'Giải cứu' chợ truyền thống - Kỳ 3: Mô hình nào 'thoát ế'?

Từng có giai đoạn rơi vào tình trạng kinh doanh ế ẩm, sạp hàng đóng cửa hàng loạt do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và dịch Covid - 19, đến nay, chợ Bến Thành, TP.HCM đã dần đông khách trở lại, không khí mua sắm nhộn nhịp một thời đã phục hồi.

Kỳ 3 phóng sự: 'Giải cứu' chợ truyền thống.

Chợ Bến Thành là một trong những ngôi chợ có lịch sử lâu đời và cũng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của TP.HCM. Trong đợt dịch Covid - 19 vừa qua, chợ Bến Thành là một trong những chợ truyền thống tại TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khách du lịch không còn, khách địa phương cũng hạn chế, chợ rơi vào tình cảnh ế ẩm chưa từng thấy. Gần 50% sạp hàng tại chợ đóng cửa ngừng kinh doanh. Khung cảnh đìu hiu, xuống cấp của ngôi chợ là biểu tượng của TP.HCM khiến không ít người xót xa.

 Diện mạo bên ngoài chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Ảnh: PLO

Diện mạo bên ngoài chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Ảnh: PLO

Thế nhưng, 2 năm sau dịch Covid - 19, cùng với sự hồi sinh của ngành du lịch, ngôi chợ lịch sử trăm năm của TP.HCM cũng dần lấy lại sức sống. Hiện nay, hơn 91% số lượng sạp hàng trong chợ đã được tiểu thương mở kinh doanh. Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, mỗi ngày chợ đón khoảng 3.000-4.000 lượt khách đến tham quan mua sắm, cao điểm dịp lễ, tết…, lượng khách lên đến 6.000- 8.000 lượt mỗi ngày. Đa phần là khách du lịch nội địa và quốc tế. Chị Nguyễn Thị Việt, một tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ Bến Thành, hồ hởi cho biết: “Tình hình kinh doanh cải thiện rất nhiều so với lúc dịch, lượng khách tìm đến chợ để mua sắm nhiều hơn nhờ thương hiệu chợ được quảng bá mạnh qua các kênh MXH, tiểu thương rất vui về điều này”.

 Không khí mua bán nhộn nhịp bên trong chợ Bến Thành. Ảnh: PLO

Không khí mua bán nhộn nhịp bên trong chợ Bến Thành. Ảnh: PLO

Nói về những động lực giúp chợ Bến Thành lấy lại sinh khí mua sắm, ông Lê Minh Hiệp - Phó Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành - cho biết đó là sự tổng hợp của nhiều giải pháp với sự hỗ trợ của nhiều ngành, sự nỗ lực của Ban quản lý lẫn tiểu thương. Cụ thể, trong giai đoạn trong và sau dịch, Ban quản lý đã kiến nghị ngành thuế miễn, giãn thuế cho tiểu thương, giảm thuế GTGT, vận động tiểu thương sửa chữa, nâng cấp quầy sạp, nhập hàng hóa đa dạng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ban quản lý cũng sơn lại mặt tiền chợ, tạo các tiểu cảnh trang trí bên trong và bên ngoài chợ để khách tham quan đến mua sắm, check in.

“Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra tình trạng niêm yết giá, công bố xuất xứ hàng hóa của tiểu thương, nghiêm cấm tình trạng chèo kéo, “chặt chém” giá du khách. Hộ kinh doanh nào vi phạm sẽ bị cảnh cáo, nhắc nhở hoặc đình chỉ kinh doanh tối đa 7 ngày” - ông Hiệp cho biết thêm.

Trước áp lực cạnh tranh của các kênh bán lẻ hiện đại và online, chợ Bến Thành cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động kinh doanh ở chợ. Cuối năm 2023 vừa qua, chợ Bến Thành là một trong những chợ đầu tiên của TP.HCM tổ chức chương trình livestream bán hàng với các KOL, KOC, Tiktoker, AI… mang lại doanh thu kỷ lục cho nhiều tiểu thương.

Không thể phủ nhận chợ Bến Thành có lợi thế là chợ du lịch mang bề dày lịch sử, văn hóa, được biết đến rộng rãi nên khi du lịch hồi sinh, chợ có nhiều cơ hội để tăng mãi lực. Tuy nhiên, phải kể đến những nỗ lực của Ban quản lý và tiểu thương trong việc thay đổi để chợ bắt kịp xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, bắt kịp các phương thức kinh doanh mới để tăng sức cạnh tranh với các kênh mua sắm khác. Đây là cũng thách thức đang đặt ra với nhiều chợ truyền thống khác trên địa bàn TP.HCM.

Trước thách thức trên, bên cạnh triển khai những giải pháp cấp thiết để giúp các chợ truyền thống cải thiện tình hình kinh doanh, Sở Công Thương TP.HCM đang phối hợp với Đại học Kinh tế Luật TP.HCM triển khai đề án nghiên cứu khoa học “Phát triển hệ thống chợ tại TP.HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế”. Đề án xuất phát từ nhu cầu nghiên cứu tìm giải pháp phù hợp cho hoạt động của các chợ đầu mối trong bối cảnh dịch bệnh như Covid-19 để không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố, được thực hiện từ tháng 7/2021, sau đó mở rộng đối tượng nghiên cứu ra các chợ truyền thống trên địa bàn dưới tác động của chuyển đổi số. Bà Trần Như Quỳnh, Phó Trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM cho biết: “Đề án sẽ là cơ sở khoa học để đưa ra các giải pháp, mô hình cũng như các khuyến nghị chính sách cho sự tồn tại và phát triển của chợ truyền thống tại TP.HCM trong thời gian tới”.

 Bà Trần Như Quỳnh, Phó Trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM.

Bà Trần Như Quỳnh, Phó Trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM.

Theo Sở Công Thương, hiện nay, đề án đã hoàn thành giai đoạn 1, tức nghiên cứu việc tổ chức hoạt động của chợ đầu mối trong bối cảnh dịch bệnh phát sinh, hướng đến chuyển đổi số, đề xuất được những mô hình trong hoạt động của 3 chợ đầu mối hiện hữu. Đề án đang tiến hành giai đoạn 2 với các chợ truyền thống nhỏ lẻ và dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2025. Sau khi đề án nghiên cứu kết thúc, cơ quan quản lý sẽ phân loại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM theo những nhóm đặc trưng riêng, từ đó định hình chiến lược phát triển phù hợp cho từng nhóm trên cơ sở nghiên cứu.

Dẫn chứng những đổi thay của chợ Bến Thành, Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, cho rằng bức tranh tương lai của các chợ truyền thống là kết hợp cả 2 phương thức offline và online, offline là để tiếp thị khách hàng, còn online là để duy trì quan hệ và tiếp tục phát triển khách hàng. Tiểu thương phải sử dụng các công cụ mới, các mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ phải thường xuyên tổ chức các chương trình offline hấp dẫn như các sự kiện khuyến mãi, kết hợp mua sắm vui chơi… để kéo khách hàng từ online xuống offline. Có như vậy, sức hấp dẫn của các chợ truyền thống mới tăng lên.

Chợ truyền thống phải kết hợp giữa kinh doanh online và offline. Ảnh: PLO

 Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên, Trưởng khoa QTKD, ĐH Kinh tế Luật TP.HCM, Thành viên nhóm nghiên cứu đề án.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên, Trưởng khoa QTKD, ĐH Kinh tế Luật TP.HCM, Thành viên nhóm nghiên cứu đề án.

Dẫn kinh nghiệm từ các nước, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên, Trưởng khoa QTKD, ĐH Kinh tế Luật TP.HCM, thành viên nhóm nghiên cứu đề án cho biết, với các nước có nền văn hóa chợ đậm nét như Việt Nam, chợ truyền thống không thể mất đi nhưng bắt buộc phải thay đổi và cần có chiến lược dài hơi cho sự tồn tại của các chợ.

 Chợ truyền thống không thể mất đi nhưng phải thay đổi để tồn tại.

Chợ truyền thống không thể mất đi nhưng phải thay đổi để tồn tại.

“Qua kết quả nghiên cứu của đề án bước đầu, nhóm nghiên cứu đang nhắm tới 1 khuyến nghị đã có cơ sở đó là cần phải có lộ trình chuyển đổi các chợ truyền thống. Quy hoạch chợ cần phải cân đối lại theo hướng những chợ không phù hợp với sự phát triển đô thị nữa thì sẽ không tiếp tục tồn tại, còn những chợ có sức hấp dẫn lớn thì ngoài chức năng cung cấp thực phẩm, hàng hóa có thể biến thành điểm du lịch, phục vụ khách nội địa và khách quốc tế để du khách đến TP có thêm trải nghiệm về văn hóa, đời sống người dân,…” - TS Hồng Liên nhận định.

ĐÀ GIANG - NHẬT DIỄM - NGỌC HÓA

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-cuu-cho-truyen-thong-ky-3-mo-hinh-nao-thoat-e-post807515.html