Giai điệu mùa thu

Mấy hôm nay lá trên phố Phan Ðình Phùng rụng nhiều. Có lẽ ít nơi nào có khung cảnh này như ở Hà Nội, lá vàng ngập những con đường, nhưng ngước lên vẫn gặp những vòm xanh thâm nghiêm, vĩnh cửu.

Mấy hôm nay lá trên phố Phan Ðình Phùng rụng nhiều. Có lẽ ít nơi nào có khung cảnh này như ở Hà Nội, lá vàng ngập những con đường, nhưng ngước lên vẫn gặp những vòm xanh thâm nghiêm, vĩnh cửu.

Nhiều ngày nay, Hà Nội không ghi nhận ca bệnh Covid-19 mới trong cộng đồng. Thành phố trở lại nhịp sinh hoạt thường nhật, sôi động, hối hả, nhưng dịu dàng, sâu lắng. Vẻ đẹp nghìn năm ấy của Hà Nội chưa từng mất đi, nhưng khi thu sang, tiết trời dịu mát, gió heo may lao xao trên từng mái phố, trên những hàng cây, con đường, ta càng cảm nhận được điều đó rõ rệt hơn. Ði dưới những hàng cây của Thủ đô, mặc cho những ồn ào, huyên náo của phố phường, ta vẫn cảm nhận được những bình yên hiện diện. Ðó là sự bình yên thật sự khi ta đặt thành phố của chúng ta, đất nước ta trong bối cảnh chung của cả thế giới trước đại dịch. Hà Nội đã cho chúng ta niềm tin trong đời thực, không chỉ là cảm giác trong tâm hồn. Những người bạn của tôi đang học tập tại nước ngoài, trong những cuộc trò chuyện online, bên cạnh câu chuyện về thời tiết, học hành, đời sống… luôn bày tỏ nỗi mong nhớ Hà Nội. Trong nỗi mong nhớ ấy chứa đựng cả niềm tin khi Hà Nội đã và đang vững vàng vượt qua đại dịch mà cả thế giới phải hứng chịu.

Phố phường Hà Nội trở lại không khí sôi động, sầm uất như từng có. Trong hối hả, ồn ào, trong những tiếng nói cười là niềm vui, sự biết ơn và trân trọng những gì mà chúng ta đang có được. Những người bạn dù ở trong cùng thành phố, nhưng vì dịch bệnh mà lâu ngày mới gặp nhau, tay bắt mặt mừng kể cho nhau nghe về những ngày thực hiện giãn cách; những người già cùng phố, ngồi bên ấm trà, nói với nhau về những năm tháng không quên vừa xảy ra; những đứa trẻ gặp lại bạn sau quãng dài nghỉ dịch, những râm ran như bù đắp lại khoảng thiếu vắng vừa qua. Những sân trường, giảng đường lại tinh tươm trong tiếng trống rộn rã… Hà Nội của tôi vẫn bao dáng người chầm chậm bên Hồ Gươm soi bóng, vẫn phố đi bộ rộn rã cuối tuần. Nhìn vào đó để thấy được những nỗ lực của người dân, của chính quyền, của cả hệ thống chính trị. Và cũng nhìn vào đó để thấy được giá trị của "sự bình thường". Ðã từng có những ngày cách ly tôi nghĩ, chỉ cần được ra phố, được làm việc như một ngày bình thường thôi, đó đã là một niềm hạnh phúc. Có bao nhiêu đất nước, bao nhiêu con người trên thế giới này không được hưởng thụ những điều giản dị, bình thường ấy?

Chúng ta đang sống trong những ngày thu đẹp nhất. Mùa thu năm nay, chúng ta kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội. Thành phố hôm nay vẫn còn lưu dấu những bóng dáng của Thăng Long xưa. Người Hà Nội vẫn giữ cốt cách của xứ kinh kỳ trong đời sống thường nhật với lời ăn tiếng nói, những ứng xử, gu ẩm thực tinh tế… Sau đại dịch, việc đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng được duy trì như một thói quen đương nhiên, và không ai bận lòng vì điều đó. Người Hà Nội giữ gìn cho mình và giữ gìn cho nhau như một biểu hiện của văn hóa, văn minh và tinh tế, đó chẳng phải là tố chất của người Hà Nội đó sao.

Tôi gặp lại bà bán nước trong ngõ nhỏ sau một thời gian dài bà nghỉ bán do thực hiện giãn cách xã hội. Vẫn quán nước đơn sơ, nhưng đôi mắt bà ngời lên rạng rỡ. "Cô ngồi uống chén nước đã. Dân mình, chính quyền mình tài thật cô ạ, dịch bệnh căng thẳng, phức tạp thế mà rồi cũng yên được. Tôi lại được ngồi đây bán hàng". Mỗi người bàn thêm một câu râm ran ngõ nhỏ. Tôi chợt nhớ đến một câu hát quen thuộc: "Một ngõ vắng xôn xao nằm trong lòng phố lớn. Một tiếng nói yêu thương cho lòng thêm tơ vương…".

Vâng, lòng tôi đang xôn xao, Hà Nội của tôi đang xôn xao, bắt đầu từ những ngõ nhỏ thân thương, từ những con người xa lạ và thân thuộc. Hà Nội của tôi đang ngân lên những giai điệu tuyệt vời nhất của mùa thu.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/giai-dieu-mua-thu-619637/