'Giải cứu' chợ truyền thống - Kỳ 1: Ế ơi là ế!
Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đang rơi vào cảnh đìu hiu, buôn bán ế ẩm khiến cuộc sống của nhiều tiểu thương chật vật.
Ghi nhận tại chợ Bình Tây (quận 6) được mệnh danh là chợ sỉ lớn nhất nhì của thành phố, phân phối đa dạng với các mặt hàng thời trang, gia dụng, thực phẩm… Từ sau đại dịch Covid-19, nhiều sạp hàng tại ngôi chợ gần 100 năm tuổi rơi vào tình cảnh kinh doanh ế ẩm.
43 năm bán hàng gia dụng ở chợ Bình Tây, bà Đinh Thị Nở (79 tuổi) trải lòng: “Chợ càng ngày càng ế, cảnh tượng đìu hiu chưa từng có trong suốt những năm tôi buôn bán”.
Bà Nở tâm sự thêm, từng nghĩ sẽ để lại sạp hàng gầy dựng thương hiệu từ nhiều đời qua làm tài sản cho con cháu. Thế nhưng việc buôn bán mỗi lúc mỗi khó khăn, bà đã phải tạm gác ý định truyền nghề cho đời sau.
Cùng chung tình cảnh buôn bán ế ẩm nên các sạp hàng xung quanh kiot của bà Nở cũng đã đóng cửa từ nhiều tháng nay. Khi được hỏi đến, các tiểu thương chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì không có khách.
Bà Trần Thu Hà (64 tuổi), hơn 50 năm buôn bán vải ở chợ Bình Tây cho biết: “Cả gia đình tôi sống phụ thuộc vào việc kinh doanh ở chợ, giờ đây chợ càng ngày càng ế khiến gia đình tôi cũng lao đao theo”.
Theo đó chợ Bình Tây hiện có 2.000 sạp, trong đó tạm ngưng kinh doanh khoảng 500 sạp. Bà Nguyễn Ngọc Quế Phương, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Tây cho biết: “Khách đến chợ chủ yếu là khách du lịch chiếm 60-70%, riêng khách đến để mua hàng rất ít”.
Không riêng gì chợ Bình Tây, “lực bất tòng tâm” cũng là tâm lý chung của các tiểu thương ở nhiều ngôi chợ khác như chợ Hoàng Hoa Thám, chợ An Đông, chợ Thủ Đức, chợ Tân Bình, chợ Gò Vấp… Tất cả đều chung tình trạng buôn bán ế ẩm.
Tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), khu vực chuyên thời trang chỉ lác đác vài người bán, lối thông hành vắng lặng, không có khách đi. Ở hàng ăn chỉ còn vài quầy còn phục vụ, hàng thực phẩm cũng không tránh khỏi sự vắng lặng.
Bà Ngô Thị Minh Trang, Phó Trưởng ban quản lý chợ Hoàng Hoa Thám cho biết: “Chợ có tổng 867 sạp, hiện đang kinh doanh 325 sạp, ngưng nghỉ trên 50% hộ. Từ sau đại dịch Covid-19 chợ Hoàng Hoa Thám rơi vào cảnh ế ẩm, có những tiểu thương 2 tuần chưa bán được bán rơi vào cảnh khó khăn.
Tại quầy bánh cuốn 32 năm ở chợ Hoàng Hoa Thám, bà Nguyễn Thị Điệp (chủ tiệm) kể thời hoàng kim, quầy của bà phải thuê đến 5 người mới kịp phục vụ cho khách. Ngược lại giờ đây buôn bán khó khăn phải cắt giảm bớt chi phí, hiện chỉ có 2 người trong gia đình đứng bán”.
“Hiện tại quầy hàng của tôi chủ yếu phục vụ chủ yếu khách quen lâu năm, khách mới đến chợ gần như không có”, bà Điệp cho biết.
Cách đó không xa, các tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cũng trong tình cảnh buôn bán cầm cự qua ngày vì không có khách.
Bà Thu Cúc, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai nhận định do tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến việc mua sắm, khách đến chợ từ đó cũng giảm bớt.
Trên địa bàn TP.HCM hiện có 233 chợ trong đó có 3 chợ đầu mối và 230 chợ truyền thống với tổng 221/230 chợ đang hoạt động. Theo thống kê, hiện nay lượng khách đến chợ truyền thống giảm 20%-30% so với thời điểm trước dịch và giảm 30%-50% so với thời điểm năm 2019. Trong đó, khách mua sắm đối với ngành thực phẩm giảm 10%-30%; ngành hàng vật liệu, phụ kiện máy móc... giảm 20%-40%; ngành hàng tạp hóa, quần áo, giày dép... giảm 50-70% so với thời điểm trước dịch.
Vậy những thách thức nào các chợ truyền thống tại TP.HCM đang phải đối mặt? Câu trả lời sẽ có trong kỳ 2 của loạt phóng sự: "Giải cứu” chợ truyền thống.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-cuu-cho-truyen-thong-ky-1-e-oi-la-e-post807449.html