Giải mã 8 trọng tâm đối ngoại của Mỹ. Nửa định hướng, nửa ưu tiên

Tuyên cáo về định hướng đối ngoại Mỹ của cặp đôi Biden/Blinken hé lộ điều gì về ưu tiên đối ngoại của Mỹ hiện nay? Sách lược 'ngoài yên' để 'trong ấm' của chính quyền ông Biden. Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.

Sau hai bài phát biểu của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ đến lượt Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken có bài trình bày riêng về chủ đề này.

Cặp Biden/Blinken chủ trương đặt chính sách đối ngoại không những ở sau chính sách đối nội mà còn phục vụ đối nội và bị chi phối ở mức độ quyết định bởi đối nội. (Nguồn: AP/TTXVN)

Cặp Biden/Blinken chủ trương đặt chính sách đối ngoại không những ở sau chính sách đối nội mà còn phục vụ đối nội và bị chi phối ở mức độ quyết định bởi đối nội. (Nguồn: AP/TTXVN)

Trên phương diện cách tiếp cận chung và nội dung cơ bản, bài trình bày của ông Blinken không có mới mẻ gì so với những gì đã được ông Biden thể hiện. Ông Blinken cụ thể hóa những định hướng chính và pha trộn chúng trong mưu tính ưu tiên chính sách để triển khai thực hiện.

Kết quả là trong bài trình bày nói trên, ông Blinken đi xa hơn việc định hướng thuần túy nhưng lại chưa đủ mức để được coi là đã xác định hoàn chỉnh thứ tự ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ.

"Ngoài yên" để "trong ấm"

Ở thời kỳ phải tập trung ưu tiên hàng đầu cho đối nội này, ông Biden chỉ điều chỉnh những phương diện chính sách đối ngoại nhất định nào đấy và chỉ ở mức độ sao cho giúp nước Mỹ được yên ổn tương đối ở bên ngoài nhưng không bị coi là yếu thế và không để đối tác bên ngoài nào, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, tận dụng và lợi dụng việc chính quyền mới ở Mỹ phải tập trung ưu tiên hàng đầu cho chuyện đối nội để gây thêm bất lợi hoặc tổn hại mới cho nước Mỹ.

Lời giải thích khả dĩ nhất ở đây chỉ có thể là cặp Biden/Blinken chủ trương đặt chính sách đối ngoại không những ở sau chính sách đối nội mà còn phục vụ đối nội và bị chi phối ở mức độ quyết định bởi đối nội.

Điều này rất đáng được chú ý bởi từ đó có thể thấy vì sự cấp thiết của nhu cầu hiện tại về xử lý ổn thỏa và nhanh chóng các vấn đề cấp thiết ở nước Mỹ mà chính quyền của ông Biden không quan tâm hàng đầu và không thể quan tâm nhiều đến việc xử lý những hồ sơ chính trị an ninh đối ngoại vẫn còn dai dẳng đối với nước Mỹ. Ở đây có thể thấy cách tiếp cận của cặp Biden/Blinken là tìm cách giữ cho "ngoài yên" để kiếm tạo "trong ấm".

Ở thời kỳ phải tập trung ưu tiên hàng đầu cho đối nội này, ông Biden chỉ điều chỉnh những phương diện chính sách đối ngoại nhất định nào đấy và chỉ ở mức độ sao cho giúp nước Mỹ được yên ổn tương đối ở bên ngoài nhưng không bị coi là yếu thế và không để đối tác bên ngoài nào, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, tận dụng và lợi dụng việc chính quyền mới ở Mỹ phải tập trung ưu tiên hàng đầu cho chuyện đối nội để gây thêm bất lợi hoặc tổn hại mới cho nước Mỹ.

Cho nên ông Biden nồng ấm ngay mối quan hệ của Mỹ với hai nước láng giềng. Cho nên ông Biden tuyên cáo "Nước Mỹ trở lại" để cả thế giới phải trù liệu đến việc nước Mỹ trở lại với thế giới. Cho nên ông Biden tranh thủ các đồng minh và đối tác của Mỹ. Cho nên ông Biden không thời sự hóa chuyện quan hệ của Mỹ với Triều Tiên và tìm cách níu kéo Iran vào thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA). Cho nên ông Biden vừa làm găng với Nga nhưng cũng lại đồng thời duy trì hợp tác với Nga. Cho nên ông Biden về cơ bản không vội vã thay đổi gì ở chính sách của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc.

Chủ ý chính của ông Blinken với những thông điệp và nội dung trong bài trình bày vừa rồi là thể hiện sự đồng thuận quan điểm giữa cá nhân Bộ trưởng ngoại giao với Tổng thống. Hai người này muốn tỏ ra thật sự cùng hội cùng thuyền và tạo thành cặp bài trùng chứ không đồng sàng dị mộng như ông Donald Trump và ông Rex Tillerson hay không phải mối quan hệ được cho là “gọi dạ bảo vâng” như giữa ông Trump và ông Mike Pompeo.

8 trọng tâm của ông Blinken: Đối nội hay đối ngoại?

Nội dung và thứ tự ưu tiên chính sách có thể khác nhưng có ba điều sẽ không thay đổi là khía cạnh dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền sẽ được coi trọng hơn, ngoại giao được đề cao nhưng biện pháp quân sự vẫn luôn sẵn sàng được sử dụng và mức độ xung khắc với Nga và Trung Quốc còn gia tăng hơn nữa chứ không giảm bớt.

Ông Blinken liệt kê 8 nội dung trọng tâm cho chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ thì ba nội dung đầu tiên thuần túy đối nội: Đẩy lùi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra ở Mỹ, khôi phục tăng trưởng kinh tế Mỹ và đổi mới nền dân chủ Mỹ.

Trong số năm nội dung còn lại thì có hai là cải cách hệ thống nhập cư và nước Mỹ đi đầu thế giới về công nghệ cũng có hàm lượng đối nội rất đáng kể. Chỉ có ba nội dung còn lại có thể được coi là đối ngoại, cho dù cũng không hẳn hoàn toàn đối ngoại: Làm sống lại mối quan hệ của Mỹ với đồng minh và đối tác, bảo vệ khí hậu trái đất và cách mạng năng lượng xanh, và đối phó Trung Quốc. Sự pha trộn giữa đối nội và đối ngoại như thế này cho thấy ông Biden đưa ra định hướng và ông Blinken cụ thể hóa thêm thế thôi chứ cả hai gộp lại chưa đủ để thành một chiến lược hay chính sách đối ngoại hoàn chỉnh và nhất quán.

Chắc phải sau khi giải quyết được cơ bản những vấn đề đối nội cấp thiết hiện tại đối với nước Mỹ, chính quyền của ông Biden mới đưa ra chính sách đối ngoại cho thời gian tới. Nội dung và thứ tự ưu tiên chính sách có thể khác nhưng có ba điều sẽ không thay đổi là khía cạnh dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền sẽ được coi trọng hơn, ngoại giao được đề cao nhưng biện pháp quân sự vẫn luôn sẵn sàng được sử dụng và mức độ xung khắc với Nga và Trung Quốc còn gia tăng hơn nữa chứ không giảm bớt.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-ma-8-trong-tam-doi-ngoai-cua-my-nua-dinh-huong-nua-uu-tien-138639.html