Giải mã bí ẩn 'đại dương' xuất hiện trên bầu trời
Một đoạn video mới đăng tải trên mạng đã cho thấy những hình ảnh ngoạn mục về các đám mây có hình dạng giống các lớp sóng xô đẩy vào nhau phía trên bầu trời Colorado, Mỹ.
Theo các chuyên gia, hiện tượng "đại dương" trên mây xảy ra khi 2 lớp không khí khác nhau trong bầu khí quyển đang dịch chuyển với vận tốc khác nhau. Khi hai lớp không khí này gặp nhau, một lớp khác được tạo thành, trở nên kém bền vững hơn do các thay đổi về tốc độ.
Quá trình trên dẫn đến sự hình thành một lốc xoáy và các dạng mẫu giống như những cơn sóng nhỏ xô cuộn vào nhau thành các lớp sóng lớn hơn.
"Sự dịch chuyển của gió tạo nên các đợt sóng trong dòng chảy của không khí và khi có đủ lượng ẩm hiện diện để tại thành mây, kết quả sẽ là một số xoáy nước cuộn đang cuộn tròn, quan sát được ở dọc phần trên của đám mây. Những xoáy nước này thường có khoảng cách đều nhau, dễ phân biệt và xuất hiện không lâu", nhà khí tượng học Chris Spears giải thích.
Hồi đầu năm nay, hai nghiên cứu từng hé lộ việc các đợt sóng cân đối như trên có thể được tìm thấy ở rìa không gian gần Trái đất như thế nào. Khám phá có được khi các nhà khoa học muốn tìm hiểu chi tiết về những gì xảy ra ở các ranh giới này do các thay đổi ở đó có thể ảnh hưởng đến những hệ thống như mạng lưới điện trên Trái Đất.
Shiva Kavosi, nhà khoa học vũ trụ thuộc Đại học New Hampshire (Mỹ), cho biết, trước đây, các nhà nghiên cứu đã biết về sự tồn tại của các lớp sóng Kelvin-Helmholtz ở rìa tầng từ trường của Trái đất. Song, chúng từng được coi là tương đối hiếm gặp và được cho là chỉ xuất hiện trong những điều kiện đặc biệt. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới chỉ ra rằng, chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ điều kiện nào và trong thực tế dường như phổ biến hơn suy nghĩ của chúng ta lâu nay.