Giải mã 8 hành vi khó hiểu của trẻ
Phụ huynh thường không hiểu tại sao con hay kéo tóc, thích nhét đồ vật vào tai, mũi, ăn mấy thứ kỳ quái hay đập đầu vào gối. Thực ra, chúng có lý do khi làm vậy.
1. Nín thở: Một số đứa trẻ thường nín thở khi khóc, kéo dài đến một phút khiến người đờ đẫn, da mặt chuyển xám hoặc xanh, thậm chí ngất xỉu. Nhiều phụ huynh không biết đây là hành vi nằm ngoài kiểm soát. Chúng xảy ra khi con thấy tức giận, buồn bã, sợ hãi, sốc hoặc đau đớn. Dù có vẻ đáng sợ, hành vi này thường vô hại và chấm dứt khi trẻ lên 4, 5 tuổi. Ảnh: Brightside.
2. Thường xuyên cởi quần áo: Trẻ em không cảm thấy xấu hổ khi không mặc gì. Vì vậy, trẻ thường vô tư cởi quần áo mọi lúc, mọi nơi, kể cả nơi công cộng. Khi thấy con làm vậy, người lớn cần hiểu con đang cảm thấy không thoải mái hoặc nóng. Một lý do khác, trẻ đang học cách tự cởi quần áo, cảm thấy đó là kỹ năng cho rằng mình có thể tự lập. Ảnh: Brightside.
3. Uống nước tắm: Trẻ không hiểu nước tắm khác nước uống. Ngoài ra, trẻ con thích chơi đùa trong khi tắm, cảm thấy nước là thứ gì đó rất vui nhộn và thấy vui khi uống nó. Ảnh: Brightside.
4. Đập đầu: Một số trẻ đập đầu vào lan can cũi, gối, nệm trong lúc ngủ hoặc lúc nửa đêm. Khoảng 15% trẻ có hành vi này. Nhiều người lớn coi đây là biểu hiện của chứng rối loạn, trong khi những người khác tin đây là cách trẻ tự giải tỏa, tương tự như việc mút ngón tay. Theo chuyên gia tâm lý, hành vi này vô hại, đến thời điểm nào đó, trẻ tự dừng lại. Do đó, phụ huynh không cần lo lắng hay cho con điều trị tâm lý. Ảnh: Baby Center.
5. Nhét đồ vật vào tai, mũi, mắt: Trẻ thích khám phá thế giới nên có thể cố nhét những vật nhỏ vào tai, mũi, mắt, thử nghiệm với các đồ vật khác nhau. Trẻ làm vậy chỉ để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Ảnh: Brightside.
6. Ăn đồ lạ: Phụ huynh có thể nhận thấy con ăn mọi thứ, từ gỉ mũi, côn trùng đến bụi bẩn. Trẻ chỉ muốn khám phá thứ mới lạ, cảm nhận chúng bằng vị giác, thậm chí cảm thấy ăn ngon. Ảnh: UPMC Healthbeat.
7. Kéo tóc: Trẻ dưới hai tuổi thường xoắn, kéo tóc để tự trấn tĩnh hoặc làm vậy vì chán. Ở độ tuổi lên 3, con học cách để ý phản ứng của bố mẹ trước hành vi này, biến nó thành một trong những cách thu hút sự chú ý từ người lớn hay bày tỏ tức giận. Nhưng nếu lớn hơn, trẻ vẫn kéo tóc, người lớn nên để ý vì đây có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Ảnh: Brightside.
8. Nghe một câu chuyện nhiều lần: Lắng nghe lại câu chuyện đã biết giúp trẻ cảm thấy mình có thể kiểm soát thứ gì đó và thấy thoải mái. Trẻ biết bố mẹ sẽ đọc sách cho nghe trước khi đi ngủ. Việc biết trước câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào giúp trẻ thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ. Ảnh: Brightside.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-ma-8-hanh-vi-kho-hieu-cua-tre-post1067532.html