Giải cứu sự kiện lớn

Trong hai tuần vừa qua, ở khu vực Đông Nam Á diễn ra liên tiếp ba sự kiện ngoại giao lớn của thế giới.

Ở Campuchia có các hội nghị cấp cao của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác. Ở Indonesia có cuộc gặp cấp cao thường niên của nhóm G20. Ở Thái Lan diễn ra các sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (bên trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Tuần lễ cấp cao APEC tại Bangkok (Thái Lan) ngày 17/11/2022. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (bên trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Tuần lễ cấp cao APEC tại Bangkok (Thái Lan) ngày 17/11/2022. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Campuchia và Indonesia. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Indonesia và Thái Lan. Lãnh đạo cao cấp nhất của các nước thuộc khối phương Tây là thành viên của nhóm G20 và APEC đều tới Indonesia và Thái Lan. Chỉ có tổng thống Nga Vladimir Putin vắng mặt.

Trên thế giới có luồng quan điểm cho rằng sự vắng mặt ở các dự kiện tầm cỡ châu lục và thế giới trong thời gian vừa qua của ông Putin đã làm suy giảm vai trò và ảnh hưởng của nước Nga nói chung và của cá nhân ông Putin nói riêng trong chính trị thế giới. Nhận định này chính xác hay lệch lạc, có cơ sở xác đáng hay chỉ là quy chụp thì rồi thực tiễn trong thời gian tới sẽ chứng thực.

Sự tham dự không phải ở cấp cao nhất của Nga ở tất cả những sự kiện lớn ấy, kể cả ở hội nghị cấp cao thường niên năm nay của LHQ về biến đổi khí hậu trái đất (COP 27) ở Ai Cập, chắc chắn được phía Nga chủ ý nhằm 2 mục tiêu chính.

Thứ nhất, Nga không muốn để tất cả các sự kiện lớn ấy thành chiến địa đối địch trực tiếp giữa Nga và các đối thủ của Nga, giữa ông Putin và lãnh đạo các nước đối địch Nga vì cuộc chiến ở Ulraine giữa Nga và Ukraine. Nga muốn tránh khẩu chiến ở các khuôn khổ diễn đàn ấy và ngăn ngừa hình ảnh Nga đơn độc ở một phía đối địch với nhiều đối thủ ở phía bên kia. Thứ hai, không phải tất cả mọi thành viên tham dự những sự kiện lớn nói trên đều cùng hội cùng thuyền với Mỹ, EU và đồng minh trong quan điểm chính sách nói chung và biện pháp cụ thể nói riêng đối với Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Vì thế, làm cho các nước thành viên ủng hộ Nga hay không hùa theo phe kia gây bất lợi cho Nga không khó xử hoặc bớt khó xử khi tham dự các sự kiện và biểu quyết thông qua các văn kiện của sự kiện. Những thành viên tham dự như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi hay Brazil chẳng hạn đều nhờ đấy mà có thể linh hoạt hơn để quyền biến tại các sự kiện lớn ấy, không gây bất lợi cho Nga và đồng thời cũng không làm cho mối quan hệ của họ với những đối tác thuộc khối các nước phương Tây và đồng minh gặp phải trắc trở mới.

Phía Nga còn làm cho các sự kiện lớn của thế giới không bị thất bại chỉ vì chuyện cuộc chiến ở Ukraine với nhượng bộ rất cơ bản về câu chữ thể hiện trong tuyên bố chung của các sự kiện. Cách hành văn ở trong đó trở thành khuôn mẫu mới giúp giải cứu các sự kiện lớn của thế giới và bao hàm bốn ý chính: Nhắc lại nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về cuộc chiến ở Ukraine cùng với kết quả biểu quyết thông qua cụ thể và đầy đủ, lên án cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, đề cập tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh này đối với chính trị, an ninh và kinh tế của thế giới, nhưng đồng thời bảo lưu gián tiếp quan điểm của Nga khi ghi rõ là còn có ý kiến khác và nhìn nhận khác về cuộc chiến này.

Cách hành văn và những nội dung này từ nay sẽ được coi là sự thống nhất quan điểm tối thiểu nhưng đủ để các sự kiện quốc tế lớn có sự tham dự của Nga bất kể với cấp độ nào không bị thất bại.

Cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục là chủ đề nội dung trên chương trình nghị sự của các sự kiện lớn ấy, nhưng sẽ không là chủ đề nội dung chính và không chi phối diễn biến cũng như kết cục cuối cùng của các sự kiện ấy. Có thể thấy được qua đó là Nga đã có nhượng bộ sách lược rất rõ nét trên các diễn đàn và sự kiện chính trị ngoại giao đa phương mà thực chất là lùi ít như có thể để bảo tồn nhiều như có thể.

Nguyên Sa

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-cuu-su-kien-lon.html