'Giải cứu' những đứa trẻ ngay từ trong bụng mẹ

Tôi gọi y học bào thai mà PGS, TS Nguyễn Duy Ánh cùng các cộng sự triển khai là cuộc 'giải cứu' thần thánh. Bởi từ đây, nhiều em bé sẽ có cơ hội được thành hình hài, được chào đời một cách khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của các ông bố, bà mẹ.

Cuối năm 2019, đã có 17 ca can thiệp buồng tử cung, ba can thiệp song thai trong đó một thai không có tim tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Các ca can thiệp đều ổn định sau phẫu thuật và đang được theo dõi tích cực. Tự hào về việc ứng dụng kỹ thuật mới bao nhiêu, thì PGS, TS Nguyễn Duy Ánh lại càng hạnh phúc gấp bội khi đã mang lại cuộc sống mới cho nhiều thai nhi, nhiều gia đình.

Chắt chiu hạnh phúc cho từng gia đình

Những ngày gần tết, các sản phụ mang song thai và có hội chứng dải xơ buồng ối nằm chờ theo dõi tại Bệnh viện Phụ sản ngày càng tăng lên. Họ mang theo tất cả niềm hy vọng vào một kỹ thuật mới sẽ mang lại sự khỏe mạnh cho thai kỳ đến ngày khai hoa nở nhụy.

PGS, TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, cùng với kỹ thuật siêu âm hiện đại, các bác sĩ có thể nhìn thấy những dị tật của thai nhi từ tuần thứ 22. Thế nhưng, có rất nhiều ca, phải làm tâm lý cho các gia đình chào đón những đứa con không thật sự lành lặn chào đời. Thậm chí, có rất nhiều ca, các bác sĩ buộc phải đình chỉ thai nhi từ sớm.

Trong cuộc trò chuyện với tôi cuối năm 2018, khi Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới ở giai đoạn đầu triển khai bằng việc chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại và đưa những cán bộ có kinh nghiệm đi học tập tại hai nước Pháp, Anh, PGS Nguyễn Duy Ánh tâm sự rất nhiều tham vọng về kỹ thuật này.

PGS, TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

PGS, TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Ông kể, nhiều bào thai bị ứ nước trong não, phổi, tim, nếu không được can thiệp dẫn lưu… sẽ làm teo não, teo phổi, chèn tim gây ra thiếu máu và bào thai sẽ tử vong ngay trong bụng mẹ. Hoặc trong những trường hợp bào thai sinh đôi lại bị truyền máu cho nhau. Nếu không can thiệp kịp thời, đốt laze chặn đường truyền, thì một bào thai sẽ thừa máu, phù thũng, suy tim; một bào thai bị mất máu. “Nếu không được can thiệp, thai nhi trong bụng sẽ dần mất tim thai. Nhiều trường hợp bị thai lưu, mẹ đau đớn, thậm chí bị rối loạn tâm lý dẫn tới vô sinh sau này. Từ trăn trở đó, chúng tôi ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để có thể cứu hàng nghìn ca vô vọng”, PGS Ánh chia sẻ.

15 năm trước, kỹ thuật can thiệp bào thai đã được thực hiện thành công trên thế giới ở các nước tiên tiến như Pháp, Anh. Tại sao Việt Nam lại chưa tiếp cận được kỹ thuật này. Mang một nỗi tâm tư đau đáu đó, bằng một tinh thần hết sức nhân văn cứu sống trẻ sơ sinh ngay từ trong bụng mẹ và với mong muốn chinh phục một kỹ thuật đỉnh cao trong ngành thai sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai bằng việc đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng. Đề tài Y học bào thai của PGS, TS Nguyễn Duy Ánh và các cộng sự đã được duyệt cấp Nhà nước và được triển khai đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đây không chỉ là một bước tiến của kỹ thuật sản phụ khoa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và cả nước mà còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu rộng, ý nghĩa to lớn.

BSCK I Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khám và tư vấn cho sản phụ.

BSCK I Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khám và tư vấn cho sản phụ.

BSCK I Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh là một trong những bác sĩ đầu tiên được học tập về kỹ thuật can thiệp bào thai tại nước ngoài kể lại, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh đặt ra yêu cầu rất cao cho sự thành công của kỹ thuật này. “Giám đốc nói với tôi đừng vội, bao giờ chúng ta hoàn thiện được phòng phẫu thuật can thiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế, đạt vô trùng tuyệt đối thì hãy làm, vì sự an toàn của sản phụ”.

Ngày 4-10-2019 là một ngày lịch sử với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi hai ca đầu tiên được thực hiện can thiệp y học bào thai. Một sản phụ đang mang thai 23 tuần, song thai, vì chung bánh rau (chung nguồn dinh dưỡng) nên hai thai truyền máu cho nhau, nếu để lâu sẽ gây ra biến chứng: Một thai nhận được nhiều máu quá sẽ phù não, phù các mô trong cơ thể, ngược lại thai nhận được ít máu hơn sẽ thiếu máu, suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển các bộ phận. Một sản phụ mang song thai nhưng đã gặp biến chứng khi một thai thiếu máu đã bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng kèm dị tật nặng, buộc phải phẫu thuật cứu lấy một thai khỏe mạnh.

Trong phòng mổ đạt chuẩn quốc tế của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, với sự hỗ trợ của giáo sư hàng đầu châu Âu, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công liên tiếp hai ca phẫu thuật trong buồng ối. Sau hai ca đó, đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chủ động thực hiện can thiệp thêm 15 ca thành công, trong đó có những ca sản phụ đã sinh con khỏe mạnh và được xuất viện.

“Ươm” cho những sinh linh bé nhỏ thành hình hài khỏe mạnh

Từ tuần thai thứ 22 – 26 trở đi, các bác sĩ sẽ tính toán kỹ lưỡng về tỷ lệ thành công của việc can thiệp bào thai, giúp cho các sản phụ có cơ hội sinh những đứa con lành lặn, khỏe mạnh. Ông cũng tự hào nói, với kỹ thuật khoa học hiện đại, nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi thông qua khám sàng lọc, chúng ta có thể cứu chữa được thai nhi với tỷ lệ thành công tới 90%, trẻ sinh ra sẽ không còn bị dị tật hoặc tử vong.

Hơn ba tháng qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực sự làm chủ được hai kỹ thuật có tỷ lệ thai nhi mắc nhiều nhất nhưng tỷ lệ thành công khi can thiệp lại cao nhất, đó là hội chứng song thai truyền máu cho nhau và dây xơ buồng ối.

Kỹ thuật vững vàng, phòng mổ hiện đại, tay nghề được đào tạo quốc tế, nhưng khi triển khai thực tế, có rất nhiều ca can thiệp khiến cả kíp bác sĩ cân não.

Kỹ thuật can thiệp bào thai là kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa.

Kỹ thuật can thiệp bào thai là kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa.

BS Sim kể lại, một trong những ca can thiệp đầu tiên là cho sản phụ mang song thai mắc hội chứng truyền máu song thai. Nếu cứu một bào thai thì sẽ đơn giản hơn cho bác sĩ bằng cách chỉ cần chặn nguồn nuôi dưỡng. Nhưng kíp bác sĩ đặt ra yêu cầu cần phải cứu cả hai em bé. “Chúng tôi phải tỉ mận chặn từng mạch máu nhỏ giữa hai em bé để cả hai em có đường dinh dưỡng độc lập. May mắn hai em bé 33 tuần đang phát triển cân đối. Hy vọng sau khi 36 tuần có cân nặng ổn định sẽ ra đời”, BS Sim cho hay.

Một ca song thai khác, hai bào thai có cuống rốn cách nhau chỉ 2 cm. Làm thế nào để dụng cụ giải phẫu đâm được đúng vào mạch máu giữa hai cuống rốn đó, vì nếu đâm lệch, một thai sẽ hỏng. Với điều kiện buồng ối rất khó quan sát, ống nội soi nhỏ xíu, cả kíp phẫu thuật gần như nín thở để rò mạch máu. “Có lúc chúng tôi vô vọng lắm, nhưng thật may mắn vẫn tìm được đúng đầu mối của dây rốn. Thai can thiệp ở tuần 24 thành công”, BS Sim tự hào kể.

Một trong những thách thức với các bác sĩ, đó là tình trạng bệnh lý của sản phụ khi can thiệp. Một sản phụ song thai khác, trước khi lên bàn mổ vài giờ có tình trạng dị ứng thuốc khiến phù nề, khó thở. “Cả kíp chúng tôi như ngừng tim vì nếu sản phụ có tai biến sẽ nguy kịch cho cả mẹ và con”. Nhưng với nỗ lực hồi sức, hai ngày sau sản phụ tỉnh lại và ba ngày sau, sản phụ lên bàn phẫu thuật can thiệp hội chứng truyền máu song thai ở tuần 20.

Do đó, BS Sim cho hay, không phải cứ học kỹ thuật can thiệp là có thể tiến hành phẫu thuật trong bào thai cho sản phụ. “Chúng tôi mong muốn các cơ sở sau này có thực hiện y học can thiệp bào thai thì không phải học mỗi kỹ thuật can thiệp mà phải học toàn diện từ chẩn đoán, chăm sóc, quá trình mổ đẻ để cuộc sinh được chuẩn bị tốt nhất, chăm sóc sơ sinh cũng phải có kỹ năng tốt”, BS Sim cho hay.

Từ hai kỹ thuật này, Sản Hà Nội sẽ tiến tới thực hiện can thiệp cho các bệnh lý khác như thoát vị cơ hoành, ứ dịch màng phổi, ứ dịch thận, bệnh lý ở buồng tim và thoát vị não… nhằm giúp thai nhi không may mắc các bệnh lý vẫn có thể phát triển tốt trong tử cung của người mẹ và chờ đến ngày chào đời.

Những em bé đầu tiên chào đời khỏe mạnh khi được can thiệp bào thai kịp thời.

Những em bé đầu tiên chào đời khỏe mạnh khi được can thiệp bào thai kịp thời.

Trong giai đoạn đầu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phối hợp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức khóa học Y học bào thai cơ bản đào tạo cho 40 bác sĩ chuyên sâu về y học bào thai. Tới đây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ thực hiện đào tạo chuyên sâu vào từng mặt bệnh để can thiệp và dạy kỹ thuật chi tiết hơn.

Hiện nay, các sản phụ can thiệp bào thai vẫn đang được chương trình hỗ trợ miễn phí. Sau khi hết chương trình, dự kiến mỗi ca can thiệp tốn khoảng 50 triệu đồng. “Nếu bệnh nhân đi nước ngoài, mỗi ca can thiệp sẽ tốn khoảng hơn 100 triệu đồng chưa kể phi phí đi lại, thuê nơi ăn nghỉ. Đặc biệt, ra nước ngoài, bệnh nhân sẽ không được chăm sóc sau phẫu thuật tại chỗ đến khi sinh như ở Việt Nam. Kỹ thuật này được triển khai tại Việt Nam giúp các sản phụ tiết kiệm kinh phí cũng như được chăm sóc toàn diện cho tới khi sản phụ sinh con”, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh cho hay.

Chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhoi, để những sinh linh thành hình hài lành lặn là niềm hạnh phúc vô bờ bến của những người thầy thuốc trong lĩnh vực sản khoa. Tiếng khóc chào đời khỏe mạnh của em bé đầu tiên được can thiệp bào thai bởi các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngày 14-12-2019 là những khoảnh khắc không bao giờ quên trong cuộc đời cầm dao phẫu thuật của những người bác sĩ lấy tiếng khóc con trẻ làm hạnh phúc cho đời.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/43066002-%E2%80%9Cgiai-cuu%E2%80%9D-nhung-dua-tre-ngay-tu-trong-bung-me.html