Giải cứu lương thực chưa thể xoa dịu khủng hoảng
Một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu - được 'tiếp lửa' bởi xung đột ở Ukraine, thiên tai và đại dịch Covid-19, vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Mặc dù thỏa thuận mà Liên hiệp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian với Nga và Ukraine để khôi phục xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng bên bờ Biển Đen là một bước đi tích cực, song một vài chuyến hàng đến nay không đủ để xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Thực hiện thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc còn chậm
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang tạo ra những cú sốc đối với chuỗi cung ứng và đặc biệt là an ninh lương thực, tác động đến những người dễ bị tổn thương nhất vào thời điểm khó khăn nhất. Mặc dù ngày 22-7, Nga và Ukraine đã ký riêng rẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ thỏa thuận về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen nhằm giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhưng hoạt động chở ngũ cốc Ukraine từ các cảng ở Biển Đen bắt đầu vào ngày 1-8. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao Nga, ông Ivan Nechaev, chưa có một tàu nào chở ngũ cốc Ukraine cập bến các nước nghèo đói ở châu Phi hoặc Nam Á mà chủ yếu đến các cảng của các nước phương Tây. Ngày 11-8, Nga yêu cầu các nước phương Tây góp phần thực hiện đầy đủ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ký kết ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), trong đó có hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga. Ông Ivan Nechaev cho biết gói thỏa thuận không chỉ cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ 3 cảng của Ukraine mà còn quy định việc thúc đẩy xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga ra thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu do Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) tiến hành với sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, hơn 50 triệu người ở Đông Phi sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong năm nay.
Yếu tố giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi
Trước tình hình này, Canada vừa quyết định tăng ngân sách viện trợ nước ngoài để viện trợ cho WFP giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Trung Đông và châu Phi. Mặc dù không đưa ra con số viện trợ mới, song Tổ chức Phát triển quốc tế của Canada (có trụ sở tại Ottawa) cho biết chỉ riêng viện trợ nước ngoài năm 2021 của Canada đã tăng 27% lên khoảng 6,6 tỷ CAD. Bên cạnh việc tăng cường hỗ trợ khu vực Trung Đông về lương thực, Canada đang xem xét giải pháp giúp nâng cao khả năng phục hồi ở các nước châu Phi, đặc biệt lưu ý đến tình trạng thiếu dự trữ lương thực của châu lục này.
Mới đây, chính phủ Nhật Bản cũng vừa công bố tài trợ 3,9 triệu USD cho WFP tại Mozambique để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực ở nước này.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng hơn 80 triệu người đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi. Tuy nhiên, trong bài phân tích được đăng trên mạng của Quỹ nghiên cứu Telos của Pháp, Giáo sư Antoine Bouët thuộc Đại học Bordeaux (Pháp) và nhà nghiên cứu David Laborde thuộc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế tại Washington DC lưu ý rằng, có một yếu tố có thể làm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực cho các nước nghèo. Đối với châu Phi, 55 nước trên lục địa này có chế độ dinh dưỡng, tình hình sản xuất nông nghiệp địa phương và cơ cấu trao đổi ngoại thương rất khác nhau, nên ảnh hưởng của khủng hoảng lên mỗi nước cũng khác nhau.
Ở một số khu vực của châu Phi, một số loại ngũ cốc ít được giao dịch trên thị trường thế giới nhưng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực địa phương, chế độ ăn uống dựa chủ yếu vào sản phẩm địa phương hoặc khu vực. Chẳng hạn hạt teff đối với Ethiopia và Eritrea, hạt fonio tại Tây Phi đều có giá ổn định. Đây là tin tốt cho an ninh lương thực của những nước này.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//giai-cuu-luong-thuc-chua-the-xoa-diu-khung-hoang-834184.html