Giải cứu thủy lộ kênh đào Suez, tuyến hàng hải huyết mạch nối liền hai lục địa Á - Âu

Ngày 29-3-2021, dù siêu tàu Ever Given đã được giải phóng khỏi bờ cát và quay trở lại mặt nước sau gần một tuần bị mắc kẹt tại kênh đào Suez, song hiện chưa xác định được thời điểm mở cửa một trong những kênh đào quan trọng nhất thế giới này.

 Các đội cứu hộ của Ai Cập vào sáng 29-3-2021 đã giải cứu thành công tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez gần một tuần

Các đội cứu hộ của Ai Cập vào sáng 29-3-2021 đã giải cứu thành công tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez gần một tuần

Bước đột phá trong nỗ lực giải cứu tàu

Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cho biết, bước đột phá trong nỗ lực giải cứu tàu Ever Given đến từ việc đội cứu hộ đã giải phóng được 27.000m3 đất cát bám chặt hai bên mạn tàu. Độ sâu đào vét lên tới hơn 18m. Theo những hình ảnh đăng tải trên các trang mạng giám sát hoạt động đường biển Vesselfinder và Myshiptracking, phần đuôi tàu Ever Given đã dần dịch chuyển ra xa phần bờ phía Tây của kênh đào Suez. Một nguồn tin tại hiện trường của Hãng tin AFP (Pháp) cũng đã xác nhận diễn biến này. Còn Hãng tin Reuters (Anh) dẫn các hình ảnh và nguồn tin hiện trường cho thấy siêu tàu container dần thoát khỏi vùng mắc cạn, chuyển động dọc theo dòng nước và trở lại hướng di chuyển thông thường, tạo những khoảng trống rất cần thiết trên mặt kênh.

Giới chức quản lý kênh đào phía Ai Cập cho biết tàu Ever Given đã xoay trở lại đúng hướng di chuyển “tới 80%”. Phần mũi tàu đã bị hư hỏng một phần nhưng toàn bộ kết cấu tàu được cho là vẫn ổn định. Các đội kỹ thuật đang kiểm tra sơ bộ các bộ phận của tàu, khởi động động cơ và tàu chuẩn bị được lai dắt về phía Hồ lớn (Great Lakes).

Tàu Ever Given, mang cờ Panama, có chiều dài hơn tổng chiều dài của 4 sân bóng đá và tải trọng lên tới 199 nghìn tấn. Ngày 23-3-2021, khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ, con tàu đã bị mắc cạn. Sự cố này đã khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào dài khoảng 190km này hầu như tê liệt trong một tuần qua, với khoảng 321 tàu khác bị tắc nghẽn ở 2 đầu kênh đào. Tuy hiện tàu Ever Given đã được giải cứu song vẫn chưa rõ khi nào nhà chức trách Ai Cập sẽ cho khôi phục hoạt động qua kênh đào.

Chặn đường phục hồi thương mại toàn cầu

Kênh đào Suez là tuyến đường quan trọng, phục vụ khoảng 15% công suất vận tải biển của toàn thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu tình trạng tắc nghẽn giao thông hàng hải tại kênh đào Suez tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động vận tải biển của toàn thế giới. Các tàu chở hàng sang châu Âu và bờ Đông Mỹ phải đi vòng qua châu Phi. Tình trạng này sẽ làm gia tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian vận tải hàng hóa.

Theo Hãng tin Bloomberg, tính toán sơ khởi dựa trên thông tin của Tạp chí Hàng hải Lloyd’s List cho thấy thiệt hại từ sự cố siêu tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez vào khoảng 400 triệu USD/giờ, tức khoảng 9,6 tỷ USD/ngày. Ước tính này dựa trên luồng giao thông từ Đông sang Tây trị giá khoảng 5,1 tỷ USD/ngày, trong khi luồng giao thông theo hướng ngược lại trị giá khoảng 4,5 tỷ USD/ngày.

“Đây là đòn giáng mạnh vào các chuỗi cung ứng vốn đã đình trệ, vừa phục hồi từ đại dịch Covid-19. Nếu thủy lộ tại kênh đào Suez không được khôi phục nhanh, nó có thể biến thành thảm họa” - ông Rahul Kapoor, Phó Chủ tịch phụ trách mảng hàng hải và thương mại tại IHS Global Insight (trụ sở tại Singapore) bình luận. Trong khi đó, chuyên gia Vincent Stamer tại Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức) nhận định tắc nghẽn sẽ gây ra thiệt hại kinh tế toàn cầu. “Nhưng còn quá sớm để định lượng chúng” - chuyên gia Vincent Stamer cho biết.

Theo một báo cáo từ Hãng nghiên cứu Allianz Research, tắc nghẽn tại kênh đào Suez trong vòng một tuần có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu từ 0,2-0,4%. “Vấn đề là tắc nghẽn ở kênh đào Suez còn chặn đường phục hồi của thương mại toàn cầu” - Hãng nghiên cứu Allianz Research báo cáo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch Covid-19, sự cố tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tiến độ giải phóng tàu Ever Given nói trên”. Hiện, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu của Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ngoài một khối lượng nhỏ hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt, về cơ bản hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu vẫn được vận chuyển bằng đường biển, đi qua kênh đào Suez. Do vậy, việc kênh đào bị ngừng lưu thông sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu.

Theo AFP, Washington Post

Hải Long

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giai-cuu-thuy-lo-kenh-dao-suez-tuyen-hang-hai-huyet-mach-noi-lien-hai-luc-dia-a-au-post462054.antd