Giai đoạn giao thời giữa kinh tế kế hoạch và kinh tế hàng hóa

Trong 10 năm (1986 - 1995) chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng từ mô hình kinh tế kế hoạch, cơ chế quản lý bao cấp sang mô hình kinh tế hàng hóa, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, có sự quản lý của Nhà nước.

Năm 1989, lần đầu tiên Xí nghiệp Liên hiệp Gang thép Thái Nguyên (Bộ Cơ khí và Luyện kim) đã xuất khẩu sang thị trường các nước tư bản 23.000 tấn thép các loại, gần 3.200 tấn gang đúc… Trong ảnh: Thép xuất khẩu tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá. (Ảnh: TTXVN)

Năm 1989, lần đầu tiên Xí nghiệp Liên hiệp Gang thép Thái Nguyên (Bộ Cơ khí và Luyện kim) đã xuất khẩu sang thị trường các nước tư bản 23.000 tấn thép các loại, gần 3.200 tấn gang đúc… Trong ảnh: Thép xuất khẩu tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá. (Ảnh: TTXVN)

Hình thành kinh tế hàng hóa

Ngày nay nhìn lại, có thể coi 3 năm 1986 - 1988 là giai đoạn giao thời, khi mô hình kinh tế kế hoạch hóa, cơ chế bao cấp đã được nhận diện là lỗi thời, nhưng chưa bị xóa bỏ hẳn, nên có sự đấu tranh quyết liệt cả về mặt tư tưởng, lý luận để xác định những bước đi, tiến tới hình thành cơ chế quản lý kinh tế mới, với mô hình kinh tế hàng hóa.

Về mặt tư tưởng, ngay từ năm 1986, Đảng ta đã chủ trương phá vỡ những “kỵ, húy” khi nói về những sai lầm của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương 11, Khóa V thảo luận về dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ trình bày tại Đại hội Đảng VI, khi nói về khuynh hướng tư tưởng sai lầm chủ yếu, Bộ Chính trị và Đoàn Chủ tịch Hội nghị kết luận rằng, qua 10 năm thấy rõ biểu hiện của “tả” và “hữu”.

- Về “tả” muốn đốt cháy giai đoạn, muốn làm công nghiệp hóa nhanh, ham làm nhiều công nghiệp nặng.

- Về “hữu”, trong điều hành nể nang, xuê xoa, đoàn kết một chiều, vô nguyên tắc.

Tại Đại hội Đảng VI, Đảng đề ra chủ trương: “Trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên, trước mắt là trong kế hoạch 5 năm 1986 - 1990, phải thật sự tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện cho được 3 chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, để đến khi kết thúc chặng đường đầu tiên đạt được kết quả như sau:

- Về lương thực, thực phẩm: bảo đảm lương thực đủ ăn cho toàn xã hội và có dự trữ. Đáp ứng một cách ổn định nhu cầu thiết yếu về thực phẩm. Mức tiêu dùng lương thực, thực phẩm phải bảo đảm tái sản xuất sức lao động.

- Về hàng tiêu dùng: sản xuất đáp ứng được nhu cầu bình thường của nhân dân thành thị và nông thôn về những sản phẩm công nghiệp thiết yếu.

- Về hàng xuất khẩu: tạo được một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; đạt kim ngạch xuất khẩu đáp ứng được phần lớn nhu cầu nhập khẩu vật tư, máy móc, phụ tùng và những hàng hóa cần thiết”.

Nhưng cuộc đấu tranh này tiếp tục dai dẳng. Thông báo Kết luận số 14-NQ/TW ngày 23/5/1988 của Bộ Chính trị yêu cầu: “Kiên quyết đình hoãn những công trình xây dựng ngoài kế hoạch Nhà nước và chưa đem lại hiệu quả thiết thực”.

Tháng 6/1988, tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa VI, người đứng đầu cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh một lần nữa phê phán khuynh hướng tư tưởng “tả” khuynh: “Về cơ cấu kinh tế, chủ trương xây dựng công nghiệp nặng trên quy mô lớn, tốc độ cao, coi nhẹ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”; và “hữu” khuynh: “Thiếu không khí tự phê bình và phê bình trên tình đồng chí, thay vào đó là bệnh nể nang, xuê xoa theo kiểu “dễ người dễ ta”.

Về lý luận, đây được xem là giai đoạn khủng hoảng về lý luận. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khẳng định: “đã bộc lộ lạc hậu về nhận thức lý luận và vận dụng các quy luật trong thời kỳ quá độ”. Công tác lý luận tiếp tục trở thành mối quan tâm kéo dài trong suốt giai đoạn giao thời.

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kêu gọi các cơ quan nghiên cứu lý luận cần thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút ra bài học hay để phổ biến, nâng lên thành lý luận để chỉ đạo trở lại hoạt động thực tiễn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa VI, phần nói về Một số nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng nhấn mạnh: “gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục lối giáo dục lý luận trừu tượng có tính chất kinh viện”.

Khi bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Khóa VI, tháng 6/1988, Đảng ta đã thống nhất về mặt nhận thức “Lý luận Cách mạng Việt Nam phải xuất phát từ thực tế Việt Nam và giải quyết những vấn đề do Cách mạng Việt Nam đặt ra”. Điều này có nghĩa là, bên cạnh những lý luận chung của hệ thống xã hội chủ nghĩa về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, các nhà lý luận của Đảng, các cấp, các ngành nước ta phải đi vào những mô hình hay, cách làm tốt của cơ sở, từ đó khái quát lên thành lý luận.

Đổi mới công tác lý luận

Công tác lý luận giai đoạn này hết sức quan trọng, bởi những đổi mới cơ chế quản lý đều liên quan và có những khác biệt với mô hình xây dựng xã hội chủ nghĩa truyền thống. Hàng loạt vấn đề lý luận được đặt lên “bàn cân” sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI:

- Xác định chặng đường “quá độ” đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?

- Dân chủ hóa trong quản lý hoạt động kinh tế có bảo đảm dân chủ phát huy đúng hướng theo mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội?

- Mối quan hệ giữa kế hoạch hóa và thị trường?

- Nhà nước điều tiết nền kinh tế bằng giá kế hoạch hay giá thị trường? Hay sử dụng kết hợp giá kế hoạch với giá thị trường?

- Kinh tế nhiều thành phần có làm các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển tự phát, làm rối loạn các cân đối trong nền kinh tế? Có dẫn đến hạn chế vai trò của xí nghiệp quốc doanh?

- Kinh tế nhiều thành phần có mâu thuẫn với mô hình xây dựng xã hội chủ nghĩa dựa trên công hữu về tư liệu sản xuất?

- Quyền tự chủ của xí nghiệp quốc doanh? Chuyển hoạt động của các tổ chức kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa?

- Quyền của kinh tế tư nhân trong hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp?

- Hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa có làm mất đi sự độc lập, tự chủ?

- Đảng viên có được làm kinh tế tư bản tư nhân hay không?

Những vấn đề trên, có vấn đề thống nhất được ngay, như quyền tự chủ của xí nghiệp quốc doanh, chuyển hoạt động của các tổ chức kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhiều thành phần, hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa; có vấn đề kéo dài sang tận những năm 1988, 1989, 1990 như kinh tế thị trường, giá thị trường, kinh tế tư nhân…

Đào Mạnh Đức

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/giai-doan-giao-thoi-giua-kinh-te-ke-hoach-va-kinh-te-hang-hoa-115393.htm