Giải đáp một số vướng mắc trong xét xử án hình sự, dân sự

Vừa qua, TAND tối cao ban hành Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 2.8.2021 giải đáp một số vướng mắc trong xét xử các vụ án hình sự, dân sự. Nội dung Công văn giải đáp 25 vướng mắc trong xét xử ở các lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, dân sự và tố tụng dân sự.

Phiên tòa xét xử vụ án hình sự (ảnh chụp trước ngày 1.7).

Phiên tòa xét xử vụ án hình sự (ảnh chụp trước ngày 1.7).

Đối với vướng mắc có nội dung: “Trong vụ án hình sự có đồng phạm bị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” hoặc tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất côn đồ” theo quy định của Bộ luật Hình sự, đối với đồng phạm khác là người phạm tội có vai trò không đáng kể, không trực tiếp tham gia thực hiện hành vi phạm tội thì khi xét xử có được cho hưởng án treo không?”.

Nội dung trên, theo TAND tối cao, căn cứ hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15.5.2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo, người phạm tội là người côn đồ thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.

Như vậy, trường hợp người phạm tội bị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” hoặc tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất côn đồ” theo quy định Bộ luật Hình sự thì thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, đối với vụ án hình sự có đồng phạm, khi xét xử Tòa án phải xem xét, đánh giá tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của từng đồng phạm để xác định có thuộc trường hợp “phạm tội có tính chất côn đồ” hay không.

Có Tòa án nêu vướng mắc “Trường hợp bị cáo phạm tội lúc chưa đủ 70 tuổi. Tại thời điểm xét xử, bị cáo đã trên 70 tuổi thì có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” theo quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự hay không?”.

Nội dung này, TAND tối cao khẳng định, quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự không phân biệt người phạm tội là người đã đủ 70 tuổi trở lên tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp khi phạm tội, bị cáo chưa đủ 70 tuổi nhưng trong quá trình xét xử họ đã đủ 70 tuổi trở lên thì Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” đối với họ.

Về tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, có vướng mắc “Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp vi phạm về thời hạn ra quyết định truy tố bị can và thời hạn giao cáo trạng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc có dấu hiệu sửa chữa ngày ghi biên bản giao nhận hồ sơ vụ án từ cơ quan điều tra sang Viện kiểm sát để phù hợp với thời hạn luật định. Vậy Tòa án có trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không?”.

Nội dung này, TAND tối cao cho rằng, trường hợp trên được xác định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, Tòa án chỉ trả hồ sơ để điều tra bổ sung nếu vi phạm này xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22.12.2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Trường hợp nếu Tòa án không trả hồ sơ thì khi xét xử và ban hành bản án, Tòa án phải đánh giá, phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Một vướng mắc khác được các Tòa án đề cập đó là: Do thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam nên Hội đồng xét xử đã tuyên bố trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.

Trường hợp này, Tòa án có phải ra quyết định thi hành án phạt tù đối với người bị kết án không?Trường hợp trên, Tòa án không ra quyết định thi hành án phạt tù mà ra quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án gửi kèm theo bản án quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa cho cơ quan thi hành án hình sự theo quy định.

Đối với giải quyết các vụ án dân sự, có Tòa án nêu vướng mắc: Ông A vay của ngân hàng 1 tỉ đồng, thời hạn vay 1 tháng kể từ ngày 2.1.2017, lãi suất 2% tháng. Sau thời hạn 1 tháng ông A không trả được nợ gốc và lãi.

Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 3.2.2017 đến ngày 3.2.2020, ngân hàng không khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ. Đến nay, ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ thì ông A có được quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không?

TAND tối cao cho rằng, theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Căn cứ quy định trên, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết.

Tuy nhiên, theo quy định khoản 2, Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015, không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Do đó, ngân hàng có thể khởi kiện ông A yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) và Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Thiên Di

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/giai-dap-mot-so-vuong-mac-trong-xet-xu-an-hinh-su-dan-su-a136338.html