có một cuộc thi tìm kiếm kịch bản điện ảnh. Kể từ năm 2010, sau cuộc thi tìm kịch bản phim truyện điện ảnh chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, hai kịch bản dự thi được giải và đưa vào sản xuất phim là "Long thành cầm giả ca" và "Những người viết huyền thoại" thì đến năm 2015 Cục Điện ảnh mới tổ chức được trại sáng tác kịch bản và có được kịch bản "Người yêu ơi" của Đỗ Bích Thúy được đánh giá cao. Nhưng vì một số lý do nên hiện bộ phim vẫn... nằm trên giấy.
Một kịch bản hay chưa chắc đã có được bộ phim hay, nhưng chắc chắn, để có một bộ phim hay thì phải có kịch bản hay. Tuy nhiên, câu hỏi như thế nào là một kịch bản hay không dễ trả lời.
Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang nhận định: "Phim "có vấn đề" mới hay. Nhiều trường hợp chỉ được đề tài tốt mà câu chuyện nhạt, nhân vật sơ lược và nghệ thuật kịch bản chưa tới. Tôi nghĩ nên đổi mới tư duy làm phim đặt hàng, phim chiến tranh ngày nay nên bớt ca ngợi đơn thuần đi".
Thời gian qua, nhiều người trong nghề cho rằng, điện ảnh của chúng ta thiếu kịch bản hay còn có lỗi của nhà sản xuất vì đặt nặng vấn đề lợi nhuận, cần thu hồi vốn nhanh nên không thích đầu tư nhiều vào khâu kịch bản, thường ưu tiên những kịch bản thuộc các thể loại phim dễ làm, đơn giản, kinh phí thấp, thời gian thực hiện nhanh… kiểu như phim hài. Chưa kể, khi chi tiền làm phim thì cắt xén, tiết kiệm. Bởi vậy, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng: "Kịch bản hay đến mấy mà các nhà làm phim "không hay" cũng chẳng để làm gì. Cần yêu cầu hãng phim cam kết chất lượng và có cơ chế giám sát, nếu buông lỏng thì thi chọn kịch bản cũng vô nghĩa".
Đã lâu mới có một cuộc thi viết kịch bản để khuyến khích các nhà biên kịch cống hiến cho nền điện ảnh. Dẫu một cuộc thi có thể chưa giải được cơn khát của việc thiếu kịch bản, chưa thể đảm bảo điện ảnh Việt sẽ có những bộ phim truyện đặc sắc, nhưng chắc chắn phần nào sẽ thu hút và khơi gợi được cảm hứng sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh trong giới cầm bút, phần nào bù đắp sự thiếu hụt về kịch bản phim truyện điện ảnh đang ở tình trạng báo động như hiện nay./.