Giai đoạn phát triển mới Việt Nam - Italia, Việt Nam - Vatican
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Italia Sergio Mattarella và Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italia và thăm Tòa thánh Vatican từ ngày 25 đến ngày 28/7/2023.
Trong bối cảnh đặc biệt Việt Nam-Italia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược, chuyến thăm lần của Chủ tịch nước sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới năng động hơn, hiệu quả hơn giữa Việt Nam với Italia. Chuyến thăm còn có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Vatican.
Việt Nam và Italia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và năm 2013 nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược. Chuyến thăm Italia lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa rất lớn, là dịp để lãnh đạo hai nước đánh giá lại những kết quả hợp tác thời gian qua, đồng thời đưa ra những kế hoạch, sáng kiến mới nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Thời gian vừa qua, hai bên duy trì thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao cũng như các cơ chế hợp tác song phương. Hợp tác kênh đảng được duy trì và thúc đẩy. Đặc biệt là kể từ năm 2013, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Italia, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU và ASEM, Việt Nam và Italia hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau.
Điểm sáng trong quan hệ hai nước là hợp tác thương mại và đầu tư. Việt Nam là 1 trong 10 thị trường mới nổi trong ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Italia đến 2030. Cho dù khó khăn vì COVID-19, năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 6,2 tỉ USD và đang hướng tới đạt 7-8 tỷ/năm. Italia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong ASEAN. Từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU có hiệu lực, một số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Italia, như thép, tăng mạnh.
Về đầu tư, tính đến hết năm ngoái, Italia đứng thứ 36/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 135 dự án, tổng vốn đạt hơn 412 triệu USD và đang hoạt động có hiệu quả. Việt Nam và Italia vẫn có tiềm năng lớn trong hợp tác về công nghệ chế tạo, trong đó có sản xuất động cơ; công nghệ chế biến; công nghệ luyện thép, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu...
Theo một báo cáo của Ngân hàng thế giới (tháng 7/2022), Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD đầu tư bổ sung vào các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu đến 2040. Phía Italia khẳng định tài trợ 250 triệu euro cho Việt Nam từ Quỹ phòng, chống biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Tại Italia hiện có khoảng 5000 người Việt Nam sinh sống, làm việc. Đây là cầu nối quan trọng để tiếp tục thắt chặt quan hệ hai nước trong thời gian tới, đặc biệt là thúc đẩy tiềm năng lớn về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giao lưu nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm dấu mốc đặc biệt trong quan hệ song phương, năm nay, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật giới thiệu về văn hóa đặc sắc của nhau. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự kiến ký kết Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn mới trong năm 2023 với nhiều hoạt động cụ thể thời gian tới.
Hai bên cũng có cơ hội lớn trong hợp tác du lịch khi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của du khách Italia và ngược lại, Italia cũng là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam khi thăm quan châu Âu.
Việc thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam và Italia còn có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU và ASEAN-EU.
Về chuyến thăm Tòa thánh Vatican lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đây là chuyến thăm rất ý nghĩa để tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Vatican. Tháng 11/2008, hai bên nhất trí thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam – Vatiacan. Từ năm 2011, Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh chính thức hoạt động tại Việt Nam. Hai bên duy trì hiệu quả tiếp xúc cấp cao và cơ chế Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican. Quan hệ giữa Tòa thánh Vatican, Giáo hội Công giáo Việt Nam với chính quyền các cấp hiện nay diễn ra trên tinh thần hiểu biết, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.
Trả lời phỏng vấn báo chí về quan hệ Việt Nam – Vatican, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng, phù hợp với Công giáo Việt Nam. Về phía Vatican, Giáo hoàng Benedict XVI đã ban hành các huấn từ, sứ điệp chỉ đạo chức sắc, tín đồ Công giáo Việt Nam thực hiện đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, khuyến khích cộng đồng công giáo Việt Nam đóng góp cho đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Việt Nam - Tòa thánh phát triển tích cực cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho sự kết nối giữa Tòa thánh với Công giáo Việt Nam và chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ mở ra những triển vọng mới cho quan hệ hai bên trong tương lai.