Giải đáp 'vướng mắc' của các địa phương về giá đất, bồi thường tái định cư

Hội nghị phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 6/9, tại Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Quá trình thi hành các Nghị định, Thông tư lĩnh vực đất đai sẽ không tránh khỏi những vấn đề chưa thống nhất trong cách hiểu đối với một số địa phương, đặc biệt là các quy định về giá đất, về bồi thường tái định cư.

Bên cạnh đó, việc triển khai các văn bản pháp luật này còn vướng mắc nhất định do nhiều nguyên nhân khác nhau; cần được tháo gỡ trong thời gian nhanh nhất.

Đây là nội dung chính được nhiều địa phương đề cập tại Hội nghị phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 6/9, tại Hà Nội.

Giới thiệu Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho biết, Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về phương pháp định giá đất quy định tại Điều 158; xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất quy định tại Điều 159; định giá đất cụ thể quy định tại Điều 160; điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 162; áp dụng phương pháp định giá đất của các trường hợp chuyển tiếp quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai 2024.

Theo ông Đào Trung Chính, đối với việc điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại Khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai 2024, trình tự, thủ tục phải tuân thủ quy định tại Nghị định 71/2024 của Chính phủ quy định về giá đất. Quá trình điều chỉnh về mặt kỹ thuật phải tuân thủ các yếu tố: Đảm bảo nguyên tắc thị trường; đảm bảo nguyên tắc Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai quyết định về giá đất; phải có trách nhiệm tiếp thu, giải trình đối với ý kiến của các đối tượng chịu tác động của bảng giá đất để khi trình Hội đồng Nhân dân quyết định bảng giá đất đảm bảo hài hòa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước về giá đất, đồng thời tránh thất thu ngân sách Nhà nước, không làm ảnh hưởng tới người dân doanh nghiệp.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Giải thích lý do điều chỉnh bảng giá đất, ông Đào Trung Chính cho rằng các địa phương cần phải điều chỉnh bởi theo bảng giá đất của Luật Đất đai 2013 đang còn hiệu lực, bảng giá đất nằm trong giới hạn khung giá đất của Chính phủ.

Trong thời gian thực hiện bảng giá đất này, nếu có biến động giá đất phổ biến trên thị trường quá 20% thì các địa phương phải điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.

Tuy nhiên, khi xây dựng bảng giá 5 năm, hàng năm nhân với hệ số điều chỉnh, các địa phương không điều chỉnh dẫn tới khi thực hiện Luật Đất đai 2024, nếu không điều chỉnh bảng giá đất sẽ không phù hợp. Bên cạnh đó, về nguyên tắc khi áp dụng Luật, nếu chưa phù hợp thì phải điều chỉnh để phục vụ các mục tiêu quản lý của Nhà nước.

Cũng theo ông Đào Trung Chính, về nguyên tắc điều chỉnh bảng giá đất phải đảm bảo hài hòa giữa thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; hài hòa giữa các đối tượng sử dụng đất và Nhà nước.

Chia sẻ về Nghị định số 88/2024/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Vũ Sỹ Kiên cho rằng điểm nổi bật của Nghị định này là quy định việc bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Khoản 1 Điều 96, Khoản 1 Điều 98, Khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai 2024.

Nghị định cũng quy định giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho tổ chức kinh tế có đất ở thu hồi là giá đất cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở mà có chênh lệch giá trị giữa tiền bồi thường, hỗ trợ về đất với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất khác hoặc tiền mua nhà ở thì xử lý như sau: Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất lớn hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi được nhận phần chênh lệch.

Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi phải nộp phần chênh lệch.

Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh căn cứ quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế tại địa phương quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở để bồi thường cho người có đất thu hồi.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trong lĩnh vực đất đai cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc của các địa phương đối với các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024: bồi thường tái định cư (đất nông nghiệp đã xây dựng nhà ở); giải phóng mặt bằng, định giá đất; phương pháp điều chỉnh chính sách bồi thường thu hồi đất; xác định vùng phụ cận cho dự án thu hồi đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giai-dap-vuong-mac-cua-cac-dia-phuong-ve-gia-dat-boi-thuong-tai-dinh-cu-post974587.vnp