Giải đáp những câu hỏi lớn của bảo hiểm xe máy bắt buộc
Bảo hiểm xe máy bắt buộc đã được áp dụng tại Việt Nam hơn 10 năm qua và nay đang trải qua đợt cải tiến lớn nhất từ trước đến nay.
Ngày 15/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng đã ban hành TT 04/2121/TT-BTC quy định chi tiết một số điều của Nghị định.
Cùng điểm qua những câu hỏi lớn nhất từ đợt cải tiến này.
Mức bồi thường tối đa là bao nhiêu?
Điều 4, Thông tư 04/2121/TT-BTC quy định về mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người và tài sản do xe máy gây ra. Mức trách nhiệm bảo hiểm được hiểu là số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả cho thiệt hại về người và tài sản trong mỗi vụ tổn thất xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.
Theo đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn, tăng mạnh từ mức 100 triệu đồng hiện nay.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Bao lâu được chi trả bồi thường?
Khoản 2, Điều 14 của Nghị định quy định: “Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng”.
Như vậy, luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải lập tức tạm ứng khi chủ xe chưa hoàn thành hồ sơ yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 3 ngày này, doanh nghiệp sẽ phải xác định tai nạn thuộc phạm vi bồi thường hay không để đưa ra mức tạm ứng phù hợp.
Hồ sơ bồi thường được tinh giản ra sao?
Nghị định 03/2021 được cả người dân và doanh nghiệp bảo hiểm hoan nghênh vì được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm.
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách. Trong đó, 1/5 số tài liên quan đến cơ quan công an cũng đã được cắt giảm để tạo thuận lợi nhất cho người tham gia bảo hiểm.
Việc cắt giảm các loại hồ sơ, giấy tờ phải thu thập theo hồ sơ bồi thường mang lại hiệu quả về mặt kinh tế vì giúp giảm chi phí liên quan đến việc tổ chức giải quyết bồi thường đối với cả bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm (những chủ thể này đều có trách nhiệm thu thập tài liệu liên quan của hồ sơ bồi thường).