Giải cứu từ xa

Sau một thời gian tăng nhanh và đạt mức cao kỷ lục, trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán, giá thịt lợn đang giảm.

Mặc dù giá thịt lợn đã hạ nhiệt ở cả siêu thị và chợ truyền thống nhưng sức mua vẫn chưa tăng do giá vẫn ở mức cao và người dân đang dần chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phối hợp với doanh nghiệp sẽ nhập khẩu 200.000 tấn thịt lợn từ nay tới hết quý I.2020.

Nhiều người chăn nuôi lợn hiện vẫn đang găm hàng, đợi gần Tết mới tung ra thị trường. Vì vậy, nguồn cung thịt lợn có thể sẽ tới lúc lại tăng mạnh, nỗi lo khan hiếm thịt lợn của người tiêu dùng sẽ chuyển thành nỗi lo rớt giá của người chăn nuôi.

Cái vòng luẩn quẩn giá cao - tăng nguồn cung - rớt giá không phải câu chuyện mới lạ của ngành nông nghiệp. Vì thế, không khó để dự đoán về xu hướng của thị trường khi nguồn cung thịt sụt giảm sẽ đẩy giá lên cao.

Sở dĩ giá thịt lợn từ cuối năm 2019 tới nay tăng chóng mặt do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến một số lượng lớn lợn bị tiêu hủy, người chăn nuôi dè dặt tái đàn. Các cơ quan chức năng có thể điều tiết giá cả thị trường ngay từ lúc này bằng cách nhập khẩu thịt lợn. Khi nguồn cung được bù đắp kịp thời thì giá không thể tăng phi mã như thời gian vừa qua.

Sau khi giá một mặt hàng nông sản tăng cao, người dân thường đẩy mạnh sản xuất nên trong thời gian sắp tới, nguồn cung sẽ đều tăng và một lần nữa nguy cơ ế thừa thịt lợn dẫn đến giảm giá có thể xảy ra như những năm trước đây. Năm 2017, chúng ta từng có cuộc “giải cứu thịt lợn” ở quy mô cấp quốc gia.

Có những bộ, ngành còn phải phát động phong trào tiêu thụ thịt lợn ủng hộ người chăn nuôi trong cả nước. Nếu sắp tới xảy ra tình trạng tương tự thì sẽ khó lòng kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ bởi họ đã phải mua thịt giá quá cao trước đó mà không có ai “giải cứu”. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần lường trước tình huống này để sớm có các giải pháp điều tiết ổn định giá cả thị trường chứ không nên để khi xảy ra rồi mới chạy theo giải quyết.

Bên cạnh việc dùng các giải pháp ổn định giá cả thịt lợn từ sớm để thị trường không xảy ra đột biến giá quá cao hoặc quá thấp, chúng ta cũng nên nghĩ tới việc giảm dần sự phụ thuộc của giá cả hàng hóa đối với mặt hàng này. Hiện nay, thịt lợn chiếm tới 70% trong "rổ" thực phẩm của người Việt nên khi nguồn cung giảm, giá bị đẩy lên quá cao và nhiều mặt hàng khác cũng bị tăng giá theo.

Chỉ cần giá thịt lợn biến động là ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Việc sử dụng quá nhiều một loại thực phẩm còn không tốt về mặt dinh dưỡng so với sử dụng thực phẩm đa dạng. Về lâu dài, cần thay đổi thói quen sử dụng quá nhiều thịt lợn trong mâm cơm người Việt, gia tăng các loại thực phẩm khác như thủy sản, gia cầm.

Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về khoa học dinh dưỡng cho người dân, phổ biến cách chế biến các loại thực phẩm không phải là thịt lợn. Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh phát triển gia súc, gia cầm và nhiều loại hình nuôi khác như thủy hải sản để tăng nguồn cung, giảm giá các loại mặt hàng này. Cơ cấu ngành chăn nuôi đa dạng với tỷ lệ không quá chênh lệch giữa các loại sản phẩm sẽ giúp giá cả thị trường bình ổn, cả người sản xuất lẫn tiêu dùng đều có lợi.

Dự báo những nguy cơ bất lợi để điều tiết giá cả thị trường từ sớm, thay đổi dần sự phụ thuộc vào một loại thực phẩm mới thực sự là cách giải cứu từ xa, có tác dụng lâu dài, giúp người tiêu dùng không phải mua hàng giá quá cao, người sản xuất có những lúc phải bán hàng giá quá thấp, giữ cho thị trường ổn định và lành mạnh.

THÁI HÒA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/giai-cuu-tu-xa-125712