Giải đáp, gỡ khó cho nông dân và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Chiều 19/12, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đã có buổi đối thoại với nông dân trên địa bàn tỉnh xoay quanh chủ đề 'Giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, bền vững' nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Phóng viên Báo Lào Cai ghi nhận các ý kiến tại cuộc đối thoại này.

Những vấn đề hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân quan tâm được giải đáp tại hội nghị

Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Hợp tác xã Thịnh Phong, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương hỏi: Thời gian tới, UBND tỉnh có chính sách gì để khuyến khích, hỗ trợ trực tiếp cho hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển và hoạt động có hiệu quả?

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, Trung ương đã ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ thông tin; chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX), Liên hiệp (HTX), tổ hợp tác (THT)... tại Nghị định 113/2024/NĐ-CP ngày 12/9/2024. Do chính sách Trung ương ban hành đã đầy đủ, bao trùm toàn bộ hoạt động của các HTX, THT... đáp ứng nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nên trước mắt UBND tỉnh chưa ban hành thêm chính sách. Thời gian tới, nếu có phát sinh những vấn đề mới, UBND tỉnh sẽ đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách để phù hợp với tình hình mới.

Ngày 23/10/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2705/QĐ-UBND về việc Phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hỗ trợ THT, HTX, Liên hiệp HTX thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai. Để HTX, THT tiếp cận được với các chính sách, đề nghị các địa phương tuyên truyền, phổ biến tới các HTX, THT về nội dung Quyết định 2705/QĐ-UBND.

 Sản xuất chè hàng hóa tại huyện Mường Khương.

Sản xuất chè hàng hóa tại huyện Mường Khương.

Ông Đặng Văn Trung, Hợp tác xã Cầu Mây, huyện Bảo Yên hỏi: Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của địa phương mong muốn được tiếp cận thị trường xuất khẩu (quế, chuối, dâu tằm…). Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại áp dụng một tiêu chuẩn, quy chuẩn khác nhau, đề nghị tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tiêu chuẩn áp dụng, cách thức tiếp cận đối với một số ngành hàng giúp sản phẩm sau chế biến tiếp cận được nhiều thị trường trên thế giới?

Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh trả lời: Để phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và đưa các loại nông sản của tỉnh tiếp cận được thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ… ,ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 10 đã đề ra.

Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 364/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do” đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo đó, đã đưa ra các nội dung, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của WTO và các Hiệp định thương mại tự do trong thương mại nông - lâm - thủy sản và thực phẩm đảm bảo hài hòa các quy định trong nước và quốc tế. Ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất bền vững hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí của thị trường một số nước trên thế giới.

 Nông dân huyện Bảo Yên thu hoạch quế.

Nông dân huyện Bảo Yên thu hoạch quế.

Ông Bùi Văn Hiện, xã Cốc San, thành phố Lào Cai hỏi: Hiện tại, Tổ hội nghề nghiệp nuôi trâu, bò xã Cốc San đang vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Nghị định 55/NĐ-CP với lãi suất 1,02%/tháng và 12,24%/năm. Tuy nhiên, đây là mức lãi suất khá cao nên nếu có nguyện vọng được vay vốn với lãi suất thấp, thời gian vay dài hơn so với hiện nay thì có chính sách nào mới không?

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lào Cai trả lời: Về lãi suất cho vay của Tổ hội nghề nghiệp nuôi trâu (12,24%/năm) có thể là khoản vay từ những năm trước đây. Hiện nay, tại 2 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang áp dụng lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn tối đa là 9%/năm; trung - dài hạn tối đa là 11%/năm. Bên cạnh đó, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang triển khai nhiều chương trình, gói sản phẩm tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với lãi suất rất ưu đãi, như:

- Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước, theo Nghị định 55, theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy (ngắn hạn: 4,0%/năm, trung - dài hạn: từ 6,0/năm - 10,0%/năm).

- Lãi suất cho vay chương trình OCOP (ngắn hạn: 3% - 4%; trung dài hạn: 5% - 8%/năm).

- Chương trình cho vay lâm sản, thủy sản (ngắn hạn: 3% - 4,5%/năm; trung - dài hạn: 5% - 8%/năm).

- Lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn ưu đãi (từ 3,5% - 6%/năm).

- Lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường (ngắn hạn: 5,0% - 6,5%/năm; trung - dài hạn: 7% - 11%/năm).

Do đó, để được hướng dẫn cụ thể và được áp dụng các chương trình, gói sản phẩm tín dụng phù hợp, đề nghị Tổ hội nghề nghiệp nuôi trâu, bò xã Cốc San, thành phố Lào Cai liên hệ đến 2 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn để được cung ứng dịch vụ sản phẩm theo nhu cầu.

 Người dân huyện Bát Xát vui mừng vì vụ sâm đất được mùa. (Ảnh: Tuấn Ngọc)

Người dân huyện Bát Xát vui mừng vì vụ sâm đất được mùa. (Ảnh: Tuấn Ngọc)

Bà Phạm Thị Ngọc, hội viên nông dân thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng hỏi: Trong những năm qua tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn nên người dân chưa mạnh dạn tái đàn. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng giá vắc-xin cao, người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh có chính sách nào để hỗ trợ vắc- xin dịch tả lợn châu Phi cho người dân không?

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin nên chưa có cơ sở pháp lý đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong thời gian tới, để sản xuất, kinh doanh an toàn (bảo vệ và phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn), đề nghị người chăn nuôi chủ động đầu tư kinh phí mua vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đánh giá, nghiên cứu đề xuất tỉnh ban hành các cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi trong thời gian tới để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.

Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Hối, huyện Bắc Hà hỏi: Thời gian tới, tỉnh có chính sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để nông dân có cơ hội tiếp cận, cầu vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm của hội viên nông dân không?

 Nông dân xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà thu hoạch lê Tai nung. (Ảnh: Viết Vinh)

Nông dân xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà thu hoạch lê Tai nung. (Ảnh: Viết Vinh)

Đại diện Sở Tài chính tỉnh trả lời: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ quy định: “Vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Hội Nông dân cấp tỉnh trình UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh quyết định mức vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong từng thời kỳ sau khi có ý kiến thống nhất với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư”. Đến nay, vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ nông dân được cấp 16 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 22/8/2024 của HĐND tỉnh về việc thông qua chủ trương kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Lào Cai, trong đó tại điểm b, khoản 4, Điều 1 quy định Vốn điều lệ của Quỹ từ năm 2025 đến năm 2030, ngân sách nhà nước bổ sung 30 tỷ đồng (năm 2025 bổ sung 5 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 bổ sung 25 tỷ đồng).

Sở Tài chính sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hội Nông dân tỉnh để tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung vốn điều lệ hằng năm cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Lào Cai theo đúng Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 22/8/2024 của HĐND tỉnh, góp phần giúp hội viên, nông dân có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn để phát triển kinh tế gia đình.

* Ngay sau Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh xung quanh cuộc đối thoại này.

 Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai.

Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai.

Phóng viên: Xin ông cho biết về vị trí của hội viên nông dân tỉnh trong phát huy vai trò “bệ đỡ” nền kinh tế của lĩnh vực nông nghiệp?

Ông Bùi Quang Hưng: Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh có 152 cơ sở hội với khoảng 106 nghìn hội viên nông dân, trong đó có khoảng 16 nghìn hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã quan tâm công tác hỗ trợ; chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kết nối các nguồn vốn; hỗ trợ đào tạo nghề; cung ứng vật tư và hỗ trợ các cơ sở hội nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế… Hội viên nông dân trong tỉnh luôn giữ vai trò trung tâm, chủ đạo, tích cực phát triển kinh tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Đặc biệt, nông dân giữ vị trí quan trọng trong việc phát huy vai trò “bệ đỡ” nền kinh tế của lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thời kỳ dịch bệnh Covid-19 và đợt thiên tai vừa qua.

Phóng viên: Việc tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân có ý nghĩa như thế nào đối với nông dân và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai? Thưa ông!

Ông Bùi Quang Hưng: Có thể khẳng định, tỉnh Lào Cai rất quan tâm đến nông dân, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Điều đó thể hiện qua việc tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách lớn của trung ương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh Lào Cai cũng ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, ưu tiên nguồn lực để thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng phát triển.

Năm 2024 là năm thứ 4 UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân bởi 3 lần trước đó (năm 2020, 2022, 2023), những buổi đối thoại trực tuyến đã góp phần giúp các cấp, ngành tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho nông dân; đề xuất các chính sách mới để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Thông qua hoạt động đối thoại, tỉnh cũng triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn; kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết tiêu thụ nông sản…

Với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, bền vững”, Hội nghị đối thoại trực tuyến là diễn đàn để nông dân, các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn báo cáo, đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh, địa phương; tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ, gắn kết người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã với các cấp, các ngành trong tổ chức sản xuất các ngành hàng chủ lực, tiềm năng của tỉnh gắn với liên kết sản xuất hàng hóa, chất lượng cao.

Phóng viên: Là người đứng đầu Hội Nông dân tỉnh, ông có kỳ vọng như thế nào về sự thay đổi trong chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn qua hội nghị đối thoại lần này?

Ông Bùi Quang Hưng: Thông qua đối thoại, lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời trả lời 18 ý kiến mà các địa phương, doanh nghiệp, HTX, THT và nông dân quan tâm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các vấn đề được giải đáp kịp thời giúp doanh nghiệp, HTX, THT và nông dân có thêm động lực, tự tin hơn trong quá trình lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh là cơ sở để các sở, ngành, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp, giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo sự đồng thuận, thống nhất cao từ quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Qua đó, phát huy hơn nữa vai trò của nông dân trong sản xuất, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh.

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành sẽ đề xuất thêm nhiều chính sách mới, phù hợp để hỗ trợ nông dân đẩy mạnh, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến để nâng cao giá trị nông sản; tiếp tục quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường hướng đến xuất khẩu nông sản.

Đồng thời, đề xuất thêm những chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp phát triển lớn mạnh; xây dựng các chuỗi liên kết hàng hóa bền vững; huy động thêm các nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi… để nông dân tiếp cận, vay vốn để phát triển sản xuất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giai-dap-go-kho-cho-nong-dan-va-linh-vuc-san-xuat-nong-nghiep-post394988.html