Giải mã bí ẩn của bức tượng 'người đàn bà ngoại tình'
Tại vườn hoa Luxembourg ở Paris ( Pháp) có một bức tượng nhiều người vẫn quen gọi với cái tên: 'Người đàn bà ngoại tình'.
Đã một thời, dư luận thắc mắc mãi tại sao người ta lại truyền tai nhau về
bức tượng với cái tên "Người đàn bà ngoại tình" mà không phải là đàn ông ngoại tình hay ngoại tình...
Lẽ nào đàn bà ngoại tình mới đáng bị chỉ trích, đáng bị trừng phạt? Ở thời điểm chủ đề này tiếp tục "dậy sóng" dư luận về nghi án tình cảm của những ngôi sao showbiz, bí ẩn về bức tượng "có một không hai" trên thế giới cũng dấy lên nhiều tranh luận.
Bức tượng vẫn được mọi người quen gọi nôm na "Người đàn bà ngoại tình" có ba nhân vật chính: Một người đàn bà trong tư thế gần như khỏa thân với những đường cong cơ thể đầy quyến rũ lọt thỏm trong vòng tay người đàn ông cường tráng và trên đầu họ tảng đá đang sắp sửa giáng xuống với một người đàn ông đang nổi cơn thịnh nộ.
Nhìn bao quát, trong ba nhân vật, người đàn bà nhỏ bé nhất, kế đến người đàn ông tưởng như có thể che chở được cho nàng nhưng hoàn toàn không hay biết cái chết đủ sức bao trùm tất cả...
Qua tên gọi truyền miệng mang tính bi kịch, mỗi người có dịp ngắm bức tượng này đều có thể tiếp cận bằng cảm xúc, ý nghĩa khác nhau và điều ám ảnh nhất với nhân loại là cái ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết đang lơ lửng trên đầu cặp tình nhân kia. Trên gương mặt người đàn bà đẹp nở một nụ cười trong khi đôi mắt gần như khép lại.
Có người bảo, ngoại tình đương nhiên có trừng phạt bằng cái chết cũng đích đáng lắm. Nhất là trước một người đàn bà mong manh, yếu đuối thì sự trừng phạt đôi khi chẳng cần phải dùng đến sức lực. Nhưng với những người đang yêu như chết là hạnh phúc kia thì cái chết có thực sự đáng sợ hay đó là sự giải thoát?
Rốt cuộc, tư tưởng bức tượng giữa Kinh đô ánh sáng Paris nhằm ca ngợi tình yêu hay lên án việc ngoại tình? Chỉ biết khi bức tượng vẫn hiện hữu giữa thủ đô Paris hoa lệ với hàng triệu triệu lượt chiêm ngưỡng thì bao kẻ ngoại tình, nhất là đàn bà trên thế giới này đã bị trừng phạt không cần đến bàn tay
Thần Chết !
Nhưng câu chuyện thực sự phía sau bức tượng quen được gọi với cái tên "Người đàn bà ngoại tình" hoàn toàn không như những lời truyền miệng.
Đó là huyền thoại về nàng Galatea (còn gọi là Galateia, Galatia) - một nàng tiên biển. Galatea được miêu tả rất đẹp. Nàng có làn da trắng như sữa. Vẻ đẹp hiếm có ấy đã đi vào thơ ca, hội họa nhưng chính Galatea cũng không ngờ được sắc đẹp đã mang đến cho nàng bi kịch.
Trong bức tranh vẽ tường có tên Galatea, Raphael (1513) ở thành Rome, thần Tình yêu Cupid còn rủ thêm đám anh em Eros và Antieros cùng chĩa cung vào nàng như một sự cảnh báo rằng sau này Galatea sẽ có nhiều người yêu. Nhưng Galatea chỉ yêu say đắm Acis – con trai thần nông Pan bất chấp sự can thiệp, si mê của tên khổng lồ thô kệch Polyphemos.
Để chinh phục Galatea xinh đẹp, Polyphemos cũng tìm cách chải chuốt, tắm rửa, tặng nho, phó mát và trái cây tươi cho nàng. Trong thời gian ấy, hắn như biến thành người khác, tàu bè có thể đi ngang qua địa phận của hắn mà không sợ bị nuốt chửng.
Sợ vẫn chưa được chấp nhận, Polyphemos nấp trong bụi lau trước cửa hang mà Galatea hay lui tới ngồi chờ để ngắm nàng từ xa. Xui xẻo thay, Galatea xuất hiện cùng Acis. Hai người dắt nhau vào hang tình tự. Polyphemos nổi cơn thịnh nộ đã giáng tảng đá to vào Acis.
Thương người yêu, và nhìn thấy cảnh máu của chàng chảy lênh láng như nước, nàng tiên biển Galatea biến chàng thành dòng sông nhỏ chảy về biển và cùng tan vào nhau. Dòng sông ấy có tên là Fiume di Jaci hiện nằm ở thị trấn cổ Acriceale.
Biết được huyền thoại về nàng Galatea hoàn toàn khác biệt với tên gọi phổ biến của bức tượng là "Người đàn bà ngoại tình", hẳn sẽ có những tiếng thở phào, những lời bàn tán, đính chính, tranh luận...
Nhưng dù sao, trước cơn bão dư luận đang xoay quanh chủ đề chưa bao giờ cũ này, bức tượng vẫn cho thấy vẻ đẹp bất diệt của tình yêu. Nếu đã là tình yêu thuần khiết thì cái chết cũng chẳng thể chia cắt nổi.